(Bài dự thi) -
Hiện nay, nhiều làng nghề của nước ta đang trong tình trạng điêu đứng thì cố một làng nghề ở Thanh Hà, Thanh Liêm (Hà Nam) vẫn luôn trụ vững cả trăm năm qua và từng bước đưa sản phẩm của mình hội nhập với thị trường trong và ngoài nước. Đó chính là làng nghề thêu ren An Hòa.Nghề thêu ren truyền vào An HòaVừa vào tới làng đã thấy những người dân tấp nập vận chuyển nguyên liệu, người người, nhà nhà đều ngồi thêu. Khi nghe chúng tôi bày tỏ ý định muốn tìm hiểu về nghề thêu ren của làng thì họ giới thiệu ngay đến nhà ông trưởng thôn Phạm Văn Vui (60 tuổi) người đã gắn bó máu thịt với ngôi làng này. Thấy chúng tôi đến ông Vui tiếp chuyện hết sức niềm nở. Ông kể: Cách đây hơn một thế kỉ, người dân An Hòa sống lam lũ, khổ cực chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng, quanh năm “Bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mà vẫn không đủ ăn. Nhưng từ khi nghề thêu ren được truyền vào thì cuộc sống của họ ngày càng khá dần lên. Được như vậy là nhờ vào công lớn của ông Nguyễn Đình Thản, người được cả làng tôn làm ông tổ.
Ông Nguyễn Đình Thản sinh năm 1886, trong một gia đình thuần nông ở thôn An Hòa. Khi đó, đất nước đang bị thực dân Pháp đô hộ, người dân phải chịu cảnh sưu cao thếu nặng, một cổ mà hai tròng, cuộc sống hết sức cơ cực nên nhiều người đã bỏ làng đi tha hương cầu thực. Vốn có lòng yêu thương con người, nhìn cảnh tưởng diễn ra ở làng ông tổ Đình Thản rất đau lòng. Tuy lúc đó mới 14 tuổi, ông đã khăn gói rời làng ra đi quyết tâm học lấy một cái nghề để về truyền cho dân làng mình. Sau một thời gian lang thang, bôn ba nhiều nơi ông chọn đất cảng Hải Phòng là nơi dừng chân vì ở đây có nền kinh tế tiểu thương phát triển mạnh. Nhờ vào sự chịu thương, chịu khó ông đã học được nghề thêu ren.
Có nghề trong tay, năm 1905 ông trở về quê và mở ngay một lớp dạy nghề cho người dân. Nhưng buổi đầu, do nghề quá mới mẻ nên người theo học chỉ có 5 – 6 người mà toàn là những người trong dòng họ. Sau dân làng thấy cuộc sống của ông Thản và những người trong họ trở nên sung túc nên tới theo học ngày một đông, dần dần ra cả làng. Từ đó, bí quyết nghề thêu được người dân gìn giữ và phát triển theo kiểu cha truyền con nối cho tới tận ngày nay và là nghề đem lại thu nhập chính cho người dân thôn An Hòa.
Thêu ren An Hòa tiến bước hội nhập Cách đây 20 năm, các sản phẩm thêu của thôn An Hòa đã thật sự khẳng định thương hiệu của mình khi có mặt ở khắp các tỉnh trong cả nước và vươn ra cả nước ngoài. Các sản phẩm như túi thêu, ga trải bàn, ga trải giường, vỏ chăn, gối, áo, váy,… được thêu rồng, phượng, hoa lá rất đẹp khiến bạn hàng đều hài long. Vì thế hàng năm An Hòa không ngừng đẩy mạnh sản xuất, cải tiến bằng máy móc để nâng cao chất lượng mẫu mã, đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường. Những sản phẩm của An Hòa khách tinh mắt chỉ cần nhìn qua là nhận ra ngay. Bởi người dân An Hòa từ khi sinh ra đã có sẵn “máu” nghề, lớn lên được bố mẹ truyền lại hết cho những kĩ năng thêu nên sản phẩm của họ rất tinh xảo và có nét.
Hiện nay, toàn thôn An Hòa có tới 24 doanh nghiệp, xưởng sản xuất với dây truyền máy móc tương đối hiện đại mang lại thu nhập cao cho người dân. Có thể kể đến một số doanh nghiệp như Hiền Hanh, Tuấn Hiệp, xưởng thêu của Phạm Viết Trường, Nguyễn Tiến Thăng, Phạm Sĩ Hồng, Phạm Sĩ Kiên,… Khi được hỏi về bí quyết vươn ra thị trường trong và ngoài nước, anh Phạm Viết Trường, chủ một xưởng thêu có uy tín chia sẻ: “Đối với những người thợ thêu cần phải có các đức tính “cần mẫn, kiên trì và sáng tạo” để tạo ra những sản phẩm bền, đẹp, nhiều họa tiết phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng như vậy mới được các đối tác ở các nước Đông Âu, Nga, Mỹ, Trung Quốc,… lựa chọn”.
Nghề thêu ren đã giúp An Hòa trong việc xóa đói giảm nghèo để An Hòa thật sự “thay da đổi thịt” như hiện nay. Từng con đường mới đổ bê tông sạch đẹp cùng những ngôi nhà khang trang ít ai dám nghĩ trước đây An Hòa từng là một làng quê nghèo của vùng đồng bằng chiêm trũng. Vui mừng trước sự đổi thay của làng quê mình, ông trưởng thôn Phạm Văn Vui cho biết: Tại thôn An Hòa có 1.500 thợ chiếm 95% số hộ trong làng. Nhờ có nghề thêu mà An Hòa đã từng bước đô thị hóa nông thôn và nâng cao đời sống kinh tế cho từng hộ dân. Thu nhập GDP bình quân 5 năm trở lại đây đạt 60 – 65 tỉ đồng, trong đó riêng nghề thêu đạt từ 42 – 46 tỉ đồng chiếm 75%. Bình quân thu nhập đầu người đạt từ 1,2 triệu đồng trên tháng. Cả thôn có 1.900 hộ thì chỉ còn hơn 10 hộ thuộc diện nghèo (0.7%), tập trung vào những đói tượng là người già, mất sức lao động. Người dân được “an cư lập nghiệp” trên chính mảnh đất quê hương mình.
An Hòa được như ngày hôm nay cũng là nhờ vào chính sách mở cửa giao lưu buôn bán với nước ngoài của Đảng và nhà nước, đặc biệt là khi Việt Nam ra nhập tổ chức thương mại thế giới WTO thì thương hiệu “Thêu ren An Hòa” như được “chắp cánh” vươn rộng ra thị trường trong khu vực và quốc tế. Dựa vào những kết quả đã đạt được An Hòa xứng đáng là làng quê tiêu biểu về phát triển kinh tế - xã hội, là tấm gương sang để các địa phương học tập.