(Bài dự thi) - Năm 1990,
tôi 17 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3. Bác tôi di dân đi làm kinh tế mới ở Bản
Thịnh, Xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An - Bản của người Thái - Thanh.
Tôi từ thành phố Vinh lên giúp bác lao động sản xuất.
Hãy khoan
nói về cái đói, mà cái ở thôi cũng nhếch nhác lắm rồi. Nhà cột chôn, lợp tranh
săng, thưng phên nứa, ở lưng chừng đồi, chơ vơ như chuồng gà bỏ hoang. Mối
xông, mọt cắn, gió lay, bão cuốn, sương sa... khiến ngôi nhà liêu xiêu, vàng
vọt như người sốt rét mãn tính. Các anh lớn, người đi đào đá đỏ ở Quỳ Châu,
người đi Đắc Lắc xem xét tình hình, người còn ở trong quân ngũ, nên tôi trở
thành “anh lớn” của các anh, chị em con bác tôi. Tôi phải đi chặt nứa để duy
tu, sửa nhà. Công việc không thể trì hoãn vì mùa mưa bão đã đến. Tôi rủ Sáu đi
cùng, anh ta chặt nứa về bán.
Chúng tôi
chân đất, đi bộ khoảng 20 km mới đến xã Châu Thái. Chân tôi phồng rộp, mỏi nhừ.
Hai anh em trú đêm ở xóm Ba nhà, trong nhà người quen của anh Sáu - Cũng là
người Thái.
*
Sáng hôm
sau, chúng tôi xách dao vào rừng. Từ bến nước, đến chỗ có nứa khoảng 1 km.
Trong đó, quãng cuối cùng phải trèo lên nửa quả núi đất dốc đứng. Vì nứa phân
bố thành bụi, khá xa nhau nên Sáu nhường tôi chỗ gần, anh đi xa hơn (Cách đây
mấy năm, tôi nghe nói còn phải đi xa hơn nữa). Tôi nhìn theo, đến khi Sáu khuất
hẳn sau một khúc quanh, lơ thơ cành lá. Rừng trở nên yên ắng lạ kỳ. Tiếng rừng
nghe ong ong. Mùi rừng đưa thoang thoảng. Tôi cảm thấy cô đơn, lo lắng mơ hồ.
Tôi tiến về phía bụi nứa, tiếng lá khô sột soạt vang rõ theo bước chân...
Tôi vừa vung
dao lên, ngay lập tức một đám muỗi dày đặc u u bay ra trùm lên người. Tôi nhảy
lùi lại, bẻ cành lá khuơ loạn xạ. Nghiêng ngó quanh quất một lúc, tôi quyết
định bắt tay vào việc. “Pặp”, dao vung lên, gốc nứa xanh lập tức hiện lên một
vệt trắng. Cây nứa ngã nghiêng. “Pặp” dao vung lên. Nứa tươi. Thân mềm.
Dao sắc. Chỉ vài ba nhát là cây nứa đứt gốc. “Pặp... Pặp...Pặp...” tôi đã vào
hứng làm việc. Lũ muỗi biến đi đâu mất. Đám nứa bắt đầu ngã ra, rũ xuống, làm
liên tưởng đến những cái đầu thiếu nữ tóc dài bị chặt cổ.
Lúc sau, Sáu
mặt đỏ bừng, xồng xộc trong lôi hai bó nứa lối rừng đi ra.
- Xem mày
làm ăn thế nào. - Anh hét oang oang.
Thình lình,
một cây nứa nhọn hoắt, từ trên bụi lao cắm phập xuống nền đất ngay cạnh Sáu.Cây
nứa mất gốc, vỏng lên. Vì nứa là giống lá nhiều, không có gai, trơn như tóc,
nên chỉ bám hờ vào bụi. Có cơ hội là nó lao xuống. Không ít người phải khiêng
thẳng từ bụi nứa ra bệnh viện. Đùi thủng. Ruột đứt...
Sáu hoảng
quá, chửi um lên rồi hướng dẫn tôi làm. Thì ra, một tay phải cầm lấy cây nứa,
tay kia chặt, được cây nào rút luôn cây ấy ra, sảy lá, phắt ngọn, xếp đống...
Mồ hôi đã
đẫm lưng áo, nhưng nhìn đống nứa nằm toe hoe nơi vạt đất trống, tôi thấy nó quá
bé, quá ít. Tôi nhớ những cây nứa ở chợ rất to, lóng rất dài, chẻ nổ bôm bốp.
Tôi lại hăm hở chặt, chặt, chặt, chặt...
Sáu lấy một
khúc nứa non, ngồi xuống tiện tròn, khoét nõ, làm điếu cày. Trong khi tôi bó
nứa. Anh hướng dẫn tôi, bó hai cây thòi dài ra để bắc lên vai, lại có một sợi
dây quàng qua ngực để kéo nữa.
Sáu hút đủ
thuốc lào, cắm phập cái điếu xuống đất, xốc hai vác nứa của anh lên vai nói to
“Xuống thôi”, và kéo đi. Tôi định hút thuốc, nhưng lại thôi. Cầm hai cây nứa thòi
ra, hất vác thứ nhất lên vai phải, sức nặng làm tôi hơi nghiêng người lại. Tôi
dịch nó lại phía vác thứ hai, cúi xuống, nhấc lên. Nhưng nặng quá, tôi loay
hoay không sao đặt nó lên vai trái được. Tôi ngước mắt nhìn quanh. Sáu đã đi xa
mất, xung quanh chỉ có rừng rậm, núi non, lưa thưa cây lá.
Tôi cúi
xuống, trằn người để cho vác thứ nhất nằm chuồi trên lưng, dùng cả hai tay hất
vác kia lên vai trái. Tôi loạng choạng, như một vận động viên cử tạ quá cân.
“Đ...i... nào...”, tôi rán sức rặn. Hai bó nứa gục gặc tiến lên. Nghỉ lấy hơi,
tôi hét vang “Một, hai, ba... thằng cha mày, đi... nào”. Hai vác nứa được kéo
trượt đi. Có đà, tôi dấn cho mau đến chỗ dốc. Dốc rất dốc. Lúc này, hai vác nứa
biến thành cái ô tô tải ủi gấp sau lưng. Do bắp chân chưa vững, ngón bám không
chắc vào đất, thành ra hai vác nứa lái tôi chạy chệch choạc hết bên này sang
bên kia đường. Nhưng rồi, tôi quen dần, dùng đúng sức nên đi được.
Xuống vùng
đất bằng, tôi phấn khởi, kéo phăng phăng. Hai vác nứa dập dềnh trên vai, ngọn
quẹt xuống mặt đường kêu rè rè, quẹt quẹt. Vứt nứa xuống mép nước, tôi thở phò
phò, loạng quạng lội ra suối vục nước xoa mặt, xoa cổ rồi hể hả uống ừng ực
từng ngụm lớn.
Khi trở lên
kéo chuyến thứ 2, bắp chân tôi mỏi rã. Cái mệt bắt đầu thấm vì chúng tôi làm
xuyên trưa mà chẳng ăn gì. Tôi vớ điếu cày réo một hơi tụt cả nõ. Chất Nicotin
thấm đến từng tế bào, khói bốc qua cả chân tóc. Vị nứa non, vị thuốc lào vương
vấn trên mắt, ngọt mãi ở trong cổ... Đến bây giờ, đó vẫn là điếu thuốc ngon
nhất đời tôi.
Xốc vác nứa
thứ nhất lên vai, tôi bắt đầu hối hận. Khi bó nứa, tôi đã không lượng sức mình.
Lo thiếu nứa sửa nhà, nhưng cái chính là lòng tham, tôi bó quá nhiều. Của trời,
không lấy thì tiếc. Trầy trùa mãi, tôi mới cất nốt được vác thứ hai lên. Mặt đỏ
gay, mồ hôi ra nhễ nhại, tôi rán sức kéo... kéo... đi.. đi.. từng quãng, năm
đến bảy mét lại phải dừng nghỉ lấy hơi. Sáu đã mất hút đi đằng nào. Tôi hiểu,
giờ đây chỉ còn mình tôi trên trái đất, ở nơi hoang vắng này. Vừa lết vừa nghỉ,
tôi đến chỗ dốc xuống. Nhưng tôi mừng chẳng được lâu. Dốc quá dốc. Sức lại đã
yếu đi nhiều. Nứa đẩy tôi chạy ào ào. Bị mất kiểm soát, tôi ngã dúi dụi. Hai
vác nứa xộc mạnh vào lưng, rồi lăn ra hai bên.
Tôi lồm cồm
bò dậy, xoa vai, xoa cổ, nhìn trước, nhìn sau xem người có bị làm sao không.
Tôi ngửng mặt nhìn trời xanh, muốn chửi thề, muốn đập phá cái gì đó, rồi lại
muốn khóc. Lát sau, tôi lặng lẽ xốc nứa lên vai, nghiến răng đi xuống. Địa ngục
thật sự bắt đầu khi đến chỗ bằng. Hai vác nứa như mọc rễ bám vào đất, rề
rà nhúc nhích từng đoạn ngắn. Tôi nghỉ rồi kéo, nghỉ rồi kéo. Con nhà cơ quan,
sống ở thành phố, đôi vai vốn chỉ quen đeo cặp sách của tôi đau như xé. Rồi cái
đau hình như không còn. Tất cả nhòa. Tôi như đang đi trong một giấc mơ. “Ị..
này, ị.. đi này, đ..i n..ày..”, tôi gầm gừ, rên rỉ. Thiếu chút nữa là phân són
ra trong quần. Tôi buông hai vác nứa, nằm dăng chân, dăng tay ra đất. Tôi thấy
bầu trời quay tròn...
Những người
chưa đi rừng sẽ rất khó hiểu, nhưng nó thế này: Nếu ở nhà anh chỉ vác 40 kg thì
trong rừng con số đó ít nhất là 80 kg - Cô đơn, tự lực, tham kinh khủng, khỏe
kinh khủng, dai sức đến gục ngã...
Sáu quay lại
tìm tôi. Anh giúp kéo một vác nứa ra bến. Nếu không có anh, tôi sẽ lê từng vác
một, chứ quyết không chịu bỏ lại cây nứa nào. Tôi đã tính toán thế. Sáu còn
giúp tôi nhiều trong chuyến đi rừng không thể quên đó. Anh là người tốt. Tôi
nghe nói anh đã chết vì bệnh tật, nghèo đói, lao lực... Anh là con trai thứ sáu
của ông Việng. Cầu cho linh hồn anh được nghỉ ngơi bằng an. .
Cánh bè
xong, tôi nhìn bè Sáu trôi đi một quãng rồi chổng mông đẩy bè của mình ra chỗ
nước sâu, chệnh choạng bước lên. Nước trôi. Bè chạy. Cảm giác hạnh phúc nhẹ
nhàng dâng lên trong lòng tôi.
Đoạn đầu
tiên, suối không quanh co lắm, nước chảy êm và đều. Tôi chú ý nhìn và làm theo
các động tác của Sáu ở phía trước. Những đoạn gấp khúc, cần chống sào vào bờ
đất, ghì mạnh để đầu bè khỏi đâm vào. Nước cạn, nhảy xuống lội bộ. Tôi nhìn
sang hai bờ, cây bụi lúp xúp, lau lách lưa thưa, vách rừng rậm rịt... Đôi khi,
có một dây hoa vông vang đỏ thắm, như chiếc khăn voan của cô gái nào lơ đãng bỏ
quên.
Dòng
nước đột nhiên chảy chậm lại một cách khó hiểu. Tôi bắt đầu phải dùng sào
chống, bè mới chạy. Đáy nước bùn khá dày. Khi rút lên, sào cứ bị giữ lại. Dòng
suối mở rộng dần. Trôi qua khúc quanh, một khoảng rộng mênh mông hiện ra trước
mắt tôi. Con suối mới bị chắn lại làm đập thủy lợi. Suốt đời, tôi không quên
được hoàn cảnh lúc đó. Nước đã lút sào, nên bây giờ phải chèo. Bè đi rất chậm.
Phía trước, không nghe tiếng Sáu hát nữa. Hai bên bờ, nước ngập làm cây cối
chết hàng loạt. Cành trụi. Lá rũ. Mùi lá thối xộc lên tận óc. Mặt trời đỏ rựng
xuống nhanh như chìm, sát ngay đỉnh núi. Tôi chèo mãi, chèo mãi. Tôi ngỡ bờ sẽ
không bao giờ đến...
Bè chạm mép
đập khi nhọ mặt người. Trời không trăng cũng chẳng sao, trông cái gì cũng mờ mờ
nhân ảnh. Hai anh em lần mò chặt dây, dỡ bè. Mỗi chuyến một vác nứa hết đi lên,
lại đi xuống. Bờ đập kè đá phẳng, và dốc. Đi lên khó nhọc, đi xuống cũng khó
nhọc. Quãng 8 giờ đêm, mới vác hết nứa qua thân đập. Tôi thập thễnh bước theo
Sáu về xóm Ba nhà. Ánh đèn xa leo lét, tiếng chó sủa đêm oăng oẳng vu vơ...
Tôi chỉ muốn
lăn kềnh ra đất mà ngủ. Vịn vách, bước chân lên bậc cầu thang nhà sàn, tôi cảm
nhận rõ cái đau. Tất cả các cơ trong người đều đau. Từ cơ lưng, cơ bắp tay, bắp
chân, cơ ngón tay, cơ chân tóc... đều như bị hai cái kìm sắt, kẹp chặt, bứt
đôi. Cả tiếng sàn tre bập bùng dưới chân, cả gương mặt ngây ngô, thật thà của
vị chủ nhà ra đón, thông báo “Thấy các chú về muộn, tôi đã nấu hộ cơm” tôi đều
thấy sao mà đáng ghét quá thể. Sáu kè nhè bảo tôi đi ăn cơm. Tôi định không ăn,
nhưng rồi ngồi xuống cạnh cái mâm gỗ tròn, đen xỉn. Cơm cứng. Mùi cá biển xông
lên phát đau đầu. Một bát rêu xanh lè (đặc sản của người Thái) nhưng tôi không
dám đụng đũa. Tôi sợ độc.
Chưa bao giờ
tôi ăn khỏe thế. Bát đầu tiên còn uể oải, sang bát thứ hai, thứ ba... thì hầu
như chẳng cần nhai, cứ và nửa bát một vào mồm mà nuốt luôn qua họng. Nồi cơm
hết nhẵn. Tôi bò đi hớp một ngụm nước. Rồi chẳng cần rửa mồm, xỉa răng, hút vài
điếu thuốc lào như thói quen, tôi vẫn bò như con sâu đo đến cái chiếu, nằm lăn
ra. Có lẽ, tiếng kéo gỗ đã làm ngôi nhà sàn rung rinh đêm đó.
Sáng hôm
sau, chúng tôi phải cánh lại bè. Con suối được nhập thêm dòng, dần mở to hơn.
Nước vẫn chảy mạnh. Tuy đã làm quen với việc chạy bè, nhưng mấy chỗ thác gấp
khuỷu tay, nước đâm thẳng vào chân núi, tôi vẫn rất vất vả. Đến một chỗ thác
zíc zắc hình mấy chữ Z. Đá cục, đá tảng đầy giữa suối. Nước réo ào ào... Sáu
vượt qua được, còn tôi ngã ùm xuống nước. Tôi nhôn nháo bơi theo. Trèo lên được
bè, quần áo lướt thướt, nhưng nào có được nghỉ ngơi đâu. Bè vẫn cứ lao trôi.
Trôi mãi. Tay chân không ngừng phải làm việc.
Càng về xuôi
có bản, có làng, tuy dòng nước rộng hơn nhưng bè dễ đâm, rồi mắc vào cọc do bà
con đóng xuống suối để làm cọn dẫn nước, làm trộ bắt cá, làm bè đãi vàng. Sáu
cũng ngã mấy lần xuống nước. Anh cáu vung lên. Một bè bị mắc, là cả hai phải
nhảy xuống để gỡ. Nước suối bị chặn, tống ào ào. Cảnh đi bè thật khổ, trên thì
nắng, dưới thì nước. Quần áo hết khô lại ướt. Đó là chưa kể cái cảnh: Nước
trôi. Bè vỡ. Người ngã. Que xóc. Máu lênh loang đỏ. Thật là bán mạng, bán sức
lấy miếng ăn. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Cực khổ vô chừng.
Nhưng cũng
có lúc, bè trôi thuận, sông nước mênh mang. Tôi gặp một đàn vịt bơi lội tung
tăng, ngô bên bờ xanh mướt, những cô gái bản ra bến giặt dũ, trẻ con nô đùa hét
vang...
Bây giờ, sau
nhiều năm nhớ lại. Bài học về lần đi rừng đó chín dần trong tôi. Dòng sông cũng
như cuộc đời, có quanh co khúc khuỷa, có phẳng lặng bình yên. Cơ chế quan liêu
bao cấp xóa bỏ, con người trong cơ chế thị trường như bị quăng vào trong rừng -
Cô đơn, cạnh tranh, liên kết. Người ta muốn thật nhiều, cố làm thật nhiều.
Nhưng tôi nghĩ cần tỉnh táo, lượng sức để giữ cho mình thăng bằng trong cuộc
sống.
Vinh, ngày 30 tháng 4 năm 2009
Đậu
Hải Nam