Bất ngờ bã mía xuất khẩu
10:20 23/10/2009
(Bài dự thi) - Năm 2008, trong quá trình tìm kiếm nguồn hàng gia dụng, hàng may mặc và hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường một số quốc gia châu Á, tôi có nhận được một đơn hàng đề nghị báo giá xuất khẩu sản phẩm bã mía.
Nói đến cây mía ở Việt nam, chúng ta thường nghĩ ngay đến các sản phẩm gắn liền với nó như là đường, mật. Thêm một chút nữa là nghĩ đến thứ nước uống giải khát quen thuộc ngày hè nóng nực là nước mía đá được bày bán trên các vỉa hè hoặc trong các xe đẩy tay bán dạo phố tại các trung tâm đô thị hoặc thành phố lớn trên cả nước.
Hồi còn bé, thi thoảng chúng tôi ốm đau hoặc bệnh tật gì đó, nếu được một hai tấm "mía lùi" - mía vùi cả tấm vào trong than bếp ủ - thì thích lắm. Nếu như chưa được thưởng thức hương vị món này thì sẽ khó có thể hiểu được câu thành ngữ "Ngọt như mía lùi".
Thế còn bã mía thì sao ? Sau khi các nhà máy hay các cơ sở sản xuất ép mía lấy nước rồi thì bã mía họ xử lý thế nào ? Các cách phổ biến thường làm như sau :
- Làm thức ăn cho trâu bò (đối với các vùng, các hộ chăn nuôi).
- Phơi khô làm chất đốt đun nấu hàng ngày (các gia đình sống tại khu vực thiếu nguồn chất đốt tận dụng tiết kiệm)
- Các cửa hàng bán giải khát sau khi ép lấy nước xong thường đem vứt bỏ, vừa bẩn vừa mất vệ sinh vì ruồi muỗi "đánh hơi" thấy mùi mật, chỉ khổ công ty môi trường đô thị khi thu gom rác thải tập trung về bãi xử lý.
Ở ta thì thường là như thế, vậy thì nước ngoài họ nhập khẩu sản phẩm này làm gì nhỉ ?. Tôi đem câu hỏi này liên hệ một số công ty chế biến mía đường ở phía Bắc hy vọng có câu trả lời. Nhưng đa số đều cho rằng tôi "hài hước" bởi vì làm gì có ai đi nhập khẩu bã mía bao giờ ?
Sản phẩm bã mía sấy khô ép kiện
Loanh quanh rồi cũng tìm được đáp án. Tôi liên hệ được một đối tác dưới Hải phòng - một công ty chuyên sản xuất bã mía sấy khô ép thành kiện xuất khẩu. Tìm hiểu thêm thì được biết quy trình sản xuất bã mía xuất khẩu không đơn giản nhưng cũng không phải quá khó để làm ra sản phẩm theo yêu cầu. Bã mía nguyên liệu sau khi thu gom sẽ được đưa vào ủ lên men hoặc không ủ, sau khi đủ thời gian sẽ chuyển thành màu đen nhìn giống như mùn rác.
Sau đó sẽ được đưa vào lò sấy khô tùy theo yêu cầu của khách hàng, ra khỏi lò sấy thì chuyển qua ép thành kiện hình chữ nhật trọng lượng tùy theo yêu cầu - mức thông dụng là 20kg/kiện - sau đó đóng vào bao bì để xuất khẩu. Dây chuyền công nghệ đầu tư ban đầu không quá nhiều vấn đề chính là đảm bảo được đầu ra ổn định, hợp lý là quan trọng. Một số quốc gia như Nhật bản, Hàn quốc nhập khẩu bã mía về làm thức ăn chăn nuôi cho trâu, bò...Sau khi đã thành công một hợp đồng, họ còn đề nghị chúng tôi tìm hiểu chào bán loại bã mía sấy khô nhưng đã được ép thành viên giống như viên thuốc con nhộng, được đóng gói trong túi PVC trông rất đẹp, nếu như mới nhìn chẳng ai biết được đó là bã mía sấy khô cả. Hay thật, từ một thứ mà ai cũng nghĩ là bỏ đi thế nhưng chỉ cần trải qua một quy trình công nghệ chế biến, đóng gói đã ra được một sản phẩm có thể xuất khẩu. Chúng ta vừa giải quyết được vấn đề rác thải, vừa thu được ngoại tệ, tạo thêm được công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho bà con nông dân vùng trồng mía. Vấn đề là phải thay đổi cách nhìn, cách đánh giá và quan trọng phải liên tục cập nhật thông tin từ khách hàng, quy trình công nghệ ở các quốc gia phát triển thì chắc chắn chúng ta sẽ làm ra được nhiều sản phẩm khác từ những thứ tưởng chừng bỏ đi như bã mía.Mong rằng những sản phẩm như trên sẽ được các cơ quan bộ ngành tạo điều kiện phát triển vì trong điều kiện như nước ta hiện nay thì nguồn nguyên liệu như bã mía còn rất nhiều tiềm năng.Đào Quốc Thắng