Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim
08:36 24/10/2009
(Bài dự thi) - Thuở còn đi học, tôi rất thích câu hát ru của mẹ ru em ngủ: “Một mai ai chớ bỏ ai/ Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim ”. Đó là câu hát ca ngợi đức tính thủy chung, cần mẫn của người Việt, qua đó ta cũng thấy được cái nghề thêu đã tồn tại ở nước ta cả hàng trăm năm trước…
Không phải ngẫu nhiên mà trong chương trình học phổ thông từ trước, các em nữ sinh đã được dạy về thêu thùa may vá. Đó là một trong những công việc để hoàn thiện những đức tính công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ, đồng thời rèn luyện sự tỉ mỉ khéo tay mà người phụ nữ nào cũng cần phải có. Thật thú vị khi biết rằng, ông tổ nghề thêu ở nước ta không phải là…một phụ nữ! Sử cũ chép rằng, ông tổ nghề thêu tên là Lê Công Hành, sinh năm 1606 tại Thường Tín (Hà Đông). Theo thần phả, tổ tiên ông là người họ Mạc. Khi nhà Mạc bị nhà Lê đánh bại, sợ bị trả thù ông phải đổi sang họ ngoại là họ Trần, sau vì có công nên được nhà Lê ban quốc tính họ Lê.
Ông thi đỗ Tiến sĩ vào thời vua Lê Chân Tông (1643-1649), năm 1646 được cử đi sứ sang Trung Quốc. Giai thoại kể rằng, vì thấy ông là người thông minh nên họ đã bày kế nhốt ông trên một cái lầu cao. Trên đó chỉ bày một pho tượng bằng đất, một bức nghi môn và hai cái lọng. Mấy ngày sau, ông đã đến gần pho tượng và ngửi thấy mùi bánh khảo quê ông, nên đã bẻ tượng ra để ăn cho khỏi đói. Thời gian sau đó, ông hạ bức nghi môn xuống, tháo ra, quan sát tỉ mỉ từng sợi chỉ, chiêm nghiệm, nhớ kỹ cách thêu thùa như thế nào để khi về nước truyền dạy cho người Việt. Ở trên lầu một thời gian không thấy ai mang thang lại cho xuống, vì thế, ông nghĩ ra cách kẹp hai cái lọng vào hai bên mình mà nhảy xuống. Triều đình nhà Minh thừa nhận ông là người thật sự thông minh, vì thế buộc phải để ông về nước…
Nghề thêu nước ta phát triển kể từ ngày đó, nhưng suốt thời phong kiến, đó là một trong những nghề phục vụ cho vua chúa và giới quý tộc. Đầu thế kỷ XIX, nghề thêu ở miền Bắc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng có những bước phát triển đáng khích lệ. Tác giả Henry Oger khi trình bày tác phẩm “Kỹ thuật của người An Nam” đã viết:
“Người Âu châu sống ở Bắc Kỳ, khi muốn làm quà tặng hay mang kỷ niệm thời gian ở đây đều không quên đem về Pháp vài đồ thêu của người bản xứ. Mặt khác, sự giàu có của tầng lớp trung lưu đã tăng lên đáng kể dù người ta có nói gì đi chăng nữa. Chúng ta biết rằng lụa thêu giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong nội thất của gia đình An Nam phong lưu. Vì thế từ 25 năm nay số lượng thợ thêu tăng lên đáng kể. Thật tiếc là chất lượng thêu chưa được tốt lắm…”
Sản phẩm thêu được hoàn thành bởi những chất liệu chỉ, vải do công sức sáng tạo của những người nghệ nhân Việt Nam. Những sợi chỉ lúc đó được nhuộm bằng công thức thủ công, với chất liệu hoàn toàn thiên nhiên như củ nâu, cây chàm, vỏ bàng, nước điệp, lá vông, đá mài, hoa hòe... khiến cho người nước ngoài phải cảm phục để nhận định rằng:
"…Nhìn những màu nước nhuộm của các cô thợ thấy thì có vẻ dơ dáy, nhưng không ngờ đến khi nhuộm xong, đều đủ hết một bảng màu vô cùng lạ lùng, tưởng như phù phép mới có được…".
Đa số phụ nữ cả nước đều biết thêu, tuy nhiên tập trung và có tính chuyên nghiệp từ lâu đời là ở Huế. Khi triều đại nhà Nguyễn xây dựng ở cố đô Huế, nghề thêu kết hợp với nghề làm lọng rất được coi trọng. Đến thế kỷ XX, bà Hoàng Thị Cúc, mẹ vua Bảo Đại, cùng với Nam Phương Hoàng hậu đã kết hợp những ưu điểm của kỹ thuật thêu châu Âu với những tinh hoa của nghệ thuật thêu châu Á để biến nó trở thành nghệ thuật thêu của cung đình, gắn liền với những đặc điểm thùy mị, tinh tế, tỉ mỉ của người con gái xứ Huế. Gabrielle, học giả người Pháp, chuyên nghiên cứu văn hóa Á Đông viết:
"...Nhiều nơi đã truyền lại cho con cháu những ngành nghề lạ lùng là vẽ hình bằng chỉ, làm cho bông sen, bông tử nở trên lụa, làm cho bươm bướm lượn trên mặt nước trong xanh. Người thợ thêu An Nam khéo léo hơn người thợ thêu Trung Quốc về đường kim mũi chỉ và cách pha màu sắc..."
Dần dần, sản phẩm thêu không còn bó hẹp chỉ phục vụ trong giới quan lại, quý tộc. Nó đã lan truyền ra dân gian và nhanh chóng lan tỏa khắp mọi miền đất nước, để rồi sau đó ít lâu đã trở thành một môn học phổ thông bắt buộc…
Trải qua bao thăng trầm, hiện nay nghề thêu đã có chỗ đứng. Nếu trước đây, chúng ta thường thấy các ấn phẩm thêu tay trong việc trang trí đồ dùng gia đình, hay trên các loại trang phục, nhưng gần đây, tranh thêu tay được thể hiện một cách phong phú, mang tính nghệ thuật rất cao. Đó là một sự kết hợp hài, sâu sắc của một tâm hồn nhạy cảm và đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ để cho ra đời một linh hồn mang thần sắc riêng trong một đời sống mới. Tranh thêu tay Việt Nam trải dài suốt từ Bắc đến Nam và toả sáng nơi khúc ruột miền Trung. Tùy từng vùng, từng nơi, có thể đó là những bức tranh thêu mang dáng vẻ lịch lãm của miền Bắc; nét phóng khoáng của miền Nam hoặc sự thâm trầm, tao nhã của đất Huế xưa…
Thợ thêu tranh bây giờ không chỉ là thiếu nữ, có nơi nhiều thanh niên cũng theo học nghề, đặc biệt nghề thêu đã cưu mang biết bao người có số phận không may hoặc bị khuyết tật, cho họ có được một cái nghề kiếm sống, từ đó hòa nhập được với cuộc sống cộng đồng.
Một nghệ nhân lão thành về nghề thêu ở Huế đã nói: “Bí mật trong nghề thêu gói gọn trong hai từ: “tâm” và “cần mẫn”. “Tâm sáng, lòng mới trong, lúc đó mới nắm được cái hồn trong từng bức tranh thêu. Cần mẫn của đôi tay, sáng tạo sẽ tạo nên những bức tranh thêu hoàn mỹ nhất …”. Chúng ta hy vọng rằng, nghề thêu tay và những nghề thủ công truyền thống khác đã và sẽ mãi mãi được tôn vinh, vì đó là nơi hội tụ những tài hoa đang đóng góp cho cuộc sống, cho vẻ đẹp dân tộc…
Thật là lịch sự và tao nhã biết bao khi bước vào một ngôi nhà, ở đó phòng khách được gia chủ trân trọng treo một vài bức tranh thêu đầy nghệ thuật, với những hình ảnh xinh đẹp của quê hương…
Tôn Thất Thọ