(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/6/2005, US Grand Prix tại Indianapolis kết thúc chỉ với 6 chiếc xe sau khi một loạt các sự kiện không lường trước đã dẫn đến việc tất cả các xe sử dụng lốp Michelin rút lui trước thời điểm xuất phát.
Trong video mới đây đăng trên trang chủ của F1, trường đua Hà Nội được giới thiệu một cách khái quát về chiều dài, số góc cua, các khu vực kích hoạt DRS và khu vực đặt bẫy tốc độ.
Sau khi vô số địa điểm không thành công vào những năm 1980, F1 đã trải qua phần lớn những năm 1990 mà không có một chặng đua nào ở Mỹ. Ở mùa giải 2000, tất cả đã thay đổi khi Indianapolis Motor Speedway - một trong những địa điểm đua xe mang tính biểu tượng nhất trên toàn thế giới - đã mở cửa chào đón F1 trên một đường đua bên trong mới.
Dấu hiệu xấu
Những năm đầu tiên diễn ra suôn sẻ, nếu không muốn nói là đặc biệt. Đường đua này chứng kiến thắng lợi cuối cùng của Mika Hakkinen vào năm 2001, và một kết thúc thực sự khó khăn vào năm 2002 khi Ferrari hoàn toàn làm hỏng nỗ lực sắp xếp một tấm ảnh cuối chặng. Tuy nhiên, Indianapolis Motor Speedway cũng không còn tạo ra nhiều ảnh hưởng cho đến năm 2004.
Đầu chặng đua, Fernando Alonso của Renault đã bị hỏng lốp ở cuối đường thẳng. Một vài vòng đua sau đó, Ralf Schumacher cũng bị hỏng lốp ở chiếc xe Williams - lần này là trên bờ nghiêng - và cuối cùng lại chạy lùi vào tường. Tác động lớn đã khiến anh bị chấn động và gãy xương nhẹ ở cột sống, buộc anh phải vắng mặt trong 6 chặng đua tiếp theo. Điều đáng nói là cả hai chiếc xe đều chạy lốp Michelin, để rồi người ta càng có lí do để nói nhiều hơn về sự kiện sẽ diễn ra vào năm sau.
Ở thời điểm chặng đua năm 2005, mọi thứ đã thay đổi một chút. Indianapolis đã được phủ lại bề mặt đường đua và sau đó, khi đường đua được thử nghiệm với giải Indy 500 năm đó, nhà sản xuất lốp xe Firestone lưu ý rằng độ mòn của lốp xe cao bất thường. Các rãnh nhỏ đã được cắt vào bề mặt và vì thế, Firestone phải thay đổi cấu trúc lốp xe để đối phó với những thay đổi.
Trong thế giới F1, các quy tắc lốp xe đã chứng kiến một sự thay đổi đáng kể. Bridgestone và Ferrari đã thống trị năm 2004 đến mức FIA đưa ra các quy tắc được thiết kế để chốt chúng lại - một trong số đó là bắt buộc tất cả các lái xe sử dụng một bộ lốp cho toàn bộ chặng đua, chỉ được phép dừng lại để tiếp nhiên liệu. Quy định phát huy hiệu quả khi Ferrari mất tất cả khả năng cạnh tranh, và các đội sử dụng lốp Michelin - Renault và McLaren - vươn lên mạnh mẽ.
Quay trở lại với chặng US Grand Prix năm 2005, tất cả những thay đổi này sắp sửa kết hợp trong một cơn bão hoàn hảo và tạo ra trò hề lớn nhất trong lịch sử F1.
Thiệt hại lớn cho tất cả
Mọi chuyện bắt đầu vào ngày thứ Sáu khi, trong năm thứ 2 chạy, Ralf Schumacher bị hỏng lốp ở bờ nghiêng và chiếc Toyota của anh đâm vào tường. May mắn thay, Ralf vẫn ổn, nhưng đã bị loại khỏi chặng đua vì lý do y tế và được thay thế bởi Ricardo Zonta.
Sau các phiên thứ Sáu, Michelin phát hiện thêm 6 lần hỏng lốp và đưa chúng trở lại Pháp để phân tích. Ở đó, họ đã phát hiện ra sự kết hợp kì lạ của tải trọng và ứng suất gây ra bởi góc 13 bờ nghiêng và bề mặt mới là nguyên nhân khiến lốp hỏng. Một thông số kỹ thuật mới về lốp xe đã được chuyển đến Indianapolis, nhưng điều này cũng không có tác dụng và Michelin khuyên các đội của mình không nên chạy quá 10 vòng liên tiếp.
Điều này đã đưa ra một dấu chấm than lớn về đường đua: Điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra và người ta cần tìm nhanh một giải pháp. Vòng loại đã diễn ra mà không có sự cố nào và, bất chấp tất cả các vấn đề cho đội đua, bất ngờ là Jarno Trulli đã giúp đội Toyota giành pole F1 đầu tiên.
Ngày đua đến và ai cũng hoang mang. Rõ ràng là lốp xe Michelin không thể nguyên vẹn đến hết chặng đua, vậy chuyện gì sẽ xảy ra?
Một số giải pháp đã được đề xuất. Một là cài đặt chicane (điểm dừng) tạm thời ở góc cuối cùng để giảm tốc độ. 9 trong số 10 đội đồng ý, chỉ có Ferrari phản đối. Một cách khác là để các tay đua Michelin có thể đua, nhưng bị buộc phải pit sau mỗi 10 vòng. Một ý kiến nữa đưa ra là các đội Michelin sẽ bị buộc phải đi qua làn đường pit mỗi vòng đua hoặc chạy quanh đỉnh bờ nghiêng góc cua 13 với tốc độ giảm.
Nếu bất kỳ kế hoạch nào trong số này có thể được thông qua, đây không còn là một chặng đua F1 nữa và sẽ khiến 130 nghìn người hâm mộ có mặt ở đường đua không hài lòng, chưa nói đến hàng triệu người trên thế giới theo dõi chặng đua F1 tại một trong những thị trường lớn nhất và quan trọng nhất của môn thể thao này. Vì thế, Chủ tịch FIA là Max Mosley - người thực tế không có mặt tại chặng đua - đe dọa rằng nếu điều đó xảy ra, ông sẽ không để F1 tổ chức bất cứ giải đua nào ở Bắc Mỹ.
Khi chặng đua bắt đầu đến gần, không có giải pháp nào được thỏa thuận và ngày càng có nhiều khả năng Michelin sẽ không cho phép các tay đua tham gia. Vào thời điểm các tay đua đã xếp hàng theo thứ tự, thế rồi Trulli dẫn một đoàn gồm 14 chiếc xe sử dụng lốp Michelin chạy vào đường pit khi tất cả đều rút lui. Như vậy thì chặng đua chỉ còn 2 chiếc Ferrari, 2 chiếc Jordan và 2 chiếc Minardi xếp hàng, sẵn sàng cho chặng đua kéo dài 90 phút với 73 vòng đua. Chứng kiến những gì đang diễn ra trước mặt họ, đám đông la ó và chế nhạo, ném đồ lên đường đua, giơ cao những tấm biển phản đối và bỏ đi.
Chặng đua đã diễn ra mà không có nhiều sự cố, cho dù 2 chiếc Ferrari gần như va chạm sau khi vào pit. Michael Schumacher giành chiến thắng ở chặng đua duy nhất của anh trong mùa giải trước Rubens Barrichello, vị trí thứ 3 thuộc về Tiago Monteiro khi anh xếp trên Narain Karthikeyan và 2 thành viên của Minardi là Christijan Albers và Patrick Friesacher.
Vậy ai là người có lỗi? Đúng là Michelin không có những chiếc lốp phù hợp, nhưng họ không thể ngờ rằng, việc phủ lại bề mặt đường đua sẽ có tác động xấu đến sản phẩm của họ. Bridgestone đã khắc phục được, nhưng họ hưởng lợi từ dữ liệu của Firestone (một công ty thuộc sở hữu của Bridgestone) về bề mặt mới, vì vậy họ nhanh chóng có những thay đổi.
Michelin đề nghị hoàn tiền cho người hâm mộ cũng như vé miễn phí cho chặng đua năm sau, nhưng thiệt hại đã được đo đếm. Sau 2 chặng đua nữa, Indianapolis rút khỏi lịch F1, trong khi Michelin rút khỏi môn thể thao này vào cuối năm 2006.
Mạnh Hào