(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần trước, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) và Hội Nhà văn Việt Nam vừa ký kết “Chương trình phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn học giai đoạn 2021 – 2025” nhằm tăng cường phát triển văn học nghệ thuật nước nhà.
Sự kiện “ngoại giao văn chương” quy mô lớn sẽ diễn ra từ 1 đến 7/3 với 3 sự kiện: Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần ba, Liên hoan thơ châu Á Thái Bình Dương lần hai và Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13.
1. Ký kết này nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật các tỉnh, thành phố hoạt động theo định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn học nghệ thuật; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, khuyến khích các tài năng sáng tác văn học nghệ thuật có trách nhiệm công dân với xã hội cao.
Bên cạnh đó, chương trình còn tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ sáng tác, phê bình văn học nghệ thuật phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.
Theo biên bản ký kết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Cục Nghệ thuật biểu diễn chịu trách nhiệm phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội chuyên ngành xây dựng đề án Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận phê bình văn học nghệ thuật giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trao Giải quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em, đồng thời chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đặt hàng sáng tác các tác phẩm văn học; tổ chức tập huấn về công tác quản lý văn học…
Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng chịu trách nhiệm giới thiệu và phổ biến những tác phẩm, công trình nghiên cứu về văn học xuất sắc đã được Nhà nước đầu tư và tài trợ, đặt mua; đồng thời tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các sự kiện liên quan trực tiếp đến lĩnh vực văn học nghệ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để độc giả tiếp nhận, hưởng thụ các tác phẩm văn học, tăng cường phổ biến tác phẩm văn học có giá trị đặc sắc vào trường học.
Trong khi đó, Hội Nhà văn Việt Nam chịu trách nhiệm phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn tập trung huy động nguồn lực để đặt hàng sáng tác tác phẩm văn học đảm bảo chất lượng cao, tổ chức các hoạt động phổ biến, quảng bá văn học, trong đó có Ngày Thơ Việt Nam hàng năm ở Hà Nội và các địa phương, đồng thời phối hợp xây dựng, quảng bá các tác phẩm văn học trong nước, giới thiệu tinh hoa văn học của thế giới vào Việt Nam. Hội Nhà văn cũng sẽ tham gia ban chỉ đạo, hội đồng giám khảo, hội đồng thẩm định, ban tổ chức các cuộc thi, liên hoan và các hoạt động khác thuộc lĩnh vực văn học, phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ, chú trọng phát triển lĩnh vực văn học dành cho trẻ em…
Cục Nghệ thuật biểu diễn và Hội Nhà văn Việt Nam nhất trí tổ chức họp song phương 1 lần/năm (vào tháng 12 hàng năm) để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng công tác phối hợp cho năm tiếp theo.
2. Chia sẻ sau lễ ký kết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nói: “Chúng ta thường ký kết rất nhiều văn bản, nhưng tôi cho rằng đây là văn bản quan trọng. Vì trong cách nhìn của một nhà văn hay người quan sát xã hội, tôi thấy rằng chưa bao giờ văn học cần thiết như bây giờ, trong lúc xã hội chúng ta đang chứng kiến bao nhiêu câu chuyện đau lòng về sự suy đồi của đạo đức. Văn chương không phải một văn bản viết trên giấy, nó rộng hơn rất nhiều. Khi người ta quan tâm đến văn chương nghệ thuật là quan tâm đến một cấu trúc, một kiến trúc hay một bản thiết kế về lòng người”.
Ông Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam cũng cho rằng, Hội Nhà văn Việt Nam là hội nghề nghiệp, việc “bắt tay” với Bộ VH,TT&DL - cơ quản quản lý nhà nước lớn về văn hóa là sự trợ giúp rất quan trọng để “hiện thức hóa” mong muốn, để có “con đường mới” đưa tác phẩm văn học vào đời sống.
“Sáng tác văn chương là con đường đầy cô độc. Nhà văn viết trên trang giấy một mình. Nhưng giờ đây, họ cảm nhận cộng đồng, các cơ quan quản lý, bạn đọc… và một điều gì đó lớn hơn đang đợi chờ đợi họ. Việc đó sẽ làm cho họ khác hơn, trang viết có thể lớn lao hơn” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh thêm.
Vừa từ trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học trở về, nhà văn Chu Lai ví việc ký kết này như một "ngọn gió xanh tươi" xua tan sự đìu hiu của văn học. “Trước nay, tất cả các giải thưởng văn học thường niên, giải thưởng tiểu thuyết… chỉ gói gọn trong Bảo tàng văn học, không có tiếng vang gì. Dù thực tế, tiếng vang không quan trọng trong việc cầm bút, nhưng nó khích lệ tinh thần sáng tạo, giống như cầu thủ ra sân bãi mà lại không có một bóng người xem thì đá sẽ nản vô cùng. Mong rằng, qua sự ký kết nhân văn này, mỗi năm vào mùa trao giải, giải văn học sẽ rộn ràng tưng bừng như giải Cánh Diều của Hội Điện ảnh, để các nhà văn cảm thấy sự sáng tạo được ghi nhận” - nhà văn Chu Lai bày tỏ.
Ông Nguyễn Quang Vinh - quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đánh giá lễ ký kết trên là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển văn học nghệ thuật nước nhà, đồng thời nhấn mạnh sẽ huy động hết lực lượng để thúc đẩy hợp tác lâu dài.
Hoa Chanh