(Thethaovanhoa.vn) - Tại sao đến thời điểm này, Quang Hải vẫn chưa lên tiếng, dù là giải thích hay xin lỗi? Tại sao tất cả đều im lặng sau khi bê bối của anh bị lộ ra?
Thấy gì từ scandal của Quang Hải? Có một điều hiển nhiên thế này: sống một đời sống tự chủ và chuyên nghiệp vẫn khó hơn là phóng túng và thiếu trách nhiệm, và nó cũng đồng nghĩa với việc anh đã tốt lên.
Nếu trở lại thời điểm cách đây 2 năm, trước VCK U23 châu Á ở Thường Châu, (Trung Quốc), chỉ rất ít người trong số chúng ta biết Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu... Vào thời điểm đó, những người được kỳ vọng lớn nhất và cũng sao số nhất trong đoàn quân của Park Hang Seo là Công Phượng, Xuân Trường..., "những đứa trẻ của bầu Đức".
Thường Châu 2018 đã giới thiệu một lứa cầu thủ tài năng và giàu khát vọng chinh phục. Họ chơi thứ bóng đá trong trẻo, lôi cuốn, không thể không yêu. Về độ "sạch", người hâm mộ cũng rất an tâm. Hào quang sân cỏ nâng tầm những Quang Hải lên tầm ngôi sao, với liên tiếp các thành tích sau đó, từ ASIAD 18, đến AFF Cup 2018, Asian Cup 2019...
CLB Hà Nội và HAGL cũng thu hút thêm được rất nhiều fan hâm mộ, với không ít các trận đấu của họ được phủ kín khán đài. Sức hút đến từ các thần tượng - những người đương thời rất lớn. Và, phần lớn các cầu thủ được cho là ngôi sao ấy đều có người đại diện, với những show quảng cáo bay về tới tấp, tỷ lệ ăn chia với đội bóng chủ quản cũng rất rõ ràng. Họ gia nhập giới celebs (người nổi tiếng) rất nhanh.
Thế nhưng, có lẽ không một ai trong số này được hướng dẫn hay định hướng cần phải làm thế này, không được làm thế kia. Điều mà họ được ý thức, cũng như đại diện và cả đội bóng chủ quản quan tâm, đấy là quyền lợi. Một vài vụ xử lý khủng hoảng hậu trường nơi cầu thủ, đã từng có rồi, cũng chỉ là chữa cháy, không có chiến lược và chiến thuật sẵn.
Mới nhất, scandal tình ái của Quang Hải, về lý, là chuyện cá nhân của anh, một cầu thủ nổi tiếng và được kỳ vọng, được hâm mộ, thậm chí là thần tượng sống cùng giấc mơ của bao đứa trẻ. Hải không lên tiếng giải thích, tệ hơn, đại diện của anh cũng im lặng, khi đáng ra cần phải trình bày, nói điều gì đó cho thân chủ.
Những tranh cãi trên mạng xã hội không hồi kết và càng khiến câu chuyện đi quá xa, thay vì cần phải khép lại, để Quang Hải tập trung vào việc chơi bóng. Nó càng cho thấy sự nghiệp dư, manh mún của bóng đá Việt Nam. Người trong cuộc hoàn toàn có thể tổ chức một cuộc họp báo hợp pháp, như giới showbiz vẫn làm, thay vì lên các diễn đàn - mạng xã hội khóc than.
Không có một bộ quy tắc ứng xử chung nào dành cho "người của công chúng", nhưng tự họ, khi đã và đang là thần tượng của giới trẻ, phải ý thức hoặc được ý thức hành động, phát ngôn... Đã đành việc của Quang Hải là một tai nạn do kẻ xấu gây ra, nhưng rõ ràng anh đã không được trang bị đầy đủ để bảo vệ chính mình. Đấy là sự khác biệt giữa một cầu thủ giỏi và ngôi sao.
Những hào nhoáng và tung hô giả tạo, đã từng giết chết bao đôi chân tài năng của làng cầu Việt. Rõ nhất như Văn Quyến, Quốc Vượng... Tại sao Lê Công Vinh hay trước đó là Lê Huỳnh Đức có được sự thành công, trên sân cỏ cũng như thương trường, trước và sau giải nghệ? Bởi họ an toàn tương đối và có an toàn thì nhãn hàng mới chọn mặt gửi vàng. Biết sai sửa sai, không lẩn trốn.
Suy cho cùng, sân cỏ hay cách mà bầu Kiên từng gọi, sân khấu bốn mặt, mới là nơi mà cầu thủ cần thể hiện và tỏa sáng. Tạo dựng được vị thế đã khó, giữ được càng khó hơn. Đừng hất bỏ như hất một bát nước, phí lắm. Thời gian có thể giúp người ta nguôi ngoai mà quên đi những tì vết, với điều kiện, người trong cuộc phải hành động, thay vì bỉ bôi.
Sự cố Quang Hải sẽ là bài học cho tất cả. Người ta mất cả đời để gầy dựng một cái Tên, một chữ Tín, đừng vin vào cái cớ nào đó mà đánh đổi. Xây bao giờ cũng khó hơn phá, hãy nhớ kỹ trước khi hành động!
CCKM