Nội dung, thể lệ cuộc thi “Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm”

21:31 08/07/2010

1. Mục đích, ý nghĩa:

Như một con rồng thiêng bắc qua con sông Hồng qua hơn một thế kỉ, cây cầu Long Biên đã sống trong kí ức nhiều thế hệ người Hà Nội cũng như người dân cả nước và du khách quốc tế.

Đây là cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội do người Pháp và người Việt Nam chung tay xây dựng. Mặc dù cầu do hãng Daydé và Pillé thiết kế và thi công, nhưng cấu trúc thép của nó gợi nhớ đến Gustave Eiffel, cũng là tác giả của tháp Eiffel ở Paris và tượng Nữ Thần Tự do ở New York; và thực tế thì nó từng được ví như một tháp Eiffel nằm ngang trên sông Hồng

Cây cầu này như một nhân chứng lịch sử chứng kiến bao đổi thay của Hà Nội trong hơn một thế kỉ. Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, dù bị bắn phá ác liệt rất nhiều lần, cây cầu vẫn hiên ngang, kiên cường chống chọi như những người lính trung đoàn Thủ đô đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Cầu Long Biên là nơi chứng kiến bước chân người lính viễn chinh cuối cùng của Pháp rời khỏi Việt Nam và cũng là nơi đón các anh bộ đội Cụ Hồ chiến thắng trở về.

Nhằm tôn vinh các giá trị của cầu Long Biên, với mong muốn cây cầu giao thông này thực sự trở thành một biểu tượng của Hà Nội – một cây cầu của Nghệ thuật, của Tình yêu và Hạnh phúc, của quá khứ oai hùng và tương lai hòa bình; tích cực hưởng ứng Đại lễ 1000 năm Thăng – Hà Nội; báo TT&VH phối hợp với Ngôi nhà Nghệ thuật Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác Entry với đề tài:  “Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm”.

Cuộc thi là sự tiếp nối truyền thống của các cuộc thi viết entry do báo TT&VH liên tục tổ chức từ năm 2007 đến nay; và là dịp để mọi người dân Hà Nội, cũng như của các blogger ở khắp năm châu bốn biển có thể bày tỏ tình cảm của mình với cầu Long Biên. Nếu như ở thế kỉ XI, khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã chứng kiến rồng thiêng bay lên thì gần 10 thế kỉ sau, cầu Long Biên như là hiện thân của điềm thiêng đó. Chúng tôi hy vọng rằng, những bài dự thi không chỉ nói được lịch sử trăm năm của cầu Long Biên mà còn kết nối được với những cảm thức lịch sử về Thăng Long – Hà Nội ngàn năm qua trong không khí của Đại lễ hôm nay và ước mơ cho ngàn năm tới.

Một trong những ước mơ đó là cầu Long Biên sẽ có thể trở thành một “đại lộ đi bộ”, một bảo tàng sống động về lịch sử văn hóa Thủ đô.

2. Nội dung bài viết

Với chủ đề Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm, bài dự thi có thể thể hiện mọi vấn đề xung quanh cầu Long Biên qua tâm tư, tình cảm, kỷ niệm, hoặc qua những nghiên cứu, những góc nhìn của mỗi người dự thi.  Sau đây là một vài gợi ý của BTC:

- Bạn có thể kể lại những kí ức hoặc những kỉ niệm riêng tư của chính bạn hoặc những câu chuyện mà bạn biết, gắn liền với cây cầu này trong quá khứ cũng như trong cuộc sống ngày hôm nay. Đặc biệt là những câu chuyện tình yêu gắn với không gian thơ mộng của cây cầu này.

 - Bạn cũng có thể tìm tòi phản ánh về lịch sử hình thành và phát triển của cây câu này trong quá khứ, cũng như khám phá mọi vẻ đẹp và nhịp sống của nó trong ngày hôm nay.

- Bạn cũng có thể thể hiện ước mơ của chính bạn về tương lai của cầu Long Biên trong không gian chung của sông Hồng và của Hà Nội; và đặc biệt, bạn có thể đưa ra những ý tưởng, sáng kiến cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của cầu Long Biên như một biểu tượng văn hóa của Hà Nội.

3. Thể lệ cuộc thi

- Tất cả công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước và người nước ngoài quan tâm tới cầu Long Biên, đều có quyền dự thi. Các tác phẩm dự thi phải thể hiện bằng tiếng Việt.

 - Bài dự thi không hạn chế về mặt thể loại, loại hình (có thể là tác phẩm viết, ảnh, video clip) với dung lượng dưới 2000 chữ (nếu là tác phẩm viết). Khuyến khích các tác phẩm viết dưới dạng entry (bài viết trên blog)

* Ngoài ra có một số quy định riêng đối với thể loại ảnh, video clip gồm:

3.1. Đối với video clip

- Video clip dự thi phải là do chính người dự thi sáng tạo ra hoặc giữ bản quyền hợp pháp.

- Độ dài video clip không hạn chế, nhưng khuyến khích các video clip có độ dài từ 03 đến 15 phút, nếu video clip có lời bình thì lời bình phải bằng tiếng Việt.

- Nếu dung lượng của file video clip < 20M có thể gửi qua email [email protected], nếu lớn hơn 20M xin ghi vào đĩa CD hoặc DVD và gửi tới Ban tổ chức qua đường Bưu điện.

3. 2. Đối với ảnh

- Ảnh dự thi phải đảm bảo về mặt bản quyền. Nếu là ảnh sưu tầm thì cần chú rõ nguồn gốc xuất xứ, tên tác giả. Ảnh dự thi được phép sử dụng kỹ thuật vi tính nhưng không được làm thay đổi bố cục chính của bức ảnh.

- Khuyến khích các tác giả ảnh có thuyết minh về các bức ảnh dự thi. Đối với bộ ảnh nên trình bày theo dạng Album.

* Ban tổ chức có quyền sử dụng các tác phẩm dự thi vào mục đích quảng bá cho cuộc thi và các hoạt động liên quan sau này. BTC không chịu trách nhiệm về vấn đề tranh chấp bản quyền đối với các tác phẩm dự thi trước và sau khi trao giải.

Bài dự thi gửi theo địa chỉ emai, thư về địa chỉ [email protected] hoặc gửi qua đường bưu điện đến Báo Thể thao & Văn hóa, 33 Lê Thánh Tông, Hà Nội (Ngoài phong bì xin đề rõ: Bài tham dự cuộc thi “Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm”).

Bài dự thi xin kèm rõ thông tin chi tiết về tác giả (Họ tên, Địa chỉ liên lạc, Số điện thoại liên hệ, số CMT hoặc số Hộ chiếu nếu có).

Hạn chót nhận bài dự thi đến hết ngày 15/09/2010. Nếu gửi qua đường Bưu điện thì căn cứ theo dấu bưu điện.

Các bài dự thi đáp ứng thể lệ cuộc thi sẽ được đăng tải trên trang web www.thethaovanhoa.vn/longbien, để cộng đồng mạng bình chọn những bài dự thi xuất sắc nhất (Những bài thuộc top bình chọn nhiều nhất sẽ được đặc cách vào chung khảo và được dự các giải chính thức và được xét giải Cộng đồng mạng bình chọn). Mỗi tuần ban sơ khảo sẽ chọn các entry hay nhất đăng trên báo TT&VH.


4. Giải thưởng

- 01 giải Nhất trị giá 25 triệu đồng
- 02 giải Nhì trị giá 8 triệu đồng/giải
- 03 giải Ba trị giá 5 triệu đồng/giải
- 08 giải Khuyến khích trị giá 2 triệu đồng
- 02 giải dành cho Cộng đồng mạng bình chọn (trị giá 2 triệu đồng/giải).

Tổng cộng 76 triệu đồng
 
5. Ban giám khảo

-  PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội) - Chủ tịch Hội đồng
-  Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc

-  Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội
-  Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội
-  Đạo diễn Phạm Việt Thanh
-  Nhà báo Trương Lê Kim Hoa, Phó Tổng biên tập Báo TT&VH - Trưởng ban tổ chức

6. Cố vấn cuộc thi: PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội).

7. Thời hạn

- Họp báo phát động: 15h ngày Thứ Năm, 8/7/2010 tại Trụ sở Thông tấn xã Việt Nam, 79 Lý Thường Kiệt, Hà Nội
- Thời gian nhận tác phẩm dự thi: đến 24h ngày 15/9/2010
- Lễ tổng kết và trao giải vào tháng 10/2010 đúng dịp Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.    

Ban Tổ Chức

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link