Cuộc đời tôi và cây cầu Long Biên

16:28 06/08/2010

(Bài dự thi) - 1. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cây cầu Long Biên là vào những năm của thập niên 70, khi còn là một cậu bé. Trong ngôi nhà của tôi có một kệ sách bày những quyển tạp chí Times cũ (tạp chí chuyên về ảnh phóng sự rất nổi tiếng) trong đó có một bài báo được xuất bản từ vài năm trước viết về lực lượng không quân Mỹ thả bom cầu Long Biên. Tôi mang quyển tạp chí đến nhà thày Logie, giáo viên tiểu học năm lớp 4 của mình. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được là học trò của thày – thày Logie đã cho tôi xem viễn cảnh hết sức trung thực về cuộc chiến tranh của người Mỹ, vẫn đang diễn ra vào thời điểm đó. Thày kể cho tôi nghe về những người Hà Nội đã chiến đấu anh hùng để bảo vệ cầu Long Biên và thành phố thân yêu của họ, chống lại sức mạnh tưởng chừng như không thể ngăn chặn được của không quân Mỹ. Kèm theo bài báo có một bức ảnh chụp Hà Nội từ trên không - và tôi đã nhìn chằm chằm vào bức ảnh hàng giờ - như thể tôi có thể đi vào trong bức ảnh vậy.


Những bức ảnh toàn cảnh Cầu Long Biên của Douglas Jardine
2. Một trong những công trình đô thị đầu tiên của Hà Nội mà tôi bắt đầu khám phá là cây cầu Long Biên. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đứng trên cây cầu thật mạnh mẽ, tưởng như lịch sử sống đang đang hiện hữu ở đây. Cuộc chiến quả cảm của người Hà Nội để bảo vệ cầu Long Biên và thành phố của họ đã được lưu giữ hết sức sinh động ngay trong diện mạo cây cầu. Điều này hoàn toàn giống với những hình dung của tôi khi còn là một cậu bé đọc bài báo trên tạp chí Times... Tuy nhiên, dấu vết thực sự ý nghĩa nhất lại nằm bên dưới cây cầu và có thể được nhìn thấy từ bãi giữa.

Những cột chống cầu đầu tiên được công ty Dayle & Pille của Pháp xây dựng từ những khối đá nâu hết sức vững chắc, nhưng hầu hết đã bị phá hủy trong những trận bom tàn khốc của người Mỹ, còn được gọi là Chiến dịch sấm rền trong những năm 1967-1968. Điều này đồng nghĩa với việc các cột chống mới lại tiếp tục được xây dựng. Điều khiến tôi ngạc nhiên về mỗi điểm khôi phục này, đó là chúng quá đặc biệt – mỗi cột là một giải pháp độc đáo, sáng tạo và là một hiện thân của người Hà thành, những người đã nỗ lực hết mình để những chỗ phục hồi vẫn còn hoạt động đến ngày hôm nay.

Còn 9 tuần nữa

Hòa cùng cả nước đếm ngược thời gian hướng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010).  

3. Nhiếp ảnh là một phần không thể thiếu trong cuộc đời tôi. Nhưng thực sự trong nhiều năm tôi đã không chụp một cách nghiêm túc. Khi tôi đến Việt Nam, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi. Niềm đam mê của cuộc đời tôi lại được đánh thức bởi chính đất nước tươi đẹp này. Đầu tiên, nó là một phần trong nghiên cứu của tôi và sau đó nó chính là diện mạo và nghệ thuật của cây cầu. Tôi không chụp ảnh kỹ thuật số - tôi dùng chính những phim đen trắng mà tôi có. Mọi người thường hỏi tôi tại sao tôi không sử dụng thiết bị kỹ thuật số hay tại sao tôi dùng phim đen trắng thay cho phim màu? Không có câu trả lời rõ ràng ngoại trừ việc tôi cảm thấy rằng phim với hai màu đen trắng là một dạng nghệ thuật đáng được giữ gìn và kế tục. Hơn nữa, màu đen trắng rất hiệu quả trong việc lồng ghép quá khứ vào hiện tại.


Giờ đây tôi có gần 3 năm chụp ảnh cây cầu Long Biên và đã có hơn 1.000 tấm ảnh. Tôi đã lưu trữ những bức ảnh khôi phục cây cầu sau giai đoạn chiến tranh và tôi đang cố gắng lưu lại nhịp sống trên cây cầu cũng như như cách cây cầu đã định hình nên cuộc sống nơi đây. Càng chụp ảnh tôi càng nhận ra cây cầu là hiện thân sáng tạo tuyệt vời của lịch sử, một tác phẩm nghệ thuật được nhào nặn từ những con người và thời gian.

Khoảng một năm trước, tôi bắt đầu sáng tạo những góc nhìn toàn cảnh về cầu Long Biên. Gần như mỗi tuần một lần tôi lại rảo bước trên cầu Long Biên, đôi khi còn nhiều hơn nữa. Tôi đã khám phá ra rằng, nơi đây, những người nghèo nhất của Hà Nội đang mưu sinh, một số ở trên thuyền, một số trên những căn nhà nổi và số khác trồng trọt ở bãi giữa. Cảm giác của tôi về người dân nơi đây, đặc biệt là những người sống trên các căn nhà nổi, đó là họ rất tốt bụng và hào phóng, mặc dù trong tay không có chút gì. Tôi đã chụp ảnh họ trong những lần vui vẻ và cả những khi buồn phiền. Tôi đã chụp ảnh những ngày đẹp trời người dân nội thành đến bãi giữa du lịch. Tại thời điểm này cuộc sống của họ dường như thật yên bình và thôn dã. Tôi cũng đã chụp ảnh những trận sóng dữ đã phá hủy cuộc sống và mái nhà che mưa của họ chỉ trong một đêm. Tôi đã chứng kiến họ phải chống chọi để có được những nhu cầu cơ bản nhất về điện và nước sạch.

Cầu Long Biên như được định trước và trở thành một phần không thể tách rời với cuộc sống của họ. Những người sống ở bãi giữa có một sợi dây gắn kết vô hình với cây cầu và nó trở thành con đường chính đưa họ vào nội thành. Hàng ngày họ đi qua cây cầu và tỏa ra mọi ngõ ngách trong thành phố tìm kiếm những đồ vật có thể tái chế rồi đem về sông Hồng lau rửa để bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Cầu Long Biên cũng là nơi diễn ra các hoạt động tiểu thương, đặc biệt là những bắp ngô được trồng ở bãi giữa vốn nổi tiếng với vị ngọt thơm luôn được những vị khách qua cầu lựa chọn.

Tôi thường dẫn nhiều nhóm sinh viên và du khách đến để đi dạo trên và quanh cây cầu. Những sinh viên của tôi tại khoa Quốc tế học - đại học Hà Nội đã thực sự bị cuốn hút trong những cộng đồng này. Các em đã làm phim về cuộc sống người dân ở đây và tạo ra những chương trình hỗ trợ kiến thức hữu ích để giúp đỡ những cư dân gắn bó với bãi đất ven sông này.

Và tôi sẽ nhớ mãi một sự việc tình cờ đã xảy ra:

Lúc đó, tôi và các học trò đang có một ngày tiến hành nghiên cứu giữa khu vực nhà nổi phía bờ nối Hà Nội với sông Hồng ngay sát dưới chân cầu Long Biên. Tình cờ có một người chết đuối trôi dạt về phía làng. Người đàn ông không may này hoàn toàn xa lạ, nhưng điều đó chẳng thể ngăn cản những người dân ở đây thể hiện sự quan tâm kính trọng. Họ tắm rửa và làm một chiếc giường cho người xấu số. Sau đó họ quấn anh ta lại và đốt hương trầm quanh cơ thể. Bạn có thể nói gì đây về nghĩa cử cao đẹp họ đã đối đãi với một người họ chưa từng gặp mặt! Đó là một bài học lớn lao cho bản thân tôi và các học trò về phẩm cách và giá trị cao quý của cộng đồng này.

4. Trong tâm trí tôi hiện vẫn còn ám ảnh bởi nhiều câu hỏi, liên quan đến đề xuất khôi phục lại cây cầu lịch sử. Chính phủ Pháp sẽ hỗ trợ việc phục hồi này. Quan ngại của tôi đó là liệu họ có trả lại cây cầu nguyên vẹn những thông số thiết kế ban đầu; và cầu Long Biên sẽ lại trở thành một cây cầu Pont Doumer? Điều này sẽ xóa bỏ hoàn toàn những vết tích chiến tranh mà cây cầu vẫn đang lưu trên mình. Điều này cũng sẽ xóa đi những ký ức bi hùng về cuộc chiến thần thánh mà người dân thủ đô cùng với dân tộc Việt Nam đã dũng cảm chiến đấu và đánh bại kẻ thù lớn nhất thế giới.

Tôi vừa mới làm đám cưới tại Hà Nội hồi đầu năm 2010. Ngày trước khi đám cưới diễn ra, tôi đã đề nghị vợ tôi mặc bộ váy cưới và để tôi chụp ảnh cô ấy trong làn gió nhẹ giữa dòng xe cộ đang qua lại ngược xuôi trên cây cầu trăm tuổi.

Hà Nội năm 2010

Nhà nhiếp ảnh Douglas Jardine

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link