(Thethaovanhoa.vn) - Có một điều hiển nhiên thế này: sống một đời sống tự chủ và chuyên nghiệp vẫn khó hơn là phóng túng và thiếu trách nhiệm, và nó cũng đồng nghĩa với việc anh đã tốt lên. Vùi dập hoặc quá bênh vực, thậm chí tôn sùng những lỗi lầm này là dung tục hóa những gì Quang Hải đã làm được để khiến công chúng yêu mến mình.
Bóng đá Việt Nam: Tại sao đến thời điểm này, Quang Hải vẫn chưa lên tiếng, dù là giải thích hay xin lỗi? Tại sao tất cả đều im lặng sau khi bê bối của anh bị lộ ra?
Phân của thần tượng
Năm 1961, một nghệ sĩ người Ý có tên Piero Manzoni đã nghĩ ra ý tưởng kỳ lạ: anh ta cho làm 90 hộp đóng kín được gọi là “Artist’s Shit” (Phân nghệ sĩ), được đánh số từ 001 đến 090, ký tên và ghi ở trên nhãn rằng đây là “phân của nghệ sĩ, được sản xuất, đóng gói và không có chất bảo quản đi kèm vào tháng 5/1961”.
“Tác phẩm” này nằm trong chuỗi những sáng tạo của Manzoni hòng chế giễu chủ nghĩa tiêu thụ: thời điểm ông đang sống, các nhà sưu tầm bỏ một đống tiền ra mua đủ thứ thượng vàng hạ cám của các thần tượng, và các nhà sản xuất cũng bán tất những gì có thể bán được miễn là liên hệ với người nổi tiếng. Manzoni đã cho trưng bày và bán những quả trứng in dấu vân tay, hay bóng bay được bơm bằng hơi thở của… chính mình, như một động thái giễu nhại chua chát.
Nhưng điều Manzoni không thể ngờ là tinh thần của ông lại làm ông trở nên… nổi tiếng, và những hộp phân đóng kín kia, thật không may, ngày nay đã trở thành hàng hóa. Vào năm 2007, một lon phân nghệ sĩ này được bán với giá 124.000 euro trong một cuộc đấu giá. Một năm sau, chiếc hộp số 83, vốn được định giá khoảng 50-70.000 bảng lúc đó, được bán với giá gần 100.000. Tám năm sau, hộp số 54 được bán với giá 182.500 bảng và bốn năm trước, một cuộc đấu giá nghệ thuật ở Milan đã bán một chiếc hộp này với giá kỷ lục: 275.000 euro!
Câu chuyện này phản ánh một thái độ cực đoan rất phổ biến khi đứng trước người nổi tiếng: cái gì cũng thơm. Anh ta nổi tiếng, tức là mọi thứ về anh ta đều phải là tốt, đều phải hay. Và một chất phế thải của anh ta, đáng ra cần phải bỏ qua, thì lại được gán cho giá trị phi thực, vì sự khái quát chất lượng này.
Nhưng bằng cảm nhận lẽ thường, ai cũng có thể thấy điều này không hợp lý. Bạn có thể sưu tập mũ, giày, bóng, thậm chí là một chiếc áo đầy mồ hôi của thần tượng sau một trận đấu, nhưng chắc chắn không phải là phân. Không hẳn chỉ vì phân là phế thải, mà vì nó hoàn toàn vô nghĩa. Sưu tầm chẳng để làm gì cả. Chiếc áo với mồ hôi (cũng là chất thải của cơ thể) thì là một thông điệp đầy ý nghĩa: cầu thủ này đã chơi hết mình, đã vươn lên, dù thắng hay thua, dù chỉ là trong một trận đấu. Tinh thần ấy có ý nghĩa với bất kỳ ai.
Giờ hãy nghĩ về scandal của Quang Hải. Bạn đọc có thể nghĩ sự cực đoan này chỉ tồn tại dưới dạng chỉ trích, nhưng không chỉ thế. Hai nhóm chỉ trích và tôn sùng hay tấn công nhau trên truyền thông và mạng xã hội, nhưng thật ra họ giống nhau. Chính sự tôn sùng thái quá cũng đã chuyển đi một thông điệp với tinh thần tương tự những người chỉ trích: cuộc sống của một người nổi tiếng phải là hoàn mỹ. Nếu mà chẳng may không như thế, thì những ai tôn sùng lại phải cố ngụy biện cho đúng, với một sắc thái cực đoan tương tự những người ném đá, vùi dập.
Đấy là cách ứng xử với một hình ảnh đại diện (avatar), không phải một con người. Những người như Quang Hải đã trở thành đại diện ngoạn mục của một con người đang sống, nhưng không thể sống một cuộc đời trọn vẹn đại diện cho chính anh. Trọn vẹn bao gồm cả xấu và tốt, hổ thẹn và đau đớn, và khát vọng trở thành một con người tốt hơn. Một tấm ảnh đại diện sẽ bị vò nát hoặc trang điểm thái quá theo cảm xúc người khác, nhưng một con người thì không.
Một con người tốt hơn
Trưa một ngày thứ Sáu vào tháng 11/2004, trong cuộc họp báo trên sân tập, cánh phóng viên đang chất vấn Sir Alex Ferguson về hành động bột phát của Wayne Rooney trong trận gặp Bolton Wanderers: tiền đạo người Anh đã gạt tay trúng mặt hậu vệ Tal Ben Haim, và anh này ngã xuống như chuối bị chặt. Ben Haim đã ăn vạ, nhưng Rooney rõ ràng là có lỗi. Anh bị cấm thi đấu 3 trận.
Buổi họp báo đi đến khúc cao trào, khi một trong các phóng viên nhấn mạnh: Nhưng Rooney là người nổi tiếng... Ngay khi nghe câu đó, Sir Alex đã nổi cơn thịnh nộ. Ông hét lên: “Biến hết. Người nổi tiếng thì cũng chỉ là một thằng bé, và thằng bé cũng chỉ là con người như bất kỳ ai. Nó mới 19 tuổi thôi đấy!”. (trích tờ The Athletic).
Nhưng dù bảo vệ học trò trước đám đông như thế, Ferguson là con người nghiêm khắc. Ông mắng, thậm chí chửi thẳng vào mặt Wayne Rooney nhiều và cay nghiệt đến mức mối quan hệ của họ sau này đã xấu đi một thời gian. Với những người như Sir Alex, Rooney đơn giản là đứa trẻ. Cần được bảo vệ, nhưng cũng cần phải uốn nắn khi cậu ta làm sai. Với Ferguson, Rooney có thể tốt hơn, không chỉ với tư cách một cầu thủ, mà còn với tư cách một con người: một cậu bé 19 tuổi đang loay hoay trưởng thành
Bóng đá nói riêng và thể thao cũng như giải trí nói chung đã biến thành những guồng quay điên cuồng của chủ nghĩa tiêu thụ mà tất cả chỉ là một mắt xích: khi bạn nổi tiếng, dù có là mắt xích tiêu biểu đi chăng nữa, bạn cũng chỉ là món hàng có thể bán được, và cần phải diễn đúng vai một món hàng được giá. Trong guồng quay đó, Quang Hải hoặc là bị thổi phồng, hoặc là bị vùi dập. Không có trạng thái lưng chừng. Không ai mua một món hàng về vì nghĩ nó có thể tốt lên, hoặc là sự tốt lên ấy đơn giản chỉ là một thương vụ đầu tư, như đầu tư bất động sản hay cổ phiếu.
Nhưng một con người hoàn toàn có thể tốt lên, thực tế là thế, và có rất nhiều người mong muốn chuyện đó, một cách vô điều kiện, kiểu như Ferguson đã mắng Rooney như cha mắng con. Không phải anh nhà báo muốn Quang Hải tốt lên để có view cao hơn. Không phải cổ động viên muốn Hải tốt lên chỉ để thỏa mãn kỳ vọng vào hình ảnh đại diện họ muốn. Không phải những người trong một ê-kíp truyền thông xung quanh anh muốn Hải tốt lên để tiện bề đánh bóng, nổi tiếng, và thậm chí kiếm nhiều tiền hơn.
Nhiều khả năng nhất chính là người cha, người mẹ, những người ruột thịt, bạn bè thân thiết nhất, những người đã chứng kiến Hải từ khi còn là cậu bé đỏ hỏn mới oe oe chào đời, chập chững đá quả bóng đầu tiên, cho đến vinh quang đầu tiên, và cả những lúc chao đảo như thế này. Những người nhìn cái tên Quang Hải như một cuộc đời thực sự, có thể đã là một cuộc đời bình thường hơn nếu ánh chớp số phận lóe lên vào một lúc khác ít vinh quang hơn lúc này, với đầy đủ những khiếm khuyết, và cả bí mật, như bao cuộc đời bình thường khác. Những người sẽ chấp nhận lỗi lầm của anh trong một dòng chảy phức tạp của cuộc sống, nhưng chắc hẳn sẽ mong muốn Hải tốt lên, bằng cách nhìn thẳng vào sai lầm và tiến lên với một tâm thế khác, trong đó sai lầm không phải là để hủy hoại, mà còn để hoàn thiện con người anh.
Làm sao để đo được sự "tốt hơn" này? Tôi đã từng viết một bài để nói về những phẩm chất trừu tượng mà các cầu thủ đã làm nên thành tích khó tin ở Thường Châu: họ nổi bật không chỉ vì những phẩm chất chuyên môn như kỹ thuật hay sức mạnh, mà còn ở những điều bất khả định lượng, là ý chí, sự tử tế, phong cách chuyên nghiệp, thần thái và thậm chí là đức tin (hãy nhớ lại hình ảnh Văn Lâm ôm cột và cầu nguyện).
Những điều này chúng ta phải mất thời gian để nhận ra (ít nhất là trải qua cùng họ trong những phút trên sân, với tư cách một khán giả), không giống với nhìn vào tấm ảnh của họ trên báo cùng một chiếc Mercedes hay vướng vào ái tình với một người đẹp: những điều này dường như thu hút người khác ngay lập tức, và định danh ngay rằng Hải có độ "đẹp trai".
Nhưng bằng lẽ thường, chúng ta có thể phân biệt được cái gì quý giá hơn. Thậm chí đa số những người có Mẹc và hoa hậu sau một đêm nhiều khả năng là đã tệ đi so với chính họ, dù xe Mẹc hay cô hoa hậu chẳng có lỗi gì cả.
Chúng ta biết đến những cầu thủ này, đặc biệt là Hải, nhờ vào màn trình diễn phi thường của anh trên sân, mà qua đó phóng chiếu ý chí và khát vọng cần có của mỗi cá nhân chúng ta. Những điều này chắc hẳn có ý nghĩa hơn xe Mẹc, hoa hậu và một đời sống phóng túng. Giữ lấy những điều ấy hẳn cũng khó khăn hơn nhiều, vì nó đơn giản không chỉ mua được bằng tiền hay danh tiếng. Nó là một quá trình vươn lên, khổ luyện và cũng kết hợp cả may mắn.
Vĩ thanh
Quá trình ấy không có sự kích động đơn sơ kiểu giật dây đa cấp của chiếc xe Mẹc và cô hoa hậu, nhưng nó thực sự có ý nghĩa: Hải không phải một người phi thường từ lúc lọt lòng, mà anh đã trải qua một hành trình mà chính lỗi lầm hôm nay có thể là bước đệm hoàn thiện, nhưng cũng có thể là dấu chấm hết, tùy thuộc vào anh. Tôi sẽ không phê phán đạo đức, nhưng có một điều hiển nhiên thế này: sống một đời sống tự chủ và chuyên nghiệp vẫn khó hơn là phóng túng và thiếu trách nhiệm, và nó cũng đồng nghĩa với việc anh đã tốt lên. Vùi dập hoặc quá bênh vực, thậm chí tôn sùng những lỗi lầm này là dung tục hóa những gì Hải đã làm được để khiến công chúng yêu mến mình.
Để kết bài, tôi cũng sẽ tiết lộ một điều về kỹ thuật viết và giật tít: câu chuyện ở đoạn đầu về nghệ sĩ bán phân có thể là điểm tựa thuận lợi để tung ra một cái tít giật gân, kiểu như "Quang Hải: Không phải cứ phân của thần tượng là thơm". Có lẽ sẽ nhiều view hơn, và mang tính kích động rõ rệt.
Nhưng cuối cùng thì tôi cũng chọn cái tít bình thường hơn, vì hiểu ra rằng thêm một kích động nhạt nhẽo để đám đông vùi dập hoặc sùng bái đến mức giao phó hết danh tính cá nhân và khát vọng của họ cho một người mới 23 tuổi vẫn còn đang học cách trưởng thành là vô nghĩa. Tôi cũng muốn Hải tốt lên, với một đời sống tự chủ và giàu ý nghĩa hơn, một cách vô điều kiện, như là kỳ vọng vào một người bình thường nào bất kỳ. Như là chúng ta vẫn kỳ vọng vào nhau, về khát vọng vươn lên, với những nỗi niềm rất chung, dù cuộc đời thì lúc nào cũng gập ghềnh và khó đoán.
Ở tuổi này, Hải còn nhiều thời gian để tốt hơn nữa. Thường Châu là câu chuyện mà một cầu thủ trẻ vô danh đã vươn lên thành người nổi tiếng, và chặng đường này thì nhiều cầu thủ Việt Nam đã đi rồi. Nhưng đứng trước danh vọng, nếu Hải cũng vấp phải những lối mòn nhạt nhẽo đã từng tốn bao nhiêu giấy mực mà vẫn quẩn quanh ấy, thì đấy cũng là một câu chuyện buồn. Không phải với tư cách là một người nổi tiếng. Mà như một câu chuyện buồn của bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đã không thắng nổi chính mình.
Phạm An