(Thethaovanhoa.vn) - Theo Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore, số lượng phụ nữ tại châu Á không hút thuốc mắc bệnh ung thư phổi đang tăng lên.
Phơi nhiễm khói thuốc lá điện tử khiến chuột phát triển ung thư phổi. Đây là kết luận của các nhà khoa học thuộc trường Y, Đại học New York (Mỹ) trong nghiên cứu công bố trên Tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ ngày 7/10.
Một nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore (NCCS) chỉ ra: 3 trong số 10 bệnh nhân ung thư phổi ở đây không bao giờ hút thuốc và tỷ lệ mắc căn bệnh này đang tăng lên.
Hơn một nửa số người không bao giờ hút thuốc ở NCCS thường được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn tiến triển (giai đoạn 3 hoặc 4). Bệnh nhân ở giai đoạn đầu có rất ít dấu hiệu nhận biết. Các triệu chứng thông thường tại thời điểm chẩn đoán ung thư phổi là ho, máu trong đờm, đau ngực, khó thở và giảm cân.
Nghiên cứu tại NCCS chỉ ra rằng phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nam giới, vì 70% những người không bao giờ hút thuốc bị ung thư phổi là phái đẹp. Thống kê này còn được so sánh với số liệu trên toàn cầu và cho thấy phụ nữ không hút thuốc ở châu Á dễ bị ung thư phổi hơn so với các nước phương Tây. Hơn 4% phụ nữ Trung Quốc ở Singapore hút thuốc. Quốc đảo này có tỷ lệ nữ giới mắc ung thư phổi cao hơn (21,3 trường hợp trên 100.000 nữ) so với các nước khác như Đức và Italy - nơi 1/5 số phụ nữ của cả nước hút thuốc.
Việc tiếp xúc với khói thuốc tại nhà hoặc nơi làm việc là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi ở những người không bao giờ hút thuốc, làm tăng 25% nguy cơ nhiễm bệnh. Một yếu tố rủi ro khác là các chất ô nhiễm môi trường, như khí độc từ việc đốt than, cũng có thể làm tăng nguy cơ. Một số người không bao giờ hút thuốc nhưng lại mắc ung thư liên quan tới một số gen nhất định, hoặc những thay đổi xảy ra trong gen. Những trường hợp này vẫn tiếp tục được các chuyên gia nghiên cứu.
Tuy nhiên, phụ nữ châu Á không bao giờ hút thuốc bị ung thư phổi có tỷ lệ sống sót cao hơn người hút thuốc. Các nghiên cứu cho thấy những người không hút thuốc có sự thay đổi gen trong tế bào ung thư phổi khác so với người hút thuốc. Điều này có thể khiến các tế bào ung thư phổi của họ phản ứng nhanh hơn với phương pháp điều trị nhắm mục tiêu so với người hút thuốc, dẫn tới khả năng sống sót cao hơn.
Tuy nhiên, "phòng bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh". Từ bỏ hẳn việc hút thuốc, tránh tiếp xúc thường xuyên, lâu dài với khói thuốc và tạo lập chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh như tập thể dục có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.
Theo VTV