Khi hàng hóa là linh hồn xứ sở
08:47 30/11/2009
(Bài dự thi) - “Con người ai cũng có Tổ quốc của riêng mình’’
Người ta vẫn thường nói, con người có thể tự lựa chọn cuộc sống của riêng mình, song mỗi chúng ta từ khi cất tiếng khóc chào đời đã có những điều không thể tự quyết định được. Chúng ta có thể nào lựa chọn cho mình một cái tên theo ý muốn, có thể nào chọn cho mình một gia đình theo ý muốn và hơn hết ai trong số chúng ta có thể chọn cho mình một quê hương xứ sở để mỗi khi nhớ về nơi chon rau cắt rốn của mình ta lại thấy tim ta vang lên hai tiếng gọi thân thương: Tổ Quốc.
Con người Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung ai cũng có sẵn trong mình một tình yêu Tổ Quốc. Tình yêu ấy là tiếng hát ru của bà của mẹ, là mảnh đất nhằn nhọc của cha, là hạt gạo thơm thảo mình ăn, là giọt nước mát lành mình uống. Tình yêu Tổ Quốc phôi thai từ những điều giản dị, dung dưỡng tâm hồn con người dù ở bất cứ nơi đâu. Tình yêu ấy thường trực trong mỗi chúng ta song đôi khi trong dòng đời tấp nập ta vô tình để quên. Song đối với những đứa con Việt xa quê thì tình yêu ấy thường trực và mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Những đứa con Việt xa quê lưu lạc trên con đừơng lữ xứ chỉ nghe thấy gọi hai tiếng Việt Nam là thấy sống mũi mình cay cay để nhớ da diết “ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn ”. Tình yêu ấy, nỗi nhớ ấy thường trực khiến cho những đứa con Việt thèm khát hơn bao giờ hết những món quà Việt, những món hàng Việt. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày xưa mỗi lần bà tôi chuẩn bị quà gửi cho cậu tôi bên Mỹ, bà tôi thường khóc và bảo “ Không có cô đơn nào bằng con người xa xứ, thèm một bát cơm ngon cũng chẳng có mà ăn”. Ngày đó tôi còn quá nhỏ, tôi không thể hiểu được những gì bà nói chỉ biết mỗi lần có người đi bà lại tự tay gói ghém tất cả những mứt quất, bột sắn, ô mai gừng, ruốc , bánh chưng, gạo nếp, mật ong cả áo len gửi sang cho cậu. Mỗi lần nhận được những món quà ấy cậu gọi điện về cho bà chẳng hiểu sao cậu và bà cùng khóc. Lớn lên một chút tôi đi học và hiểu rằng ở nước Mỹ người ta chẳng thiếu thốn gì. Có thiếu chăng là linh hồn quê hương xứ sở trong những món quà Việt đó. Xã hội phát triển rồi, cuộc sống ngày càng hiện đại, hàng hóa nhập ngoại vì thế cũng xuất hiện tràn lan trên khắp đất nước Việt Nam. Hàng hóa của Việt Nam trở nên lép vế trong suy nghĩ của chính người Việt. Tôi còn nhớ cách đây không lâu một anh bạn tôi có kể một câu chuyện khiến tôi cứ day dứt mãi. Bạn tôi vốn là một nhà báo, anh sở hữu rất nhiều loại xe cổ trong đó có một chiếc xe Super Cup đã được anh làm lại rất đẹp. Một buổi chiều khi đang ngồi uống cafe anh bạn tôi thấy một đám khoảng 5 – 6 người nước ngoài xúm xít quanh chiếc xe Cup của anh. Thấy lạ anh từ từ đi lại phía đám đông và nhận ra đó là những người Nhật. Họ đang xem xét và tỏ ra rất thích thú với chiếc xe của anh, người bạn Việt Nam đi cùng đã giải thích cho bạn tôi là những người Nhật rất thích chiếc xe của anh ấy bởi đây là chiếc xe được sản xuất tại Nhật từ rất lâu họ ít thấy nữa. Sau khi bàn luận ít lâu về chiếc xe, một người Nhật trong đoàn đã nói với anh là họ rất tự hào khi người Việt Nam lại yêu thích một sản phẩm của đất nước họ như thế. Anh bạn tôi vốn đa cảm, anh bảo với tôi “ Người Nhật họ yêu và tự hào về hàng hóa của họ như vậy sao người Việt Nam mình lại cứ sính hàng ngoại vậy nhỉ ?”. Câu hỏi của anh cứ quanh quẩn trong đầu óc tôi. Những người Nhật xa xứ đã cảm thấy gần gũi và tự hào biết mấy khi thấy một sản phẩm của quê hương xứ sở họ nơi đất khách quê người. Có lẽ chỉ khi xa xứ con người ta mới cảm thấy gắn bó hơn với từng mảnh hồn quê hương xứ sở dù nó có nhỏ bé đến đâu đi chăng nữa.
Lại nói về cậu tôi - người đàn ông sau gần 30 năm xa xứ, cậu trở về quê hương khi mái tóc đã điểm bạc. Khi đặt chân đến sân bay cậu tôi khóc. Giọt nước mắt của người đàn ông khi được mẹ tôi tặng cho bó sen đầu mùa. Chỉ một tuần ngắn ngủi ở Hà Nội nhưng cậu tôi đã đi rất nhiều nơi: xem múa rối nước, nghe hát xẩm, hát ca trù, hát quan họ … Nhưng có lẽ xúc động nhất là khi ông đi xem buổi trình diễn áo dài của các em thiếu nhi, nhìn những đôi mắt trong sáng, những khuôn mặt rạng rỡ trong những chiếc áo dài cách tân ngộ nghĩnh cậu tôi lại chạnh lòng nghĩ đến những đứa trẻ Việt xa quê biết có bao giờ đuợc mặc những chiếc áo dài đó… Những ngày ở Hà Nội của cậu tôi ngắn dần, cậu tôi tất bật chuẩn bị những món quà để đem đi. Cậu mua đủ thứ từ cốm làng vòng, ô mai Hàng Đường, bánh Hàng Than… Cậu tìm mua cho mợ một mảnh vải may áo dài bằng lụa Vạn Phúc, cho con trai và bạn những chiếc áo sơ mi Việt Tiến, còn những những con rối nước cậu mua làm quà cho các cháu. Đi đến đâu cậu tôi cũng chỉ chăm chú chọn tìm những sản phẩm của Việt Nam mà không hề để ý đến những hàng hóa bắt mắt của nước ngoài. Thấy lạ tôi hỏi cậu nguyên do, cậu tôi trả lời mà mắt dưng dưng “ Hơn 30 năm qua cậu dùng hàng hóa nước ngoài nhiều rồi, giờ cậu chỉ muốn dùng hàng Việt Nam thôi. Có lẽ những người xa xứ như cậu mới hiểu hết được giá trị của những món hàng Việt Nam. Hàng hóa đôi khi cũng là một phần linh hồn quê hương, xứ xở.”
Ngày cậu tôi ra sân bay, tôi không đi tiễn song câu nói của cậu cứ day dứt mãi trong tôi “ Người Việt trước hết phải yêu lấy hàng Việt, như vậy mới mong người nước ngoài yêu hàng yêu Việt được”.
Vĩnh Khánh