(Bài dự thi) - Đầu thế kỷ XX nước ta còn đang bị thực dân đô hộ, sản xuất hàng hóa của dân ta chủ yếu là các ngành nghề thủ công nghiệp, mang tính địa phương… Nghề buôn không được xã hội coi trọng, đứng hạng cuối của các giai tầng xã hội “sĩ, nông, công, thương”, vì thế trong một thời gian dài, thương nghiệp nước ta đã không thể phát triển…
Ý thức được vấn đề, một số nhà cách mạng Việt Nam, trong số đó có chí sĩ Lương Văn can (1854-1927 ) đã sáng lập nên trường Đông Kinh Nghĩa , mục đích để truyền bá những tư tưởng mới, cùng với khích lệ lòng ái quốc và chí tự cường của dân tộc. Thấy được nghề buôn nước ta đang bị đình đốn, ông đã viết 10 lời khuyên cho các nhà buôn. Nội dung vạch ra những điểm yếu, để từ đó có hướng khắc phục. Thương trường cũng như chiến trường, biết địch biết ta thì mới trăm trận trăm thắng.
10 điểm yếu của người Việt Nam khi làm nghề buôn. Đó là:
1. Người mình không có thương phẩm.
2. Không có thương hội: Cách thức lập hội chưa thạo, kẻ gian quyết mượn tiếng lập hội làm kế vơ vét thành ra thương hội chưa lập đã vỡ, cổ phần chưa họp đã tan.
3. Không có tín thực: cái ám muội của nhà buôn ta không thể nào tả hết được, chỉ xem ngạn ngữ ta rằng “thực thà cũng thể lái buôn” thời đủ biết được đức tính của lái buôn vậy. Cũng chính bởi cái lòng không tín thực ấy mà làm trở lực cho hàng hoá của ta không thể nào bán mạnh bằng hàng hoá các nước được.
4. Không có kiên tâm.
5. Không có nghị lực.
6. Không biết trọng nghề.
7. Không có thương học.
8. Kém đường giao thiệp: xem các nước đều có học tiếng Anh là tiếng vạn quốc thông dụng để đi đến nước nào cũng được tiện lợi và in những sách chiêu hàng phân phát cho nhiều người tiêu dùng.
9. Không biết tiết kiệm: làm ít tiêu nhiều, dư dật được ít nào đều bị cái phong trào xa xỉ nó cuốn đi cả. Bởi thế nên có nhiều người tháng này ôtô cáo cùng mà tháng trước vẫn ôtô song mã; lắm nhà ngày mai tịch ký mà ngày nay vẫn bày châu báu ngọc ngà, thật là chỉ choáng bề ngoài mà xấu bề trong, tốt bộ vỏ mà không có ruột. Trách nào vốn liếng mỗi ngày chẳng kém, sinh kế ngày càng quẫn bách.
10. Khinh nội hoá: khiến cho lợi quyền mất cả ra ngoài, trách nào nghề buôn mình chả kém các nước.
Đó là cách nói trong bối cảnh hơn một thế kỷ trước, khi đó hàng hóa nước ngoài không phải tràn ngập như bây giờ. Thiết nghĩ trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chúng ta đang có quan hệ thương mại với rất nhiều nước trên thế giới, vì thế, nhắc lại những lời khuyên trên thiết tưởng không phải là vô ích.
Muốn người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt, trước tiên nhà sản xuất phải tạo ra được sản phẩm có chất lượng, cũng như giá cả phù hợp với người tiêu dùng, lúc đó mới cạnh tranh với rất nhiều mặt hàng có nguồn gốc từ nước ngoài.Và cũng chỉ có như vậy, người tiêu dùng mới không ngoảnh mặt với sản phẩm Việt Nam.
Có điều cần nói ở đây, dường như mối quan hệ giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng, vẫn chưa được bền chặt , vẫn chưa có được tiếng nói chung. Các nhà sản xuất trong nước thường kinh doanh riêng lẻ, kiểu mạnh ai nấy làm, chứ chưa liên kết với nhau để tạo nên một hình ảnh tổng hợp, đủ năng lực để có thể áp đảo hàng ngoại, từ đó thuyết phục được người tiêu dùng. Có người cho rằng, đa số doanh nghiệp trong nước “ sản xuất những gì mình có” chứ không sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng”.Một số người còn mang tâm lý thu hút khách hàng bằng cách bán giá rẻ, “ tiền nào của nấy”, họ quên đi là hiện nay, người tiêu dùng sẳn sàng mua hàng với giá cao bằng hàng ngoại, nếu chất lượng có sự tương xứng. Và cũng đã qua rồi cái thời ăn chắc mặc bền, hàng hóa bây giờ cho dù chất lượng có tốt cỡ nào mà bao bì, mẫu mã không được cải tiến thì cũng khó để thu hút khách hàng.
Một điểm yếu đã có nguồn gốc từ lâu là các nhà sản xuất trong nước chưa chú trọng đến việc quảng bá thương hiệu của mình. Họ ngại cho việc chi phí quảng cáo, nhưng đó chính là yếu tố tác động đến tâm lý của người tiêu dùng.
Như đã nói ở trên, hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng đã có thu nhập khá và cao, vì thế họ không ngại mua hàng với giá cao. Người thợ trong nước cũng có thể tạo ra những sản phẩm tinh xảo không thua hàng ngoại, và vì thế bài toán còn lại là của người sản xuất…
Nhưng phải nhìn nhận rằng, vẫn có một bộ phận người Việt mang tâm lý sính hàng ngoại, đó cũng là lựccản cho hàng VN phát triển
10 điều khuyên trên như những lời góp ý rất chân tình cách nay hơn một thế kỷ. Thiết tưởng không phải là vô bổ đối với nhà sản xuất và cả với người tiêu dùng hiện nay…
Châu Quân