Cầu Long Biên với tôi

17:19 10/09/2010

(Bài dự thi) - Đầu tháng Bảy vừa qua. Trường quay Đài PTTH Hà Nội. Cuộc thi Sứ giả ngàn năm số 5. Chủ đề hùng biện: Cầu Long Biên.Nhận xét xong, tôi hỏi, nếu không thường xuyên sửa chữa thì liệu Long Biên có chết gỉ không? Những loại thợ nào đảm đương việc ấy? Gợi ý, các loại thợ: sắt, kích kéo, sơn, nhưng cả rèn, mộc mới lạ. Chênh vênh trên cao. Đâu cũng thép. Nắng cháy. Rét căm. Thăm thẳm mặt sông.

Tôi muốn kể cho các em, thợ rèn phải đưa bễ lên cầu, nung cho những chiếc đinh rivê đỏ lên. Họ, người tung kẻ hứng chiếc đinh đỏ ấy cách 5m. Dùng búa máy tán, khóa chết hai tấm thép vào nhau. Sơn không vất vả, nhưng treo người trên giàn dáo đánh gỉ, quét sơn ở góc khuất, mặt âm dưới gầm cầu, ngửa cổ, đưa tay lên cao làm việc thì mỏi mệt vô cùng. Thép giữa trời sợ nhất nước mưa. Nhưng mưa không hại cầu bằng nước giải, phân người trên tầu tuôn xuống, mà lẽ ra không được làm thế khi vào ga, qua cầu. Thời chiến, ngày nào tôi cũng từ bãi đá bóng Long Biên, không qua đầu cầu mà lần theo ụ đất đắp bảo vệ trụ cầu, leo lên đường sắt, sang đường bộ đến trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều dạy học. Không ít lần phải quay đi khi trông thấy phân người nhoe nhoét trên những tấm sắt to bản làm áo tơi che dầm ngang. Thợ cầu phải xử lí hết.



Cầu xây xong năm 1902, mãi năm 1921 (hay 1938?) mới thêm hai đường ô tô, hè đi bộ, nên phần giữa đường ô tô làm bằng gỗ cho đỡ nặng. Thợ mộc phải thay những thanh mục, kiểm tra xem chỗ nào tà vẹt gỗ mục thì đục bỏ, trát mát tít.

Tôi lại hỏi: Long Biên có gì trái khoáy? Ở tuổi cấp 2, không mấy em được đi bộ, đi xe máy qua cầu nên khó trả lời. Ngày trước, chưa có cầu Thăng Long, Chương Dương, mỗi khi đón nguyên thủ quốc gia, ta cấm đường, lại đi bên phải cho đoàn xe đổ từ đầu cầu xuống, qua cổng chào Hàng Đậu, giữa rừng cờ hoa, bà con và học sinh chúng tôi hân hoan chào đón hai bên đường, về phủ Chủ tịch.

***

Tôi muốn kể cho các em, lần đầu tôi biết cầu Long Biên vào một buổi sáng đầu 1955. Trên chiếc mảng nứa, hai mẹ con tôi vật vờ trôi từ vùng đồi cọ, nơi trường Hùng Vương bọn tôi học về Hà Nội. Từ xa, một nét đen thẫm nhấp nhô suốt đường chân trời. Hai năm làm đội viên Thiếu nhi Nghệ thuật (tên Bác Hồ đặt) Lưu Hữu Phước, đi khắp núi rừng Việt Bắc, chỉ biết cầu làm bằng: tre, cau, song mây, gỗ. Chưa từng thấy cầu thép. Vậy mà… cây cầu - con Rồng vừa đắm mình trên sóng nước sông Hồng bay lên. Chỉ một lúc sau, nó chiếm một khoảng trời trên đầu, đổ bóng râm xuống khúc sông, nơi tôi cắm mảng.

Còn 4 tuần nữa

Hòa cùng cả nước đếm ngược thời gian hướng về Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (10/210,

Tôi không biết, chính ở đây, hơn chín năm trước, những người cuối cùng của Trung đoàn Thủ đô cùng một số bà con đã ngậm tăm rút qua đê, tụt xuống bãi, thoát ra ngoài vòng vây giặc. Tôi không biết, hơn nửa năm trước, người lính Pháp cuối cùng không kèn trống rút qua đoạn cầu trên đầu tôi, trả lại cây cầu này, Thủ đô này cho anh bộ đội của thiếu tướng Vương Thừa Vũ. Cũng không tưởng tượng nổi sau 12 ngày không kích Hà Nội bằng B52, trong trận Điện Biên Phủ trên không, phi công Mỹ đến bằng đường không, năm 1973 đã về bằng đường bộ, trên hai xe vận tải có mui qua Long Biên sang Gia Lâm về nước.


***

Chiếm xong Bắc Kỳ, phải chở tài nguyên bằng đường sắt từ Lạng Sơn (đã làm xong) về, Lào Cai (đang làm) về; Nam Định lên; Vinh ra, Hà Nội xuống Hải Phòng lên tàu biển về Pháp, viên toàn quyền Đông Dương Doumer nhận thấy, phải xây một cây cầu qua sông Hồng mới giải được bài toán giao thông khu vực.

Cầu Long Biên vào thời ấy đúng là kỳ công. Trí tuệ, kỹ thuật, công nghệ của các nhà thiết kế Pháp thật đáng nể. Chỉ đạo thi công giỏi. Nhưng, những người thợ cầu Việt Nam mới thật là quả cảm khéo léo. Không có họ, thiết kế vẫn chỉ là bản vẽ.

Những gì nhìn thấy của một cây cầu chỉ là nửa giá trị của nó. Nửa kia ngầm dưới nước. Đấy mới là phần việc khó khăn, quyết định độ chắc chắn và tuổi thọ cầu. 18 trụ, nửa số trụ dưới sông, nửa trên bãi cát, nhưng đều sâu dưới mực nước thấp nhất hàng năm 30m, cao hơn mực nước cao nhất hàng năm 13,5m.

Poudet viết trên Indochina số 184 (1944): “Đội quân các thợ: đá, mộc, sắt, xây… hơn 2.000 người, có khi tới gần 3.000 do 40 đốc công, quản đốc, kỹ sư Pháp hướng dẫn”. Ngày ấy, chưa thi công theo phương pháp đảo nổi giếng chìm, chưa có máy móc thiết bị hiện đại. Hồi ký Doumer: “…Họ làm việc trong những điều kiện tự nhiên, ngồi trong những thùng sắt đi xuống nước như những con tàu và ngày càng dấn sâu xuống đáy sông trong những buồng kín, đào xới đáy sông để đặt trụ đá. Buồng làm việc cứ mỗi ngày một dấn sâu xuống nước, 20m, 30m với áp lực tới 3 atmôtphe”, và thừa nhận: “Công việc thật là khó nhọc và khủng khiếp”.

Ông ta không kể cảnh người thợ này vừa xuống sâu, không thấy động đậy đầu dây, kéo lên đã chỉ còn là cái xác không hồn; người kia vừa kéo lên bờ đã hộc máu mồm, dồn máu mũi, máu tai. Không nói, họ được đãi ngộ mỗi giờ làm việc dưới “âm phủ” chỉ được 1 hào, vừa đủ mua 2 cân gạo. Cũng không đưa ra con số chết, bị thương. Hơn 50 năm trước, nghe cụ Hoạt, 80 tuổi, hàng xóm, người công giáo, thợ nề xây nhà thờ Cửa Bắc (cùng thời xây cầu Long Biên) kể: Làm cái cầu ấy chết nhiều lắm. Không có mấy ngày không có người chết, gãy tay gãy chân như cơm bữa. Các bà hàng cơm bán cho khách quen. Nhưng đến tối không thấy về, biết họ đã vào nhà thương, ra nghĩa địa, hay rơi xuống sông, Hà Bá cuốn đi rồi. Có lần xuống Bãi Giữa thăm anh Quý cùng dạy, hỏi chuyện mới biết, ở đấy có một nghĩa địa những người thợ cầu.

Từ khởi công (13/9/1898), đến khánh thành hết 3 năm 5 tháng. Kỉ lục thi công nhanh. 8h30, 28/2/1902, đoàn tầu 8 toa từ  ga Hàng Cỏ chở vua Thành Thái, viên Toàn quyền, vua Malaysia và nhiều quan chức khác đến nơi hành lễ. Diễn văn của Doumer và phát biểu của các quan chức đều ca ngợi đây là công trình vĩ đại, là cầu thép lớn nhất châu Á, thứ hai thế giới. Tại Hội thảo quốc tế (Pari 10/2001) “Cầu và các công trình bằng kim loại: di sản, biểu tượng và công nghệ”, Long Biên vẫn được suy tôn là Biểu tượng công nghệ và lịch sử thế giới.

***

Chiến tranh phá hoại. Máy bay Mỹ đánh phá liên tục. Trên nóc mỗi khung cầu, ta hàn thành một bệ rộng bằng chiếc giường, đặt khẩu 12.7mm. Nhà tôi ở Phúc Xá nên từng chứng kiến các chiến sĩ đã bắn máy bay bổ nhào với tinh thần Nguyễn Viết Xuân nhằm thẳng quân thù mà bắn. Phải phá thế độc tuyến giao thông với tinh thần Địch phá ta cứ đi; Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm, những người thợ cầu phà chấp nhận cả sự mạo hiểm, hy sinh: Máy bay giặc đến chưa chắc đã đánh. Đánh chưa chắc đã trúng. Trúng chưa chắc đã chết.

Tôi sắm được xe đạp. Long Biên không đi được thì đi cầu phao. Đến giờ, chưa ai biết được, bằng cách nào, đi xe đạp nhưng không đạp, không dùng bất kỳ lực đẩy nào, không bám xe khác, vẫn qua được cầu phao. Có gì đâu các em. Ô tô đi đến đâu, phao trũng đến đó, ô tô vừa qua, nó lại nổi lên, cứ thế tạo thành một độ dốc liên tục. Đi vào đúng khoảng dốc ấy, cứ thế bon bon… Trong khi thích thú với trò nghịch ngợm ấy, tôi không biết, ta đang tìm cách bắc cầu cáp qua đoạn cầu bị phá.

Chạy thử nghiệm. Tình huống xấu nhất… Lễ truy điệu sống! Người lái xe nghĩ gì trước khi làm nhiệm vụ? Anh có nói cho vợ việc sắp làm không? Lo lắng không cùng. Xe không tải. Cửa buồng lái đã tháo. Dò dẫm bò xa dần. Thắt ruột dõi theo. Cầu và xe rung rinh, chao bên này, bên kia. Dao động lớn dần. Đến giữa cầu thì đưa võng. Tai họa đếm từng giây. Đi hay dừng? Người liệt sĩ trước khi hy sinh ấy tính thế nào trong giây phút mà sự thành bại, sinh mạng mình và xe đang bám hờ nơi lớp ván trên mấy sợi dây cáp đong đưa? Theo phản xạ, anh đạp phanh. Lập tức bị hất văng xuống nước đen ngòm…

Thất bại, nhưng đã rõ nguyên nhân. Nhà vật lí tính toán khử được dao động ngang, chỉ còn dao động dọc. Chờ thi công thêm trụ, đặt những chiếc dầm cầu quân dụng làm cầu xe lửa. Đoạn cầu cáp ấy cũng cõng được hàng ngàn xe tải qua lại. Tôi thật có lỗi khi chưa tìm được tên người lái xe anh hùng ấy.

1972, buổi chia tay trước khi nhập ngũ. Tôi và một sinh viên thực tập (trò cũ ở Hưng Yên) nắm tay nhau hát Thanh niên ra tiền tuyến. Anh sinh viên ấy giờ là GS.TS Nguyễn Viết Thịnh, đại biểu Quốc hội, Hiệu trường ĐHSP Hà Nội.

***

1998, lái tàu giấu tôi trong buồng lái đi Đồng Đăng viết bài. Công lệnh tốc độ chạy tầu: tối đa 50 km/h, tối thiểu 5 km/h, là đoạn qua cầu Long Biên. Cầu run bần bật! …1996, chuyên gia Pháp (cháu Doumer) khảo sát đã khuyên không nên khôi phục Long Biên.

Tôi từng kiến nghị, Long Biên phải là chứng tích lịch sử đau thương, hào hùng, là di sản văn hóa, kiến trúc và công nghệ. Bỏ đường xe lửa thì Long Biên là không tải, chỉ còn xe thô sơ và đi bộ. Nó sẽ là cầu – phố, trang trí đẹp. Cây cầu ánh sáng. Tha hồ chụp ảnh cưới. Nơi thú vị nhất cho khách du lịch nhấm nháp cà phê Long Biên.

Nguyễn Bắc Sơn

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link