Bài học nhớ đời
08:52 10/11/2009
(Bài dự thi) - Hơn ba chục năm trước, nước ta nghèo cùng kiệt, xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu, cũng là tài sản lớn trong gia đình; xăm và lốp là phụ tùng mau hỏng phải thay nhiều nhất...
... Nắm bắt được nhu cầu này, Sở Công nghiệp đã chỉ đạo xí nghiệp tôi làm bằng được xăm lốp xe đạp mang thương hiệu CAO SU HẢI PHÒNG. Chúng tôi cử những kĩ sư và công nhân giỏi lên Hà Nội học tập từ thiết kế máy đến sao chép quy trình công nghệ, kể cả thiết bị cán, lưu hoá và kiểm tra chất lượng sản phẩm... Đều là cơ quan nhà nước (không có bí mật bản quyền, thương hiệu) nên mọi việc đều trôi chảy. Mấy tháng sau thành phố chúng tôi đã có một dây chuyền sản xuất xăm lốp xe đạp như của nhà máy cao su Sao Vàng có uy tín nhất nước, được mọi người tin cậy...
Những ngày này, mọi cơ quan xí nghiệp đều hưởng lương bằng “kế hoạch: Ba lợi ích”. Các nhà Xuất Bản in được hàng loạt sách: Tây Du; Thuỷ Hử... bằng giấy rơm vàng úa; văn phòng Quận uỷ cũng cũng có “Ban kinh tế” mua dầu dừa và “xút” về nấu xà phòng, “phân phối” cho xí nghiệp làm “bảo hộ lao động”. Nhiều xí nghiệp không biết làm gì thì tháo dỡ, thu gom sắt vụn bán lấy tiền tiền trả lương công nhân...
Xí nghiệp chúng tôi chuyên chế tạo sửa chữa các thiết bị chịu áp lực, không có hợp đồng làm việc bây giờ làm xăm lốp xe đạp cũng hợp lí.
Mấy tháng liền làm thí nghiệm kiểm tra nghiêm ngặt, sản phẩm xuất xưởng khá ổn định, xăm lốp đợt đầu phân phối nội bộ trong ngành, mọi người lắp vào xe đi thử mang lại kết quả tốt đẹp trở thành mặt hàng ăn khách nhất. Một cán bộ có đôi lốp đi mòn hết “talông” vẫn có người “sính” chơi hàng độc xin mua lại với giá như mới. Nhà máy làm ăn phát đạt, tiền lương lĩnh đúng kì, tiền thưởng tháng sau cao hơn tháng trước.
Nhưng không thể ngờ sự việc lại xoay theo hướng khác.
Khởi sự là tiền thưởng không công bằng (?), công nhân trực tiếp thì cho rằng mình vất vả ngày đêm mà không bằng bộ phận phụ trợ, nảy sinh ra việc lược bỏ quy trình công nghệ để năng suất cao hơn mới có tiền thưởng nhiều; bộ phận cung cấp vật tư thì chọn vật tư đơn giá thấp nhất để có hoa hồng cao, lấy chênh lệch coi đó là tiền thưởng cho chính mình...
Những kĩ sư giỏi và thợ lành nghề bị kẻ trục lợi bòn rút công nghệ bằng một bữa cơm bụi và tự cứu lấy mình bằng cách về nhà làm “chui” một kiểu chắp vá để ra chính sản phẩm ấy.
Điều then chốt thất bại này lại chính là việc KCS loại ra hàng thứ phẩm khá nhiều, huỷ đi thì tiếc. Công đoàn nhà máy đề xuất bán rẻ cho “những nhân tố tích cực (?), những công nhân có gia đình ở xa để đi làm hành ngày (?)” Chủ chương nghe thì hợp lí, nhưng thực tiễn thì trái ngược hoàn toàn khi người khôn của hiếm, cả nhà máy ai cũng được thêm một vài đôi xăm lốp nhưng chẳng ai chịu dùng hàng thứ phẩm này...
Cán bộ chủ chốt các phòng ban lại vượt rào lén lút xin KCS đóng thêm dấu “chính phẩm” (để bán được giá cao). Hết giờ làm việc, ai ra khỏi cổng nhà máy cũng mang hai ba cái về nhà bán cho hàng xóm; vào tay “phe” cao thủ, con dấu hình thoi được lau sạch và in dấu hình ô van “chính phẩm” giống y trang xăm lốp mới xuất xưởng.
Xăm lốp CAO SU HẢI PHÒNG đợt đầu bán đắt như tôm tươi, phải phân phối, phải xếp hành dài mới mua được. Nhiều người buôn đi bán lại đội giá lên rất cao vẫn có người lăn vào mua. Nhưng bây giờ, thị trường hàng thứ phẩm tràn ngập, hàng làm “chui” nhan nhản sử dụng chưa được bao lâu đã bong rộp vỡ rách. Nhiều người nhìn thấy CAO SU HẢI PHÒNG là căm ghét vì đã quá tin chất lượng đợt đầu, vì đã chi khoản tiền lớn để mua bằng được...
Sau những ngày sóng gió ấy, hàng “chính phẩm” xăm lốp CAO SU HẢI PHÒNG bầy bán tự do cũng không ai thèm mua.
- Thế là chấm hết! Bạn tôi buông một câu não nuột sau khi kể lại sự việc những năm trước- Đó là bài học nhớ đời- Ông như đã tự mổ xẻ chính con người mình mà đau xót như đã tổng kết:
- Ngày ấy đầu óc chúng ta quá nông cạn, quá ấu trĩ về sản xuất kinh doanh dẫn đến thất bại một sản phẩm. Đúng ra sản phẩm đó phải là thế mạnh của doanh nghiệp vì nó hội tụ đủ mọi điều kiện thuận lợi để đứng vững cho đến tận ngày nay.( Xăm lốp xe đạp bao giờ cũng vật dụng cần thiết cho xã hội. Nhất là thời kì này khuyến khích thể thao, chống ô nhiễm môi trường...)
Sau thời kỳ sóng gió ấy, bây giờ tôi đang giúp việc thằng con sản xuất ống cau su chống va đập cho các tàu biển, đạt tiêu chuẩn quốc tế. (Loại ống treo trên mạn tàu thay cho những lốp xe ô tô cũ không đạt yêu cầu) Đơn đặt hàng thì nhiều mà không dám nhận hết vì nhà xưởng, vốn liếng và bao nhiêu thứ nhiêu khê khác bất thành văn. Tôi mơ ước một ngày không xa nữa, sẽ có những doanh nhân, những tập đoàn lớn sử dụng hết nguyên liệu cao su trong nước làm ra sản phẩm phục vụ mọi nhu cầu của xã hội, chứ hàng năm cứ bán đi 700.000 tấn(*) cao su thô ra nước ngoài thấy như mất mát đến đau đớn mà không biết vì đâu? Đến bao giờ mới tìm lại thời hoàng kim của hàng CAO SU VIỆT NAM(?)
Tôi mừng vui vì bạn tôi tìm lại được chính mình, cũng như xã hội đã thực hiện cơ chế thị trường... Chắc chắn sẽ có tập đoàn lớn như ta mong đợi!
Lê Hà (Hải Phòng)