(Thethaovanhoa.vn) - Trong sách Tiếng Việt 5 (tập 2), Đoàn Minh Tuấn (sinh năm 1932) có các trích đoạn Phong cảnh đền Hùng và Một sáng Thu xưa được sử dụng. Các trích đoạn này lấy từ bộ ký Núi sông hùng vĩ nổi tiếng của nhà văn này.
Nếu chỉ xét về số lượng, nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng (sinh 1973, Đại Lộc, Quảng Nam) có lẽ thuộc nhóm số ít các tác giả còn sống có nhiều tác phẩm trong SGK. Hiện anh có 5 bài thơ và trích đoạn thơ - chủ yếu viết cho thiếu nhi - xuất hiện 7 lần trong các SGK. Nguyễn Lãm Thắng nghiên cứu về Hán - Nôm, ngôn ngữ học và văn hóa Việt Nam, hiện giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế.
Cầm bút hơn 60 năm, Đoàn Minh Tuấn gây ấn tượng với các tác phẩm như Thầy giáo vùng cao (truyện, 1958), Núi sông hùng vĩ (ký, 3 tập, 1973-1974), Trăm năm một thuở (ký, 1995), Với Bác Nguyễn (chân dung, 1997), Những vì sao (truyện, 1996), Đất nước phương trời (ký, 2007), Về lại Gò Công (truyện ngắn, 2016)…
Viết không nên rườm rà
Thử đọc một đoạn trong bài Phong cảnh đền Hùng, một bài tả cảnh mẫu mực. Hoành tráng mà không rườm rà; có cột đá chủ quyền trụ vững, vẫn cuồn cuộn mây bay, nước chảy, trong toàn cảnh núi sông hùng vĩ lại có cận cảnh người đẹp soi gương.
“Đền Thượng nằm chót vót trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Trước đền, những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn như đang múa quạt xòe hoa. Trong đền, dòng chữ vàng Nam quốc sơn hà uy nghiêm đề ở bức hoành phi treo chính giữa.
Lăng của các vua Hùng kề bên đền Thượng, ẩn trong rừng cây xanh. Đứng ở đây, nhìn ra xa, phong cảnh thật là đẹp. Bên trái là đỉnh Ba Vì vòi vọi, nơi Mị Nương - con gái Hùng Vương thứ 18 - theo Sơn Tinh về trấn giữ núi cao. Dãy Tam Đảo như bức tường xanh sừng sững chắn ngang bên trái đỡ lấy mây trời cuồn cuộn. Phía xa xa là núi Sóc Sơn, nơi in dấu chân ngựa sắt Phù Đổng, người có công giúp Hùng Vương đánh thắng giặc Ân xâm lược. Trước mặt là Ngã Ba Hạc, nơi gặp gỡ giữa ba dòng sông lớn tháng năm mải miết đắp bồi phù sa cho đồng bằng xanh mát.
Trước đền Thượng có một cột đá cao đến năm gang, rộng khoảng ba tấc. Theo ngọc phả, trước khi dời đô về Phong Khê, An Dương Vương đã dựng mốc đá đó, thề với các vua Hùng giữ vững giang sơn. Lần theo lối cũ đến lưng chừng núi có đền Trung thờ 18 chi vua Hùng. Những cành hoa đại cổ thụ tỏa hương thơm, những gốc thông già hàng năm, sáu thế kỷ che mát cho con cháu về thăm đất Tổ. Đi dần xuống là đền Hạ, chùa Thiên Quang và cuối cùng là đền Giếng, nơi có giếng Ngọc trong xanh, ngày xưa công chúa Mị Nương thường xuống rửa mặt, soi gương”.
Về sách này, giáo sư Hoàng Như Mai, thầy giáo cũ của chính tác giả từng khen: “Cách viết… có gia công tìm hiệu quả của các sử liệu cũ và mới nhưng có chừng mực, có chọn lọc… luôn vận dụng quan điểm lịch sử, phương pháp khoa học để luận bình”. Cũng nhìn thấy điểm mạnh này, sinh thời, nhà văn đàn anh - Nguyễn Tuân - khích lệ: “Này, ông là người hay thuộc lịch sử ta và những giai thoại lịch sử Việt Nam, ờ, tại sao ông không viết một truyện dài, truyện vừa lịch sử nhỉ! Tôi chờ cuốn đó của ông để bình trên báo đó”.
Từ khích lệ này, Đoàn Minh Tuấn viết các truyện ngắn về Nguyễn Huệ, Ngô Thì Nhậm, Trương Công Định… sau tập hợp thành sách Về lại Gò Công. Những tác phẩm của Đoàn Minh Tuấn thường được đánh giá là súc tích, có sức hút. Như nhà thơ Nguyễn Thị Mai nhận định: “… kể chuyện lịch sử, nhưng thấm đẫm chất văn chương nghệ thuật bởi tài hư cấu tưởng tượng”.
Chính người viết bài này, được tận mắt nhìn thấy cách vận dụng kiến thức lịch sử mà không cần sách sử của Đoàn Minh Tuấn. Lần ấy, Đại học Đồng Tháp mời ông tham dự hội thảo 300 năm lịch sử mở đất Nam bộ, nhà văn Đoàn Minh Tuấn không mang theo một tham luận mà trân trọng đưa tới hội thảo người bạn chiến đấu của mình, đưa tới nhân chứng lịch sử Phạm Tường Hạnh, người mà ông rất thân. Bữa ấy thầy trò chúng tôi được nghe người tham gia tổ chức Tết độc lập 2/9/1946 tại chiến khu Đồng Tháp Mười - nhà văn Phạm Tường Hạnh - tường thuật tại chỗ chuyện xưa. Một cách tiếp cận sử trực quan, sinh động.
Viết hay về những bạn văn
Không chỉ giỏi viết về đất nước, về các anh hùng, lãnh tụ, Đoàn Minh Tuấn còn viết hay về những thầy văn, bạn văn nghệ của mình. Ông viết rất hay về Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Phan Chánh… Những trang viết này hình thành mảng bút ký chân dung, rất độc đáo, rất Đoàn Minh Tuấn, không ai có thể viết thay. Mảng văn này được nhà văn Tô Hoài đánh giá cao: “Đoàn Minh Tuấn viết về bạn văn của mình là sự thực, không thêm không bớt gì cả. Những giai thoại của Đoàn Minh Tuấn viết về văn nghệ sĩ cho thấy văn phong chân thực và là tình cảm của nhà văn với bạn bè thân quý của mình”.
Xin trích mấy dòng Đoàn Minh Tuấn viết về Nguyễn Tuân lần tới Cà Mau: “Anh chồng họ Trịnh, chị vợ trẻ mặn mà trong áo bà ba mang họ Nguyễn… Trịnh dạy cấp hai, nghe tên tuổi của nhà văn từ Hà Nội vào - nhà văn của Vang bóng một thời, anh giáo xúc động gỡ cây kim băng cài ở túi áo vợ, chích giọt máu nhỏ ở đầu ngón tay trỏ phía trái, nhỏ vào ly rượu đế… Anh đứng dậy trịnh trọng nâng ly. Vợ chồng anh xin hầu rượu lão văn sĩ. Quá bất ngờ, bác Nguyễn cũng đứng dậy hướng về đôi trẻ nói lời thân ái”.
Còn nhớ, sáng Chủ nhật 19/6/2011 tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM, Đoàn Minh Tuấn được các bạn văn tổ chức lễ mừng "bát tuần đại thọ". Tại ngày vui này, giáo sư Trần Trọng Đăng Đàn lấy chính chuyện đời Đoàn Minh Tuấn đúc rút thành một kiến nghị, một bức xúc mang tính thực tiễn. Ông kể, năm bao cấp ấy, ông tới một cửa hàng đồ gỗ trên đường Võ Văn Tần (TP.HCM), tính mua một bàn viết, đang nhờ ông chủ cửa hàng chọn cho cái rẻ nhất, thì bất ngờ Đoàn Minh Tuấn xuất hiện, tự chỉ vào cái lưng đã luống tuổi mình: “Rẻ nhất là cái bàn viết này đây”. Thì ra, cái bàn viết của nhà văn chính là cứ còng lưng xuống mà viết.
Để cứu mình thời khó khăn đó, Đoàn Minh Tuấn phải tự “rút quân” gồm vợ và các con lên trên lầu, nhường tầng trệt cho người khác thuê, bán đồ gỗ. Từ chuyện này, giáo sư Đăng Đàn đưa ra bài toán vẫn đang rất thời sự, khi trung bình nhà văn bỏ ra khoảng 3 năm để viết một tiểu thuyết. Sách in ra, nhuận bút vào túi chừng 5 triệu đồng. Lấy số tiền này chia cho 1.000 ngày của 3 năm miệt mài viết, công lao động của nhà văn cỡ Đoàn Minh Tuấn, được khoảng 5.000 đồng/1 ngày!
Đã không được “miếng” như thế, nhiều khi “tiếng” cũng dễ mất theo. Ở trang 49, sách Tài hoa để lại (Đoàn Hy Minh, NXB Hội Nhà văn, 2019), có đoạn về Đoàn Minh Tuấn: “Hồi con trai tôi đang học lớp 5, một hôm cháu về nhà khóc nức nở, dỗ mấy cũng không nín, gặng hỏi mãi mới nói: Hôm nay lớp học đến bài Một sáng Thu xưa, nhưng cô lại không dạy. Cô bảo bỏ tác phẩm này không học nữa, vì tác giả đã... bị bắt rồi. Nó hỏi lại, thì cô giáo trả lời rằng, cô đã đọc trên báo có đưa tin ông Đoàn Minh Tuấn bị bắt vì chứa gái mại dâm nên không học tác phẩm của ông ấy nữa! Thằng bé nghe thế, rồi bị bạn bè trêu chọc, thì ấm ức, cứ nghĩ bố làm chuyện không hay, bị công an bắt thật nên bao nhiêu giận dữ đổ hết lên đầu bố. Tôi nghe xong giận lắm, đến tận trường làm rõ chuyện. Thực ra là có người tên Đoàn Minh Tuấn bị bắt thật, nhưng không phải là tôi, mà là người trùng cả họ lẫn tên, nên cô giáo đã nhầm. Cuối cùng thì mọi chuyện cũng được giải quyết, tôi nhận được lời xin lỗi và tác phẩm của tôi vẫn được giảng dạy bình thường”.
Cúi rạp xuống làm bàn viết, tôn cao chữ nghĩa, Đoàn Minh Tuất đã miệt mài viết, chữ nghĩa đã không phụ ông!
(Còn nữa)
Trần Quốc Toàn