(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng hôm nay, Thethaovanhoa.vn cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường về giá vàng trong nước và quốc tế.
Giá vàng: Lúc 9 giờ 45 phút, công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 49,83 - 50,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với cuối ngày hôm qua, mức giá này tăng 110 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 280 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Giá vàng thế giới tăng 0,5% trong tuần qua
Theo số liệu của FactSet, trong tuần giao dịch bị rút ngắt do kỳ nghỉ lễ, giá vàng tăng khoảng 0,5%.
Thị trường vàng đóng cửa phiên 3/7, trước khi Mỹ nghỉ Ngày độc lập 4/7.
Giá vàng chốt phiên 2/7 tăng, khi các nhà đầu tư lo ngại về tác động kinh tế trước sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ và trên thế giới, dù số liệu kinh tế có sự cải thiện.
Giá vàng giao tháng Tám tăng 10,1 USD, hay 0,6%, chốt phiên ở mức 1.790 USD/ounce, sau khi giảm 1,1% trong phiên 1/7.
Việc tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm và tăng trưởng việc làm vượt dự báo trong tháng Sáu chỉ kéo giá vàng xuống tức thì trong phiên 2/7. Theo người phụ trách phân tích thị trường của AvaTrade, Naeem Aslam, cho hay các nhà đầu tư nhìn chung không cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm nhanh như trong hai tháng qua.
Kinh tế Mỹ tạo thêm 4,8 triệu việc làm trong tháng Sáu và tỷ lệ thất nghiệp giảm tháng thứ hai liên tiếp xuống 11,1%. Số việc làm mới vượt con số 3,7 triệu người theo các nhà kinh tế tham gia khảo sát của MarketWatch. Tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế sau những tác động của dịch có thể gặp trở ngại khi số ca nhiễm lại gia tăng.
Phó Chủ tịch điều hành GoldMining Inc, Jeff Wright, cho rằng tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, trong khi số ca nhiễm mới COVID-19 tăng trở lại và nhiều bang đã giảm tốc độ mở cửa các hoạt động trở lại.
Số ca nhiễm mới tại Mỹ ghi nhận mức kỷ lục trong ngày 1/7, với 52.000 ca, trong khi tổng số ca nhiễm mới là 2,64 triệu và số ca tử vong là 127.681.
Trước đó, trong phiên 30/6, giá vàng tăng lên mức cao nhất trong gần tám năm, khi những lo ngại ngày càng gia tăng về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai đã giúp duy trì nhu cầu đối với vàng. Khép phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.779,44 USD/ounce. Trước đó, trong cùng phiên, giá vàng có lúc tăng lên mức 1.785,46 USD/ounce - mức “đỉnh” kể từ tháng 10/2012.
Giá vàng thế giới không biến động nhiều trong phiên giao dịch ngày 29/6 khi vẫn áp sát mức cao nhất trong gần 8 năm, trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 có thể tác động tiêu cực tới sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Giá vàng giao ngay giảm nhẹ 0,1% xuống còn 1.769,52 USD/ounce và chỉ thấp hơn 9,54 USD so với mức cao nhất kể từ tháng 10/2012 ghi nhận được trong phiên 24/6.
Trong dài hạn, giá vàng có thể nhận được sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ nới lỏng, sau khi biên bản cuộc họp gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nêu lên khả năng nền kinh tế có thể cần sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ rất nới lỏng trong một thời gian.
Giá vàng vẫn loanh quanh gần ngưỡng 50 triệu đồng/lượng
Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua 3/7, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức 49,470 triệu đồng/lượng mua vào và 49,650 triệu đồng/lượng bán ra.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 49,370 triệu đồng/lượng mua vào và 49,760 triệu đồng/lượng bán ra.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 49,4 triệu đồng/lượng mua vào và 49,65 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Trong khi đó, giá vàng SJC tại Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận niêm yết ở mức 49,4 triệu đồng/lượng mua vào và 49,75 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 4,2 USD lên 1.774,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York giảm 1,6 USD xuống 1.787,5 USD/ounce.
Giá vàng hiện vẫn đang đứng ở mức cao quanh 8 năm nhờ giới đầu tư đa dạng hóa các danh mục tài sản đầu tư, cả vào chứng khoán, tiền tệ cũng như vàng để đảm bảo sự an toàn, linh hoạt trong bối cảnh triển vọng hồi phục kinh tế thế giới không chắc chắn.
Theo Financial Times, tính tới ngày 24/6 có 3.427 doanh nghiệp Mỹ xin bảo hộ phá sản, gần bằng mức 3.491 doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2008, trong đó có những tên tuổi lớn nhất góp mặt trong số này phải kể tới Hertz, JC Penney, J Crew, Chesapeake và công ty điều hành rạp xiếc Cirque du Soleil danh tiếng.
Báo cáo việc làm hàng tháng do Bộ Lao động Mỹ theo dõi cho thấy lực lượng lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp của nước này trong tháng Sáu đã tăng thêm 4,8 triệu người, mức tăng nhiều nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu thống kê năm 1939.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đang nỗ lực thực hiện trở lại cam kết trong thời kỳ Đại Suy thoái là duy trì lãi suất ở mức thấp cho đến khi một số điều kiện được đáp ứng.
Bên cạnh đó, bước sang tháng 7, tức kế hoạch tài khóa nửa cuối năm, nhà đầu tư đón nhận hàng loạt thông tin tiêu cực từ làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch Covid-19, nhắc nhở tất cả chúng ta về khủng hoảng y tế đang hiện hữu, tiếp tục tổn hại tới các hoạt động kinh tế, trong khi ngân sách của không ít địa phương đã vơi đáng kể.
Tình hình dịch bệnh càng kéo dài, thì sự sống của các doanh nghiệp càng bị đe dọa. Các công ty Mỹ đang nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2013 tới nay.
Về lâu dài, vàng cũng có thể nhận được hỗ trợ từ chính sách tiền tệ nới lỏng của nhiều quốc gia sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 với mức giảm gần 5%.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu 10 năm giảm xuống -0,66% vào hôm 30/6, mức thấp chưa từng có kể từ tháng 5/2013.
Phố Wall khép lại tuần giao dịch đi lên trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ Độc lập
Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần qua và khép lại tuần giao dịch ngắn ngày với kết quả tích cực, sau khi giới đầu tư đón nhận báo cáo việc làm khả quan trong tháng 6/2020.
Phố Wall mở đầu tuần này trong sắc xanh và khép lại quý II/2020 với mức tăng hàng quý cao nhất trong hơn 2 thập kỷ qua, bất chấp những lo ngại về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.
Số ca nhiễm COVID-19 mới vẫn gia tăng ở Mỹ khiến các bang phía Đông Bắc nước này tăng cường công tác kiểm dịch đối với du khách từ các bang khác. Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci cho rằng Mỹ đang đi sai hướng, đồng thời cảnh báo số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ có thể đạt 100.000 ca/ngày nếu nước này không có những biện pháp hiệu quả để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng Bảy, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đóng cửa với mức cao kỷ lục mới. Giá cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ như Amazon, Facebook, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Netflix đã tăng trong khoảng từ 1,7% đến 6,7% khi cái gọi là giao dịch chứng khoán "tại nhà" trở nên phổ biến.
Mặc dù diễn biến dịch COVID-19 tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, vẫn còn khó lường, song các số liệu kinh tế mới nhất của Mỹ cho thấy nền kinh tế số một thế giới đã có sự cải thiện từ đợt suy giảm tồi tệ nhất trong mùa Xuân này. Theo dữ liệu của công ty ADP (hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ doanh nghiệp), các công ty tư nhân đã tuyển dụng 2,4 triệu lao động trong tháng 6/2020. Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong tháng 6/2020 cũng đã tăng lên 52,6%, cho thấy sự tăng trưởng trở lại khi nhiều lĩnh vực phục hồi mạnh mẽ.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (ngày 3/7), Phố Wall khép lại tuần giao dịch ngắn ngày để bước vào kỳ nghỉ Lễ độc lập (4/7) với không khí hứng khởi nhờ báo cáo việc làm tháng Sáu và tiến triển trong hoạt động nghiên cứu vắc-xin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bộ Lao động Mỹ cho hay nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 4,8 triệu việc làm mới trong tháng 6/2020 khi các doanh nghiệp trên toàn quốc bắt đầu hoạt động trở lại trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 11,1%. Trước đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục là 14,7% trong tháng Tư, khi COVID-19 tác động đến nền kinh tế Mỹ, sau đó giảm nhẹ xuống 13,3% trong tháng Năm, khi các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ từng bước mở cửa trở lại.
Việc tỷ lệ thất nghiệp giảm tháng thứ hai liên tiếp nhờ những nỗ lực mở cửa kinh tế trở lại đã cho thấy sự cải thiện của thị trường việc làm, nhưng với số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, các nhà phân tích cho rằng con đường phục hồi sẽ không dễ dàng. Theo nhà quyền kinh tế trưởng của Wells Fargo Securities, Jay H. Bryson, thị trường việc làm vẫn cần một thời gian dài để có thể khôi phục 22 triệu việc làm đã mất trong tháng Ba và tháng Tư. Nhà kinh tế trưởng của công ty kiểm toán Grant Thornton, Diane Swonk, ngày 2/7 nhận định sự phục hồi việc làm trong mùa Hè này sẽ gặp khó khăn, kêu gọi Quốc hội Mỹ mở rộng diện cấp bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ bổ sung.
Những hy vọng về việc nghiên cứu và điều chế thành công vắc-xin phòng COVID-19 đã gia tăng khi công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) và hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) tối ngày 2/7 (giờ địa phương) đã thông báo kết quả ban đầu khá tích cực của dự án nghiên cứu vắc-xin phòng COVID-19 chung giữa hai doanh nghiệp này. Theo chuyên gia Neil Wilson của Markets.com, giới đầu tư phần lớn đều không quá lo ngại về số ca mắc COVID-19 mới đang gia tăng tại Mỹ và một số nước khác khi Pfizer và BioNTech thông báo kết quả tích cực nói trên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên 25.827,36 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,5% lên 3.130,01 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,5% lên 10.207,628 điểm, ghi dấu phiên thứ hai liên tiếp chỉ số này đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới.
Tính chung cả tuần này, Dow Jones tăng 3,3% và S&P 500 tiến 4%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất của hai chỉ số này kể từ ngày 5/6/2020. Chỉ số Nasdaq Composite cũng chứng kiến tuần giao dịch tốt nhất kể từ ngày 8/5/2020, với mức tăng 4.,6% trong tuần này.
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 4/7/2020
Tỷ giá ngoại tệ thị trường trong nước: Chốt phiên cuối tuần, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.230 đồng (tăng 5 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.650 đồng (không đổi).
Các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ phổ biến ở mức 23.110 đồng (mua) và 23.290 đồng (bán).
Vietcombank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức: 23.110 đồng/USD và 23.290 đồng/USD. Vietinbank: 23.120 đồng/USD và 23.300 đồng/USD. ACB: 23.130 đồng/USD và 23.280 đồng/USD.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 6 tháng đầu năm tỷ giá VNĐ diễn biến khá ổn định, duy trì trong biên độ 0,2-0,3%, và chúng ta đã đạt mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay. Việc duy trì ổn định tỷ giá đã đóng góp rất quan trọng vào việc ổn định lạm phát.
Tỷ giá ngoại tệ thị trường thế giới: Đồng Đô la tiếp tục giảm giá trong phiên giao dịch tại châu Âu với khối lượng giao dịch bị ảnh hưởng bởi ngày lễ của Mỹ và các nhà đầu tư cân nhắc giữa dữ liệu kinh tế tích cực và số ca nhiễm COVID-19 ngày càng tăng.
Chỉ số đồng Đô la Mỹ, theo dõi đồng bạc xanh so với rổ sáu loại tiền tệ khác, đã giảm 0,1% xuống 97,003.
USD hiện đứng ở mức: 1 Euro đổi 1.1244 USD. 1 bảng Anh đổi 1.2482 USD. 1 USD đổi 107.51 Yên.
Dữ liệu kinh tế được công bố trước đó cho thấy một sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc, với Chỉ số PMI Caixin dịch vụ ở mức 58,4 trong tháng 6, mức cao nhất trong hai tháng. Điều này đã giúp tỷ giá USD/CNY giảm 0,1% xuống còn 7,0606.
Giá dầu thế giới đi lên trong tuần giao dịch vừa qua
Kết thúc tuần giao dịch trồi sụt thất thường vừa qua, giá dầu thế giới tăng nhờ lực đẩy từ các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế và thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục của các nước sản xuất dầu lớn. Tuy nhiên, đà tăng của “vàng đen” vẫn bị giới hạn bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Giá dầu thế giới tăng khoảng 1 USD mỗi thùng trong phiên giao dịch 29/6, sau khi thị trường tiếp nhận những dữ liệu kinh tế lạc quan từ châu Á và châu Âu. Sự phục hồi lòng tin vào nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng mạnh trong tháng Sáu, với sự cải thiện trên tất cả các lĩnh vực. Theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu (EC), chỉ số lòng tin đối với nền kinh tế khu vực này trong tháng Sáu đã tăng lên 75,7 điểm, so với mức tương ứng 67,5 điểm của tháng Năm, song vẫn thấp hơn dự báo.
Tại Trung Quốc, lợi nhuận của các công ty công nghiệp đã tăng lần đầu tiên sau sáu tháng trong tháng 5/2020, cho thấy sự phục hồi kinh tế của nước này đang vào guồng. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần này, cũng góp phần hỗ trợ cho giá dầu.
Tuy nhiên, lo ngại về sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới đã khiến giá dầu giảm nhẹ khi đóng cửa ngày giao dịch 30/6. Nhu cầu nhiên liệu đã hồi phục từ sau giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19, song số ca mắc COVID-19 đã gia tăng ở các bang thuộc khu vực phía Nam và Tây Nam nước Mỹ. Trong khi đó, các bang ở khu vực Đông Bắc nước Mỹ như New York và New Jersey đã “kéo dài” danh sách các bang mà những người đến từ các bang này sẽ phải trải qua giai đoạn cách ly nghiêm ngặt nhằm phòng tránh dịch COVID-19 lây lan.
Tuy nhiên, giá dầu Brent giao tháng 8/2020 đã tăng 16,5% trong tháng 6/2020 và tăng 81% trong quý II/2020. Trong khi đó, giá dầu WTI đã tăng 12,4% trong tháng 6/2020 và tăng khoảng 95% trong quý II/2020.
Giá dầu đã lấy lại đà tăng trong hai phiên liên tiếp sau đó, nhờ các số liệu kinh tế tích cực. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây công bố số liệu cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 7,2 triệu thùng dầu trong tuần qua, sau khi tăng lên các mức cao kỷ lục trong ba tuần liên tiếp trước đó. Mức giảm này lớn hơn mức dự báo giảm 710.000 thùng của giới phân tích.
Một yếu tố khác hỗ trợ giá dầu trong phiên này là sự cải thiện của hoạt động kinh tế toàn cầu. Hoạt động chế tạo của Mỹ đã hồi phục trong tháng 6/2020, tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm qua khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại. Hoạt động chế tạo của Trung Quốc cũng tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 6/2020. Lĩnh vực chế tạo của Đức giảm chậm lại trong tháng trước, trong khi hoạt động chế tạo của Pháp tăng trưởng trở lại.
Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ cho biết, tổng số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của nước này đã tăng 4,8 triệu trong tháng 6/2020, cao hơn mức dự báo của thị trường.
Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua, giá dầu lại giảm xuống dưới mức 43 USD/thùng, khi sự gia tăng trở lại số ca nhiễm COVID-19 đã làm dấy lên lo ngại rằng đà tăng trong nhu cầu dầu có thể chững lại. Dù vậy, tính chung cả tuần, giá dầu vẫn đi lên nhờ nguồn cung suy giảm và những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế.
Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 38 xu Mỹ, hay 0,9%, xuống 42,76 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 44 xu Mỹ, hay 1,1%, và được giao dịch ở mức 40,21 USD/thùng. Hoạt động giao dịch tại Mỹ diễn ra thưa thớt trong phiên này do ảnh hưởng của kỳ nghỉ lễ Độc Lập.
Mỹ đã ghi nhận hơn 55.000 ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày 2/7. Sự gia tăng này cho thấy đà gia tăng việc làm của Mỹ có thể giảm tốc sau khi tăng lên trong tháng Sáu. Chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới dầu PVM nhận định đà phục hồi kinh tế mong manh của Mỹ đang có nguy cơ đảo chiều do sự gia tăng mạnh trong số ca nhiễm mới COVID-19.
Những dấu hiệu phục hồi kinh tế và sự suy giảm trong nguồn cung dầu sau thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã đẩy giá dầu Brent tăng hơn gấp hai lần từ mức thấp nhất trong 21 năm qua là 16 USD/thùng ghi nhận hồi tháng Tư.
Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm: Những khoảng tối chưa từng thấy
Khởi phát tại Trung Quốc hồi tháng 12/2019, đại dịch COVID-19 đã lây lan nhanh ra các quốc gia khác, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu. Các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát đại dịch đã làm tê liệt gần như mọi lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu kể từ đầu năm đến nay. Dù các nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đại dịch cũng đã từng bước mở cửa trở lại, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn kém lạc quan khi chưa hết lo ngại về làn sóng bùng phát dịch lần thứ hai.
*Kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái
Trong một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, nhận định nền kinh tế thế giới “rõ ràng” là đã bước vào một cuộc suy thoái tồi tệ tương tự hoặc thậm chí tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. IMF dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020.
Tại Mỹ, Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã kết thúc giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lich sử và rơi vào suy thoái trong tháng 2/2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. GDP của Mỹ giảm 4,8% trong quý I/2020 và dự kiến giảm ít nhất 20% trong quý II/2020. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng từ mức thấp kỷ lục 3,5% trong tháng 2/2020 lên 14,7% trong tháng 4/2020, song đã hạ xuống 13,3% trong tháng 5/2020.
Theo các nhà kinh tế, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trong mùa Hè 2020 và có thể được duy trì nếu đại dịch COVID-19 không bùng phát trở lại. Phát biểu tại một hội thảo triển vọng kinh tế do Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ tổ chức, nhà kinh tế trưởng Jack Kleinhenz của Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ, cho rằng nếu đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở mức độ mạnh hơn thì rất có thể tăng trưởng kinh tế Mỹ lại giảm tốc trong thời gian tới.
Tại Trung Quốc, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, song tác động nghiêm trọng về kinh tế của dịch bệnh đã lộ rõ. Các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt và dừng các hoạt động sản xuất để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đã gây ra những tác động nặng nề về kinh tế. Sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 13,5% trong 2 tháng đầu năm và là lần giảm đầu tiên trong gần 30 năm qua.
Trong khi các quốc gia trên thế giới đang xem xét cách thức nới lỏng hạn chế đối với doanh nghiệp và hộ gia đình, Trung Quốc hồi đầu tháng 4/2020 đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát đại dịch COVID-19, và thông báo khôi phục hoàn toàn các hoạt động giao thông vận tải đường sắt, đường không và vận chuyển hàng hóa vào cuối tháng Tư. Chính phủ Trung Quốc cũng đã cho phép các nhà máy và doanh nghiệp khôi phục hoạt động, dẫn đến sự phục hồi lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020 của ngành chế tạo nước này trong tháng 3/2020.
Các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ dần hồi phục sau khi sụt giảm lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua vào quý I/2020, song nguy cơ suy thoái vẫn cao nếu đại dịch COVID-19 diễn biến xấu đi. GDP của Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ tăng 1,3% trong quý II/2020, sau khi ghi nhận mức giảm 6,8% trong quý I/2020, lần suy giảm tăng trưởng lần đầu tiên kể từ năm 1992.
Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản đã lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ năm 2015 do nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này tăng trưởng âm hai quý liên tiếp do tác động của đại dịch COVID-19. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP của Nhật Bản giảm đến 3,4% trong quý I khi cả tiêu dùng tư nhân, chi tiêu vốn và xuất khẩu đều sụt giảm. Trước đó, trong quý IV/2019 kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận mức giảm 7,3%.
Tình hình thậm chí còn được dự đoán đang diễn biến xấu đi trong quý II sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng Tư đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trước sự lây lan nhanh của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp này đã được dỡ bỏ trên toàn quốc vào ngày 25/5.
Các chuyên gia phân tích trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters đã dự báo trong quý II/2020 kinh tế Nhật Bản sẽ giảm đến 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu đúng vậy, đây sẽ là mức sụt giảm mạnh chưa từng có và cho thấy sự suy sụp của nền kinh tế thế giới vốn được dự báo sẽ chứng kiến đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái những năm 1930.
Bức tranh kinh tế châu Âu cũng xuất hiện một loạt khoảng tối chưa từng thấy khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng ở tất cả các nền kinh tế chủ chốt của châu lục. Nền kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm 3,8% trong quý I/2020 khi hoạt động kinh doanh đình trệ do các doanh nghiệp phải đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Đây là mức sụt giảm lớn nhất của kinh tế Eurozone kể từ năm 1995.
Theo nhà kinh tế trưởng của IHS Markit, ông Chris Williamson, GDP trong quý II của Eurozone vẫn có khả năng giảm xuống mức thấp chưa từng thấy, giảm khoảng 10% so với quý trước đó, nhưng chỉ số nhà quản lý mua hàng tháng Năm nhích lên làm tăng thêm hy vọng rằng sự suy giảm hoạt động kinh tế sẽ chậm lại khi các biện pháp phong tỏa tiếp tục được nới lỏng vào mùa Hè.
*Triển vọng kém lạc quan
Ngày 10/6, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm ít nhất 6% trong năm nay do các nước áp đặt lệnh phong tỏa nhằm khống chế đại dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo khả năng phục hồi "chậm và không chắc chắn". Theo tổ chức này, trong trường hợp bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai vào cuối năm, sản lượng kinh tế thế giới có thể giảm tới 7,6% trong năm 2020.
Cũng theo OECD, những lĩnh vực bị ảnh hưởng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội như du lịch, giải trí, nhà hàng, nhà nghỉ sẽ không thể hồi phục như trước. Đó là chưa kể các biện pháp này vẫn chưa đủ để có thể ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai. Do đó, các chính phủ cần phải điều chỉnh hỗ trợ, đồng hành cùng quá trình chuyển đổi, tạo điều kiện thúc đẩy các quy trình tái cấu trúc cho các doanh nghiệp.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2020, cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng, ở mức 5,2% trong năm nay, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 cùng với các biện pháp đóng cửa nền kinh tế.
Báo cáo của WB cũng cho rằng hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 7% vào năm 2020 do cung cầu, thương mại và tài chính trong nước đã bị gián đoạn nghiêm trọng. Các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến sẽ giảm 2,5% trong năm nay - sự sụt giảm lần đầu tiên của nhóm này trong vòng ít nhất 60 năm qua.
Trong khi đó, bà Georgieva hồi tháng Năm phát biểu, ước tính trước đó của IMF rằng kinh tế thế giới sẽ suy giảm 3% trong năm 2020 là “quá lạc quan”. Tại cuộc họp trực tuyến mới nhất ở Florence, người đứng đầu IMF nói rằng, những số liệu kinh tế xấu đi tại nhiều quốc gia có thế sẽ khiến IMF buộc phải cân nhắc lại về mức dự báo kinh tế vốn đã kém lạc quan trong năm nay.
IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm 5,9% trong năm 2020. Theo IMF, việc buộc phải đóng cửa nhiều hoạt động kinh doanh trên khắp đất nước và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh do đại dịch COVID-19 sẽ làm tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm. Mặc dù Chính phủ Mỹ đã công bố các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng tiền tệ chưa từng có, song nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn phải đối mặt với rủi ro do các gói kích thích kinh tế này có thể không đủ lớn hoặc đủ nhanh để ngăn chặn các làn sóng phá sản của các doanh nghiệp và đại dịch COVID-19 có thể thay đổi về cơ bản hành vi tiêu dùng của người dân Mỹ.
Hồi tháng Tư, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi, bất chấp cảnh báo của giới chuyên gia về tác động lâu dài của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới. Ông nhận định, khi Mỹ bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế vào tháng Năm và tháng Sáu nền kinh tế thực sự hồi phục vào tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chín. Ông đồng thời cho biết Chính phủ Mỹ đã chi cho nền kinh tế một số tiền cứu trợ tài chính chưa từng có lên tới hàng nghìn tỷ USD và điều này sẽ có tác động đáng kể.
Tuy nhiên, ngày 7/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh Philadelphia của Mỹ Patrick Harker tin rằng nếu phần lớn nền kinh mở cửa trở lại trong tháng 6/2020 và COVID-19 không bùng phát trở lại vào mùa Thu, nền kinh tế sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối của năm 2020, sau khi bị giảm mạnh trong quý II. Tuy nhiên, mức phục hồi này sẽ không đủ đề bù đắp thiệt hại trong hai quý đầu của 2020.
Đối với Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của nước này có thể rơi xuống mức thấp nhất trong 44 năm qua. Theo IMF mức tăng trưởng trung bình đối với tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2020 là 1,2% - thấp nhất kể từ năm 1976.
Tuy vậy, các nhà kinh tế nhìn chung vẫn dự kiến kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào cuối năm 2020 với các mức tăng 5,3% và 6% trong hai quý cuối của năm nay. Nhà phân tích kinh tế vĩ mô kỳ cựu Bingnan Ye của Bank of China International, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3% trong cả năm 2020 mà ông đưa ra dựa trên giả định nhu cầu thế giới sẽ hồi phục trong thời gian tới.
Với kinh tế Eurozone, IMF dự báo sẽ giảm tới 7,5% trong năm nay và châu Âu là khu vực được dự đoán có hoạt động kinh tế giảm sút mạnh hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong một đánh giá lạc quan hơn, IMF cho rằng mức độ tác động về kinh tế do đại dịch gây ra tại Eurozone sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2020, khi các biện pháp chăn chặn dịch bệnh dần được dỡ bỏ.
Nhóm P.V