Lại phải nói về tác giả thiết kế cầu Long Biên

09:21 17/10/2009

(TT&VH) - 1. Lễ hội nghệ thuật Ký ức cầu Long Biên chỉ diễn ra trong hai ngày 10 và 11 tháng 10 vừa qua nhưng cũng đã thu hút khá đông người dân và các phương tiện thông tin đại chúng tham dự.

Một trong những mục đích của Lễ hội nghệ thuật Ký ức cầu Long Biên là tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hoá của cây cầu hơn 100 tuổi. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ muốn lưu ý đến một chi tiết nhỏ có thể gây hiểu lầm. Đó là việc Ban Tổ chức của Lễ hội nghệ thuật Ký ức cầu Long Biên đã cho in tờ gấp giới thiệu về Lễ hội có ghi rằng: “Cầu Long Biên được công ty Daydé và Pillé khởi công xây dựng vào năm 1898, hoàn thành năm 1902... cây cầu tượng trưng cho vẻ đẹp của các công trình kiến trúc lúc bấy giờ được kết cấu theo kiến trúc của Gustave Eiffel”.


Cách viết đó có thể khiến độc giả suy luận rằng kiến trúc của cây cầu là do Gustave Eiffel thiết kế. Trong khi đó thực chất, tác giả thiết kế và thi công của cây cầu này là các kỹ sư của hãng Daydé và Pillé.


Một góc của bản vẽ số 10. Đề án B, nhịp cầu dài 51m200
 mặt cắt dọc với con dấu và chữ ký của Daydé&Pillé.
Hồ sơ số 6531, phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ.


Không thể thấy cây cầu được làm bằng thép, cũng có những nhịp mái vươn cao tuơng tự kiểu tháp Eiffel mà cho rằng do ông G. Eiffel thiết kế. Nên biết rằng ở Pháp, từ giữa thế kỷ 19, công nghệ xây dựng các công trình bằng thép đã có những bước phát triển mạnh mẽ và không chỉ có một mình ông G. Eiffel là kỹ sư- chuyên gia duy nhất về lĩnh vực này.

2. Thông tin khiến độc giả hiểu rằng kỹ sư Eiffel hoặc Công ty mang tên ông là tác giả thiết kế cầu Long Biên không phải gần đây mới xuất hiện mà đã có từ cách đây khá lâu. Gần 10 năm trước đây, trong một cuộc thi của chương trình Đường lên đỉnh Olimpia, đáp án cho câu hỏi “Ai là tác giả thiết kế cầu Long Biên?” của Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng đó là Gustave Eiffel. Vì thế, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã có một bài viết để góp ý về thông tin trên (bài Những điều mới biết qua nhịp cầu Long Biên lịch sử - Lê Huy Tuấn - báo Người Hà Nội, số 1 + 2 + 3, trang 32, ngày 1/1/2001). Sau đó không lâu, cũng vì lại thấy thông tin sai lệch trên, chúng tôi lại viết một bài nữa trên tạp chí Xưa và Nay (số 97, năm 2001, trang 37 - 39) với nhan đề “Ai là tác giả thiết kế cầu Long Biên? - Vũ Văn Thuyên”.

    Vào năm 1897có 6 hãng tham gia đấu thầu. Hãng Daydé&Pillé tham gia với hai đề án thì đề án B (Projet B) đã được chọn chính thức (xem ảnh bản vẽ minh hoạ). Hãng Eiffel, lúc đó mang tên Levallois- Perret cũng tham gia đấu thầu nhưng không được chọn. Chỉ đến năm 1938 hãng Eiffel mới được chọn để thực hiện hợp đồng gia cố thêm các thanh dầm nhằm nâng tải trọng của cầu.

Gần đây, trên một số báo viết và báo điện tử thỉnh thoảng vẫn lặp lại thông tin sai lệch này, ví dụ trên báo điện tử Hà Nội Mới, ngày 10/10/2009 có nêu cầu Long Biên do Eiffel thiết kế.


Ngày 20/8/2008 Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I trong mục Thư trao đổi của tờ Thể thao & Văn hoá, số 233 đã có bài khẳng định “Cầu Long Biên không phải do hãng Eiffel thiết kế - Nguyễn Thu Hằng”. Chúng tôi, những người làm công tác lưu giữ những tài liệu lưu trữ quốc gia luôn nhận thấy rằng mỗi khi nói hoặc viết đến lịch sử, chúng ta càng cần phải nghiên cứu kỹ và thận trọng các tài liệu gốc có liên quan đến các sự kiện, các nhân vật lịch sử.

3. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I là công bố và giới thiệu tài liệu lưu trữ. Trong dịp kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội vùa qua, chúng tôi có sự phối hợp với Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội - Đại sứ quán Pháp và Tổng cục Lưu trữ Pháp tổ chức Triển lãm Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội (1875 - 1945) từ ngày 1/10 đến ngày 16/10/2009 tại 24 phố Tràng Tiền. Trong số các tài liệu lưu trữ đưa ra Triển lãm mà chúng tôi đã lựa chọn để trưng bày có 2 bản vẽ thiết kế cầu Long Biên với những chữ ký gốc của các kỹ sư Daydé & Pillé và chữ ký gốc phê duyệt bản vẽ của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Chúng tôi cũng đã phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới để in cuốn sách các tài liệu lưu trữ của cuộc Triển lãm này. Cuốn sách và cuộc Triển lãm của chúng tôi đã được nhiều người xem, các kiến trúc sư cũng như các nhà nghiên cứu đánh giá cao về nội dung.

Lê Huy Tuấn (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link