(Bài dự thi) - Đã lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại khẩu lệnh” Mệnh lệnh hành quân…, Hướng hành quân…; Vâng đội hình hành quân của cán bộ, công nhân viên Viện bỏng Quốc Gia chúng tôi trong chuyến du xuân hành hương về cội nguồn đã bắt đầu bằng nhịp điệu khẩn trương, thôi thúc như thế.
Về với Hương Sơn thăm nơi thành danh và mất của Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong dịp Tết Thượng nguyên này đối với chúng tôi không chỉ với mục đích tâm linh mà còn bằng sự kính trọng đối với một vị tông sư của nghề y, bằng sự biết ơn khi Viện chúng tôi được magn tên ông. Dịp dâng hương lần này còn co một ý nghĩa đặc biệt: Khánh thành tượng đài Lê Hữu Trác (một phần trong cụn di tích lịch sử Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác do Viện bỏng là chủ đầu tư) nhân dịp kỷ niệm 216 năm ngày mất của ông. Một lễ dâng hương thật trang trọng do uỷ bên nhân dân huyện Hương Sơn chủ trì, cùng với sự tham gia của rất đông đại biểu của các bệnh viện y học dân tộc trong và ngoài quân đội, các cơ quan dân chính đảng, nhân dân của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn và các tỉnh bạn.
Ngắm nhìn khu tượng đài hoành tráng với phần tượng cao trên 15m tạc bằng đá xanh nặng trên 60 tấn sừng sững trên lưng chừng núi Cánh diều, nhìn xuống sông Ngàn phố uốn lượn, có con đường Hồ Chí Minh chạy qua thật là một cảnh sác khó diễn tả được bằng lời. Trong tôi tràn ngập tình cảm choáng ngợp, không hiểu có phải do sự bề thế của khu tượng đài hay thân thế, sự nghiệp, cái tài, cái đức của một vị tông sư đã làm nên sự choáng ngợp ấy. “Nghề thuốc là một nghề cao quí, những ai kiến thực không đầy đủ, tâm không trong sáng thì đừng nên làm nghề này”câu nói đầy tính nhân văn của vị Đại danh y mấy năm trước đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Dời Hương sơn, đoàn xe chúng tôi lại tiến thẳng về một địa danh khác: Ngã ba Đồng Lộc. Ai đã có dịp về Hà Tĩnh mà không đến thăm địa danh này thì thật là một điều đáng tiếc. Đã mấy chục năm rồi, thời gian cứ trôi đi, nhiều việc đã chìm trong quên lãng, nhưng chiến công, sự tích anh hùng và cả những hy sinh mất mát của Ngã Ba Đồng Lộc thì không thể quên và không được để quên. Trong tiếng nức nở của bài thơ “Cúc ơi”, chúng tôi đã được chìm đắm trong cảm xúc bi thương mà hùng tráng của em hướng dẫn viên khi kể lại cho chúng tôi nghe lịch sử anh hùng của Ngã ba Đồng Lộc và sự hy sinh oanh liệt của mười cô gái trẻ nơi đây. Cây cỏ đã xanh tốt, hố bom đã nhỏ lại, mọi thứ đã đổi thay nhưng mười cô gái vẫn là mười cô gái, các chị đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước và giữ mãi tuổi xuân cho chính mình. Gạt đi những giọt nước mắt à sự bi thương, cả đoàn chúng tôi cùng hát vang bài hát “Những cô gái mở đường” trong tiếng vỗ tay rầm rập, như thể chúng tôi đang cùng các chị tiếp tục mở những con đường đi tới tương lai.
Lưu luyến dời xa Ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi về thăm khu di tích Nguyễn Du. Lẫn trong một vùng quê yên ả, chúng tôi bắt gặp một khung cảnh tĩnh lặng, một không gian rợp bóng cây. Dạo trên những con đường nhỏ chạy bao quanh khu di tích, chúng tôi được nghe kể lại về thân thế sự nghiệp của Nguyễn Du, về những đóng góp của dòng họ Nguyễn – Tiên Điền, một dòng họ đã có bao người góp công trị quốc, có bao người làm rạng danh nền văn hoá Việt Nam. Trong quán sách của khu di tích, tôi nghe như văng vẳng tiếng độc thơ, bình thơ của Ông. Tố Như ơi, không phải nghìn năm sau đâu, mà chúng tôi cũng không “khóc” ông đâu, chúng tôi chỉ biết cảm phục, nâng niu những vẫn thơ, những áng văn chương bất tuyệt của Ông. Qua thơ Ông, chúng tôi như nhìn được rõ hơn bản thân mình, càng thêm yêu đất nước, quê hương.
Trở về Quảng trườngHồ Chí Minh tại thành phố Vinh trong buổi chiều đẹp trời, giữa không gian khoáng đạt, ngắm tượng Bác đứng đó, tôi lại suy ngẫm về câu Địa Linh – Nhân kiệt. Một vùng quê mà có biết bao địa danh, con người nổi tiếng, tạo dựng nên truyền thống, cốt cách con người Việt Nam. Còn biết bao vùng quê cũng có Địa linh – Nhân kiệt mà chúng tôi chưa được đi, chưa được biết? Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước của dân tội ta có biết bao điều cần phải tìm hiểu , cần phải học hỏi, cần phải xây dựng. Ngày mai chúng tôi lại lên đường hành quân về Viện để tiếp tục những ngày làm việc mới. Và tôi biết rằng, dù không nói ra nhưng cả đoàn chúng tôi ai cũng thu nhận được một điều gì đó. Một chuyến “Du xuân” thật là có ý nghĩa. Quá khứ – Hiện tại – Tương lai như hoà quyện, đan xen vào nhau, nén lại trong một chuyến đi ngắn, như một nguồn năng lượng vô hình nạp vào trong tâm tư, tình cảm của mỗi người chúng tôi, tiếp sức cho chúng tôi hoàn thành tốt hơn các công việc của mình.
Tôi tin rằng ngọn lửa nhiệt tình đều có trong mỗi con người chúng ta, những chuyến đi như thế này thật sự có ý nghĩa khai tâm, khai sáng, thổi cho những ngọn lửa ấy cháy mãi không ngừng.
Ngày 06 tháng 3 năm 2007
Trương Hoàng Thành