(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 6/7, Cơ quan Hải quan và nhập cư Mỹ (ICE) thông báo sẽ không cho phép sinh viên nước ngoài ở lại Mỹ nếu toàn bộ học kỳ mùa Thu tới của họ được chuyển sang hình thức học trực tuyến do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Hàng triệu sinh viên Mỹ sẽ phải hứng chịu gánh nặng lãi suất tăng gấp đôi đối với những khoản tiền vay mà cho tới nay vẫn được chính phủ liên bang bảo trợ.
Thông báo của ICE nêu rõ: "Các sinh viên đang ở Mỹ theo học các chương trình học trực tuyến hoàn toàn phải rời khỏi Mỹ hoặc có biện pháp khác như đổi sang một trường giảng dạy trực tiếp để được ở lại cư trú hợp pháp. Nếu không họ có thể phải đối mặt với các hậu quả về nhập cư, trong đó có khả năng bắt đầu các thủ tục yêu cầu về nước".
IEC cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ "sẽ không cấp thị thực cho các sinh viên đăng ký vào các trường hoặc chương trình học trực tuyến hoàn toàn trong học kỳ mùa Thu tới, và Cơ quan Hải quan và biên phòng Mỹ (CBP) sẽ không cho phép các sinh viên này nhập cảnh". Quy định này sẽ ảnh hưởng đến các sinh viên nước ngoài thuộc diện F-1 (theo học nghiên cứu, học thuật) và M-1 (theo học nghề) học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Theo thống kê, trong tài khóa 2019, Mỹ đã cấp 388.839 thị thực F và 9.518 thị thực M.
Các trường đại học tại Mỹ có một hệ thống hỗn hợp giữa các lớp trực tuyến và trực tiếp (lên lớp) sẽ phải chứng minh rằng sinh viên nước ngoài của mình đến lớp học trực tiếp ngay khi có thể để duy trì quy chế cư trú của họ.
Hầu hết các trường đại học ở Mỹ vẫn chưa thông báo kế hoạch học cho học kỳ mùa Thu tới. Một số trường đang tính đến mô hình học đan xen trực tuyến và trực tiếp, song một số khác, trong đó có Đại học Harvard, cho biết các lớp sẽ học trực tuyến hoàn toàn. Trường này thông báo 40% số sinh viên sắp tốt nghiệp sẽ được phép trở lại trường, nhưng việc học sẽ vẫn dưới hình thức trực tuyến.
Quy định trên đã lập tức vấp phải nhiều chỉ trích của chính giới. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cho rằng đây là quyết định "tàn bạo" và lập luận rằng "sinh viên nước ngoài tại Mỹ đang bị đe dọa khi chỉ có một lựa chọn: đánh cược tính mạng của mình để đến lớp học trực tiếp hoặc sẽ bị trục xuất".
Về phần mình, theo chuyên gia Aaron Reichlin-Melnick, thuộc nhóm cố vấn Hội đồng Nhập cư Mỹ, quy định mới gần như chắc chắn sẽ mở ra một cuộc chiến pháp lý. Ông nhấn mạnh sinh viên nước ngoài sẽ rất vất vả nếu tiếp tục việc học của mình ở nước mình thay vì ở Mỹ, vì sự khác biệt về múi giờ cũng như thiếu công nghệ hoặc nguồn lực giáo dục.
Theo Viện Giáo dục quốc tế (IIE), trong năm học 2018-2019, số sinh viên quốc tế tại Mỹ là hơn 1 triệu người, chiếm 5,5% sinh viên đại học ở Mỹ. Trong năm 2018, lực lượng này đóng góp 44,7 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Canada là những nước có sinh viên học tại Mỹ đông đảo nhất.
Tổng thống Donald Trump, người đang tái tranh cử trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, đã chủ trương mở cửa trở lại đất nước dù số ca nhiễm đang tiếp tục gia tăng ở nhiều nơi trên cả nước, nhất là ở miền Nam và miền Tây. Ông viết trên Twitter ngày 6/7: "Tất cả trường học phải mở cửa trở lại vào mùa Thu!!!".
Với hơn 130.000 ca tử vong liên quan đến virus SARS-CoV-2, Mỹ hiện là nước chịu tác động lớn nhất của đại dịch toàn cầu này. Tổng thống Trump có quan điểm đặc biệt cứng rắn đối với người nước ngoài kể từ khi cuộc khủng hoảng y tế bắt đầu. Tháng Sáu vừa qua, nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ, ông đã "đóng băng" việc cấp thẻ xanh đến cuối năm, loại thẻ định cư dài hạn tại Mỹ, và một số thị thực việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.
TTXVN