(Bài dự thi) - Chiếc nón lá Việt Nam đã có từ xa xưa . Hình ảnh của nó đã được
khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, trên thạp đồng Đào Thịnh vào khỏang
2500-3000 năm trước…
Nón em nón bạc quai vàng
Thì em mới dám trao chàng cầm tay
Tiếc rằng vì nón quai mây
Nên em chẳng dám trao tay chàng cầm…
( Ca dao )
Nón lá rất gần gủi với phụ nữ Việt Nam. Nó tạo nên nét bình dị, đoan trang, duyên dáng và cũng rất phù hợp với thực tiễn của đời sống nông nghiệp, một nắng hai sương, trên đồng lúa, bờ ruộng …Những lúc nghỉ ngơi, nón được mọi người dùng làm quạt cho mát mẻ, ráo mồ hôi. Nón lá ở Việt Nam có nhiều loại khác nhau qua từng giai đoạn lịch sử: Nón dấu của lính thú thời xa xưa; nón gò găng ở Bình Định làm bằng lá dứa đội đầu khi cỡi ngựa; nón quai thao thường dùng trong lễ hội; nón bài thơ xứ Huế trắng và mỏng có lộng hình hay một vài câu thơ …
Từ rất lâu, người Việt từ nông thôn cho tới thành thị đều dùng nón lá. Nón lá tuy giản dị rẻ tiền nhưng nghệ thuật làm nón cần phải tỉ mỉ khéo tay. Nghề chằm nón không chỉ dành riêng cho phụ nữ, mà cả những người đàn ông trong gia đình cũng có thể giúp chuốt vành, lên khung nón… Với cây mác sắc, họ chuốt từng sợi tre thành 16 nan vành một cách công phu ; sau đó uốn thành vòng thật tròn trịa, thanh mảnh. Người phụ nữ thì chằm nức vành . Để có được lá đẹp, lá chọn để chằm thường là lá non, nhờ thế nón vẫn giữ được màu xanh nhẹ. Lá được ủi nhiều lần cho phẳng và láng. Khi xây và lợp lá, người ta phải khéo léo sao cho khi chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp để nón có thể thanh và mỏng. Nghề làm nón lá thường sản xuất từ miền Bắc và miền Trung trong các làng quê sau các vụ mùa…
Vật liệu làm nón tuy đơn sơ, nhưng khó tìm được loại lá làm nón. Lá nón mọc ở những vùng núi, về sau được đem giống về trồng ở vườn. Trong sách Vân Đài loại ngữ, cụ Lê Quý Đôn ghi lá nón có tên “ chữ “ là Du Qui Diệp, lá này cũng dùng là cái tơi để mùa đông chống mưa gió. Một loại khác là mỏng và mềm hơn, tên là Bồ Qui Diệp, đây là loại lá thường dùng làm nón đội đầu. Cành lá nón có hình nan quạt, người ta chặt lá nón non còn búp, nhiều lá đơn chưa xoè ra hẳn để về phơi, rồi cột lại thành từng bó nhỏ, gánh bán cho những làng quê có người chằm nón..
Lá non lúc khô có màu trắng xanh, người mua lá về phải trải lá vào sương đêm cho lá bớt độ giòn. Sau đó, mở lá từ đầu tới cuồng lá, cắt bỏ phần cuối cùng, dùng lưỡi cày cũ hay một miếng gan, đặt trên nồi than lửa nóng đỏ, dùng cục vải nhỏ độn giống như củ hành tây, người ta đè và kéo lá nón thẳng như một tờ giấy dài màu trắng, có nổi lên những đường gân lá nhỏ, lựa ra những lá đẹp để làm phần ngoài của nón. Cái khung có 6 cây sườn chính, khoảng cách giống nhau để gài 16 cái vành nón tròn lớn nhỏ khác nhau lên khung. Khung nầy phải do những người thợ chuyên môn làm đúng theo kích thước, để khi lợp lá và chằm nón xong, tháo nón ra được dễ dàng.
Nổi tiếng một thời là nón bài thơ ở Kinh đô Huế. Nón bài thơ nhẹ mỏng, chỉ 2 lớp lá ,trong chen hình cảnh chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền…và các câu thơ chứa chan tình cảm. Nón này được các nữ sinh trường Đồng Khánh rất ưa chuộng. Nón đội bình thường phải có độ bền lâu hơn, dày 3 lớp, phần trong lót thêm loại lá đót, (loại cây nầy giống cây sậy, khi trổ bông người ta lấy bông làm chổi). Chằm xong nón tháo khỏi khung, cắt lá thừa nức miệng nón và làm quai, nón rộng đường kính thường 41 cm, người ta phết phiá ngoài lớp mỏng sơn dầu trong suốt nước mưa không thấm qua các lỗ kim vào bên trong. Để có được một chiếc nón, phải trải qua 15 khâu, từ lên rừng hái lá, rồi sấy lá, mở, ủi, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ...
Ngày xưa, khi chưa có chỉ cước, người chằm nón dùng bẹ lá cây thuộc loại thơm (hùm), tước lấy phần tơ ngâm nước vài ba ngày cho nát phần thịt của lá, dùng bàn chải, chải lấy phần tơ lấy làm chỉ để chằm nón, hay có nơi dùng chỉ đoác. Hiện nay, xã hội phát triển, người ta dùng dây cước nhỏ bằng nylon để chằm, nón có đường nét thanh nhã hơn.
Không biết tự bao giờ, nón lá đã đi vào kho tàng thi ca của người Việt, cùng với tà áo dài, nón lá là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam, dịu dàng, chung thủy và trung hậu đảm đang. Nó vẫn hiện diện trên đầu của những chị, những bà mẹ tất tả ngược xuôi trên những đôi quang gánh, hoặc trên những cánh đồng ruộng luá đơm hoa…
Chiếc nón lá ít nhiều không còn phù hợp với sinh hoạt của người dân thành phố trong xã hội công nghiệp hiện nay .Thế nhưng trong những dịp lễ hội văn hóa, hoặc trong buổi sinh hoạt, giao lưu với bạn bè quốc tế thì không thể thiếu những tà áo dài thướt tha, cũng như những chiếc nón lá Việt Nam dịu dàng thanh lịch…
Tôn Thất Thọ