(Bài dự thi) - Chị em tôi sinh ra trong một gia
đình nghèo. Đã thế, bẩm sinh chị
tôi lại không có cả hai tay và
hai chân. Vì thế, nghèo lại càng nghèo. Vì
nghèo, mẹ tôi quyết tâm cho tôi học
tập, thỉnh thoảng tôi mới phải theo mẹ
ra đồng nhổ cỏ hay mót lúa...Lần nào tôi
đi, chị tôi cũng nhìn theo thèm khát nói:
- Em sướng hơn chị!
Có lần, tôi cong môi, trề miệng trả lời:
- Chị đi đi! Ra đồng mà kêu sướng...
Chị cười:
- Rồi chị sẽ đi!
Tôi nói khẽ:
- Không có chân mà đòi đi...
Thế mà chị vẫn nghe, chị lẩm bẩm:
- Không có chân, chị vẫn đi... Năm tôi học 12, nhiều
người khuyên tôi nên thi vào đại học y, chị cũng góp
ý:
- Đúng đó!
Tôi gắt:
- Chị biết gì, tiền ăn không đủ, tiền đâu học....
Chị tôi im bặt, quay mặt nhìn ra ngõ...Năm ấy, chị tôi
đã ngoài 20 tuổi.
Nói là thế nhưng tôi vẫn đăng ký thi vào đại học Y,
và tôi đã đậu. Phấn khởi, từ thành phố, tôi báo tin
về cho mẹ hay chứ không hy vọng sẽ có tiền đi học.
Ai dè, mẹ tôi lại gửi tiền cho tôi đóng học phí. Vui
mừng khôn xiết, hoàn tất xong thủ tục nhập học, tôi
phóng về quê...Mẹ tôi đi vắng, cửa đóng im ỉm. Mấy
bà hàng xóm trông thấy tôi ầm ĩ gọi:
- Này! sướng nhé! mày đậu đại học, còn chị mày theo
người yêu lên chợ huyện bán vé số rồi.
Tôi không tin, nhưng cũng cắm đầu chạy một mạch lên
chợ huyện. Đến nơi, tôi sốc...khi thấy chị tôi ríu
rít cạnh bà Tư, người mà xóm gọi bằng ông, ngay cả
tôi, tôi cũng gọi bà Tư là ông Tư.
Người ta kể:
Mẹ bà Tư sinh được 3 cô con gái, ông chồng muốn có một
thằng cu nhưng lại thêm bà Tư ra đời. Chê vợ không đẻ
được con trai, ông bỏ mấy mẹ con bà Tư ra đi. Ngày nhỏ,
bà Tư thường bị mẹ cạo trọc đầu, cho mặc quần tà
lỏn, chạy long nhong khắp xóm. Càng lớn, bà Tư càng ra
dáng đàn ông với khuôn mặt góc cạnh xù xì, đen nhẻm,
mái tóc cháy xém cắt cao ba phân thêm chiếc quần đùi dài
quá đầu gối, duy chỉ còn giọng nói the thé là đặc trưng
của giống cái. Bọn con gái chẳng ai chơi với bà Tư nhưng
bọn con trai lại hay rủ bà Tư bày cờ tướng, đôi khi
còn lai rai với nhau. Nhờ vậy, bà Tư mới không bị cô
đơn, nhất là từ khi mẹ mất, ba cô chị gái theo chồng,
bà Tư thành người trông nom mồ mả, nhang khói cho mẹ.
Ít lâu sau, người cha đi lưu lạc cũng tìm về, bà Tư trở
thành chỗ dựa duy nhất của ông cho đến ngày ông mất...
Thỉnh thoảng nhìn thấy bà Tư đi ngang nhà, chị tôi kêu:
“Rõ khổ! đàn bà sao cứ phải... làm đàn ông". Ấy
thế mà, bây giờ...Tôi giận dỗi nấp vào một gốc cây
mặc bà Tư bế chị lên chiếc ghế mây đã buộc sẵn phía
sau xe đèo đi, mà lòng ấm ức.Trưa ấy, mẹ tôi bắt gà
làm thịt đãi tôi, chị cũng đon đả hỏi thăm chuyện
ăn ở, trường lớp. Tôi lặng lẽ nuốt lưng bát cơm rồi
kéo mẹ ra vườn, hầm hầm hỏi :
- Mẹ! chị Hai là les rồi đó!
Mẹ tôi ngạc nhiên, tôi gằn từng tiếng một:
- Chị Hai chơi với bà Tư, chị Hai là ô môi, là đồng
tính, mẹ biết không?
Mẹ tôi quắc mắt, nghiêm nghị. Lần đầu tiên, mẹ tôi,
người luôn luôn nghe theo mọi lý lẽ của tôi bỗng cứng
cỏi, kiên định lạ thường:
- Mẹ không biết les, ô môi, đồng tính là gì cả...Mẹ
chỉ biết, từ khi bầu bạn với chị Tư, chị con vui vẻ
hơn. Thử hỏi, ngay cả mẹ và con, có bao giờ đưa được
chị Hai đi chơi đây đó, vậy mà chị Tư đã làm được.
...con học rộng, biết nhiều, sao con không biết, một con
người chỉ biết ăn rồi ngủ,thà chết sướng hơn...Vậy
mà chị con đã phải sống hơn 20 năm như vậy...
Mẹ tôi nghẹn ngào, bật khóc...Tôi vùng vằng khoác ba lô
lên vai, bỏ mặc mẹ và chị trở lên thành phố, thâm tâm
không chịu chấp nhận một người chị là les.
Ba tháng sau, tôi sơ ý gây tai nạn cho một cậu bé phải
nhập viện, nên tôi bị công an tạm giữ.Chị tôi đi cùng
bà Tư lên thành phố.Gặp chị, tôi choáng... Bà Tư động
viên tôi, rồi vào bệnh viện, chăm sóc thuốc men, thương
lượng với nạn nhân bãi nại cho tôi. Mừng tôi thoát nạn,
chị đãi tôi một chầu phở. Tôi vừa ăn, vừa xúc động
nhìn bà Tư xúc từng thìa thức ăn cho chị , lòng se lại...Mấy
ngày ở thành phố, bà Tư đưa chị tôi đi khắp nơi, từ
bến Nhà Rồng đến dinh Thống Nhất, công viên Tao Đàn,
sở thú...Về nhà, chị say sưa kể lại cho tôi nghe, chị
còn khoe, chị đã đi Dốc Lếch ở Ninh Hòa, hòn Tằm, hòn
Tre ở Nha Trang, hồ hởi, chị tiếp:
- Mai mốt có tiền chị sẽ ra Hà Nội thăm Lăng Bác, lên
Sapa xem tuyết rơi, sang Trung Quốc để ăn cao lầu...
Tôi thấy, mắt chị sáng ngời hạnh phúc.Ngày về, chị
dúi cho tôi một nắm tiền, chị bảo: tiền chị đi bán
vé số kiếm được. Tôi chợt nhớ, khoản tiền mẹ đóng
học phí cho tôi, nên hỏi:
- Chị Hai! Tiền đâu mẹ đóng học phí cho em?
Chị nhìn bà Tư cười, bà Tư chậm rãi nói:
- Tiền của tôi chưa dùng đến, tôi cho em mượn, mai này
em làm ông bác sĩ, em trả lại cho tôi...
Nói xong, bà cười hềnh hệch, trong lúc, tai tôi , mặt tôi
nóng bừng.
Ít lâu sau, mẹ tôi bán nhà để lo việc ăn học của tôi.
Bà Tư nhờ buôn bán giỏi giang cũng đã sửa sang được
túp lều thành căn nhà khang trang, bà đón mẹ tôi và chị
Hai về ở chung, họ nhận một bé gái mồ côi về nuôi.
Nghỉ hè, tôi về quê, hai cậu cháu rủ nhau đi tắm sông,
tôi mặc quần đùi cho cháu, chị Hai nhăn:
- Em đừng mặc áo quần con trai cho cháu!
Bà Tư cũng nhíu mày không bằng lòng. Tôi chợt hiểu, vì
cả chị tôi và bà Tư đều là những người đàn bà 100%.
Họ đã đến với nhau bằng một tình bạn.
Thái Việt