Để người Việt dùng hàng Việt: Cần giải quyết căn nguyên của vấn đề

11:24 18/10/2009

(TT&VH) - Trong “Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2009 – 2010” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2009 (WEF), năng lực cạnh tranh Việt Nam tụt 5 bậc từ 70 xuống 75.

Như vậy, chỉ báo “thắng thua” của cuộc đấu tranh giành lại thị trường nội địa (sản xuất ra được thứ hàng nội có khả năng cạnh tranh so với các quốc gia khác chứ không chỉ trong nước) nằm trong năng lực cạnh tranh quốc gia năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam tụt hạng.

Cần phân biệt hàng nội với hàng nội “giả vờ”

Trăm năm đã qua kể từ khi các cụ mở phong trào Duy Tân tận đầu thế kỷ trước, khi đó các bậc túc nho đạo cao đức trọng, choáng ngợp trước sức mạnh khoa học công nghệ và hàng hóa tân kỳ của phương Tây, đã quyết vứt bút lông để dùng bút sắt, bỏ thi cử quan trường với cử nhân và “tiến sỹ giấy” để bước vào cuộc kinh doanh. Các cụ quyết học cái mới, theo cách mới và ứng dụng ngay vào nơi thương trường. Ở đó, lúc thời buổi gió Á mưa Âu các cụ mới ngộ ra rằng để làm ra một thứ hàng tốt đã khó, để người ta mua hàng của mình còn khó hơn gấp bội phần. Cụ cử Lương Văn Can sau khi khởi xướng phong trào Duy Tân đã đúc kết 10 điểm yếu của thương nhân Việt: Không có thương phẩm; Không có thương hội; Không có uy tín; Không có kiên tâm; Không có nghị lực; Không biết trọng nghệ; Không có thương học; Kém đường giao thiệp; Không biết tiết kiệm; Khinh nội hóa.

Lúc đó xem ra chỉ có lòng yêu nước là cái có thể huy động được cho công cuộc chấn hưng công thương nghiệp nước nhà nên các cụ dấy lên phong trào người Việt dùng hàng Việt. Có thêm niềm mong mỏi nữa là sau khi nước nhà độc lập thì công cuộc này sẽ hoàn tất trọn vẹn.

Năm nay chúng ta lại có phong trào Người Việt dùng hàng Việt. Khoảng cách trăm năm tuy chỉ là một cái chớp mắt của lịch sử nhưng đã có biết bao thăng trầm xảy ra cho dân tộc Việt: những cuộc chiến tranh thế giới, những cuộc chiến chống ngoại xâm thống nhất đất nước, những mô hình phát triển từ tập trung kế hoạch hóa đến kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa với những hy vọng, viễn cảnh tươi sáng… Để rồi sau khi gia nhập WTO và chạm cơn sóng dữ đầu tiên là khủng hoảng tài chính toàn cầu thì Việt Nam mới ngỡ ngàng nhận thức sâu sắc rằng hóa ra thị trường nội địa của mình đang bị xâm chiếm toàn diện. Hóa ra cuộc xâm lăng thời hiện đại chủ yếu là xâm chiếm thị trường trong khuôn khổ các định chế thương mại toàn cầu hóa chứ mấy khi người ta mang súng ống đi choảng vào đầu nhau. Mà hàng nội quay trở lại với thị trường nội địa cũng đâu có dễ.

Cần nhiều chính sách hơn nữa để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt


Nhưng hàng nội là gì? Với các cụ ngày xưa thì câu trả lời quá đơn giản: đó là hàng do người Việt ta sản xuất. Còn ngày nay, khi toàn cầu hóa khiến cho bất cứ sản phẩm nào làm ra cũng có thể có các cấu thành xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau, thì hàng nội hóa là cái khó xác định. Đến hạt lúa làm ra còn có phân bón ngoại nhập, chở đi đến cho người tiêu dùng bằng ô tô ngoại nhập. Nên nếu chúng ta tạm coi hàng có hơn 50% giá trị được sản xuất trong nước là hàng nội (dù trong những cấu thành làm nên sản phẩm đó còn có bao nhiêu xuất xứ thuần Việt lại đang còn là vấn đề tạm bỏ ngỏ) thì cũng thật không ổn? Vậy thì nên chăng coi hàng Việt là hàng do một người chủ Việt (cả tư nhân, tập thể lẫn nhà nước) có một thương hiệu Việt làm ra.

Tuy nhiên, thực tế hôm nay còn có rất nhiều hãng liên doanh hoặc nước ngoài ở Việt Nam đang tham gia vào sản xuất cung ứng hàng tiêu dùng phục vụ cho thị trường nội địa. Vậy thì xác định như thế nào những hàng đó? Về lý thuyết, có hai cực ở đây: Thứ nhất là những hàng đưa ra thị trường có sử dụng về cơ bản những nguyên vật liệu làm ra ở Việt Nam; Thứ hai những hàng sử dụng về cơ bản những nguyên vật liệu, phụ kiện làm ra ở nước ngoài. Loại thứ nhất cần được xem là hàng nội và loại thứ hai cần xem là hàng ngoại “giả vờ” hàng nội.

Đi tìm căn nguyên vấn đề

Nếu không xét tới loại hàng nội “giả vờ”, chỉ nhìn vào những hàng nội đang có chúng ta có thể thấy nhóm này bị phân chia thành hai nhóm khác biệt: nhóm thứ nhất đang chật vật để giành một chỗ xứng đáng trên thị trường vốn là của mình trong khi nhóm thứ hai xâm chiếm mạnh mẽ thị trường. Tức là trong khi các điều kiện đại khái như nhau, vẫn những nguyên vật liệu do xứ sở này cung cấp và nhân lực cũng chủ yếu do người Việt tham gia nhưng sự khác nhau về trình độ công nghệ, cách thức quản lý trong các doanh nghiệp và sự bảo hộ pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động. Và kết quả rất khác nhau.

Trước hết công nghệ ứng dụng sẽ tùy thuộc vào việc chúng ta lựa chọn công nghệ nào và khả năng chúng ta phát minh, cải tiến chúng ra sao để đưa vào sản xuất. Sự hạn chế về khoa học công nghệ chung của nước nhà cũng như của những nhà quản lý được bổ nhiệm trong các doanh nghiệp nhà nước, nhóm chiếm đa số nguồn vốn quốc gia dành cho phát triển, đã hạn chế chúng ta tiếp cận với các công nghệ mới và càng ít có khả năng sáng tạo cái mới. Và có lẽ không cần nói ai cũng hiểu rằng sức cạnh tranh của hàng hóa trước hết tùy thuộc vào trình độ công nghệ, nếu công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam kém thì sức cạnh tranh suy giảm là điều đương nhiên.

Tiếp đó, là cung cách quản lý một doanh nghiệp, cách quản lý nhằm vào thị trường khách cách quản lý nhằm vào thực hiện kế hoạch ở chỗ rất cơ bản là nhằm và khoa học kỹ thuật và sử dụng người tài. Các doanh nghiệp lớn Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước nên quan tâm đến ứng xử, thứ bậc nhiều hơn là quan tâm đến sử dụng người tài. Vì vậy giới chuyên gia giỏi khó tồn tại được trong các doanh nghiệp đó với thu nhập cào bằng và những ứng xử ngoài chuyên môn. Nhiều người tài phải bật bãi khỏi các doanh nghiệp nhà nước vẫn là chuyện quá thường trong khi các doanh nghiệp tư nhân còn quá nhỏ để sử dụng hết kiến thức và kỹ năng của họ. Cứ nhìn những thông tin về ông Hai lúa chế máy bay trực thăng hay anh nông dân làm ra cái máy gì gì đó thì mới phải ngậm ngùi cho số những người có bằng cấp đại học, thạc sỹ, tiến sỹ mà Việt Nam có không biết hiện đang lang thang ở đâu và làm gì?

Cuối cùng một doanh nghiệp ở Việt Nam tồn tại trong một môi trường tuy đã được cải thiện nhiều nhưng còn rất bấp bênh. Doanh nghiệp vẫn đang được nhìn nhận như là đối tượng để hành và để nộp. Các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài, với vị thế của mình, tương đối ít bị ảnh hưởng hơn bởi những sự vô lý của môi trường. Hơn thế, họ vẫn có một khung pháp lý khác để khi cùng cấp vẫn có thể sử dụng được. Sự ổn định này cho phép họ đầu tư mạnh tay hơn và cũng sống chết hơn với doanh nghiệp chứ không có sự “ăn xổi ở thì” như ở không ít doanh nghiệp thuần Việt.

Giải quyết như thế nào để lấp sự khác biệt giữ hai nhóm hàng nội để hàng nội có sức cạnh tranh như nhau, và điểm tận cùng của người Việt dùng hàng Việt là hàng hóa Việt phải có sức cạnh tranh, trước hết là trên thị trường nước nhà và sau đó là trên thế giới. Các cụ thời Duy Tân đã cố tìm lời giải trong việc cải cách giáo dục hướng mạnh vào khoa học và công nghệ, định hướng vào thực tiễn thương trường để tạo nên giá trị hiện đại. Hiện nay, hình như chúng ta đi ngược lại sau khi rất cố gắng phát triển doanh nghiệp và thương trường mới thấy rằng cần định hướng tiếp vào phát triển giáo dục và khoa học đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Và trong khi chuyển đổi cũng có bất cập: Trong khi các cụ cố cải bỏ lối học để làm quan thì chúng ta vẫn còn mắc phải mà quên mất mục tiêu là đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thị trường, như Thành phố Hà Nội đang định “tiến sĩ hóa” quan chức của mình là một ví dụ.

Người Nhật Bản trước đây đã ngộ ra vấn đề không đơn giản là phát triển khoa học và công nghệ, mà là các thiết chế tổ chức xã hội có cho phép ứng dụng khoa học và công nghệ hay không. Nếu thế thì công cuộc người Việt dùng hàng Việt của chúng ta cần những cải cách sâu rộng hơn là những gì chúng ta đang cố gắng. Tức là cần giải quyết tận gốc vấn đề để doanh nghiệp và khoa học công nghệ có thể tồn tại và phục vụ cho nhu cầu của người dân Việt.

Việc năng lực cạnh tranh của hàng Việt tụt dốc trong ba năm vừa qua, dù nhiều người cố tự an ủi rằng chúng ta đã có cải tiến nhiều nhưng tụt bậc vì các nước khác lại cải tổ nhiều hơn, nhưng dù thế nào đi nữa thì chỉ báo đó cũng cho thấy là hàng nội ngày một gặp khó khăn hơn khi cạnh tranh với hàng ngoại để giành tình cảm cho người mua. Ở đây cần những biện pháp quyết liệt và cụ thể hơn là những gì các cụ thời Duy Tân đã làm vì Việt Nam giờ đây đã là quốc gia độc lập, có đủ điều kiện và trách nhiệm để giúp cho người Việt được dùng hàng Việt.

Phạm Bích San (Phó Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link