Người Việt dùng điện Việt là yêu nước
15:27 12/11/2009
(Bài dự thi) - Trong mọi mặt hàng mà chúng ta tiêu thụ, có lẽ cái khoản dùng điện là mặt hàng “thuần Việt “ nhất. Đúng vậy, tuy nước ta có mua một chút điện ngọai, nhập pin ngoại nhưng phải trên 90 % số điện ta dùng là điện Việt chính cống. Nếu chỉ xét về mặt “ta dùng hàng ta” để đánh giá thì về khoản này, người Việt đã hăng hái sử dụng hàng nội địa “Made in Vietnam” một cách nhiệt thành nhất, là những người yêu nước nhất.
Vậy nhưng không hẳn là vậy.
Ngoài ngành điện nội độc quyền, dùng máy phát điện riêng, đố ai mua được điện ngoại do ngành điện lực nhà nước quản lý.
Cứ xem cách dùng “điện chùa” của các cơ quan nhà nước hiện nay thì thấy: hầu như đâu đâu người ta cũng thi nhau sắm máy điều hòa nóng lạnh, các máy đun nước nóng và muôn vàn dụng cụ dùng điện trang bị cho văn phòng, công sở và công trình công cộng. Cách quản lí tiêu dùng điện của các công sở cũng thật lạ lùng, ai muốn dùng bao nhiêu thì cứ thỏa sức. Ra khỏi phòng vẫn để quạt điện, đèn điện, máy điều hòa chạy mặc sức coi như chỗ không người. Lắm người còn tranh thủ mùa nóng đến cơ quan mở điều hòa ngủ cho mát, mùa lạnh đến cơ quan sưởi cho ấm, dùng nước nóng tắm xả láng. Tệ hơn nữa, khối anh còn bỏ xe máy ở nhà, sắm xe đạp điện, đến cơ quan cho xe vào phòng đóng cửa sạc “điện chùa” thỏa thích. Tất cả đã có Nhà nước chi, “điện chùa” mà !
Trong thiết kế xây dựng, chẳng mấy nhà thiết kế quan tâm xây công trình sao cho tiết kiệm năng lượng. Xứ nóng quanh năm mà xây lắm công trình bốn bề kín mít toàn kính trong suốt. Nắng trời qua cái lồng kính khổng lồ tha hồ nung nóng cả tòa dinh thự lớn. Từ sáng dến chiều, nhà nóng như rang bởi nắng trời. Vào nhà phải mở tất cả các máy điều hòa cỡ bự mới chịu nổi. Lắm công trình văn hóa công cộng không đủ ngân sách chi tiền điện nên một năm chỉ dám mở dăm lần bẩy lượt còn thì đóng im ỉm. Quanh năm gió trời lồng lộng, lẽ ra chỉ cần lắp cửa thông gió tự nhiên, hệ che nắng tự nhiên là phòng nào phòng ấy mát rượi nhưng sao người ta cứ chuộng xây những hộp kính và lắp những máy điều hòa cực đắt, ngốn điện cực tốn như vậy?.
Cái thói xa hoa chạy theo mốt tốn kém vô lí bằng tiền công quỹ miễn là có tiền phần trăm đút túi, tranh thủ thỏa sức dùng “của chùa” càng nhiều càng tốt nó ở đâu mà ra nhỉ ? Có phải ta không biết quản lí hay vì cứ làm ngơ theo phương châm “dễ người dễ ta, khó người khó ta, đôi bên đều lợi” ? Từ thủ trưởng đến nhân viên cứ lờ đi mà tiêu, mà hưởng. Phí trang bị, lắp đặt, xây dựng, tiền điện đã có nhà nước thanh toán.
Nhiều nhà kinh tế tính rằng nếu dân ta biết dùng điện hợp lí và tiết kiệm thì không phải tốn đến hàng chục tỷ trăm tỷ chi cho xây dựng những nhà máy điện cực kì tốn kém bằng của đi vay đi mượn. Vay thì phải trả, có ai cho không bao giờ ? Ta không trả thì cháu con ta phải nai lưng ra mà trả.
Gía như mỗi công chức có một cái công tơ điện riêng có con chíp điện tử với hệ “wireless” lắp vào từng người, ai dùng người ấy trả, cuối tháng cứ trừ thẳng vào lương, bỏ tiền túi ra mà trả thì lúc ấy mới có thể coi “ Người Việt dùng hàng Việt “ đích thị là người yêu nước chân chính.
Hà Nội 11- 11- 2009
Vũ Thế Long