Cầu Rồng, hoài niệm, tình yêu và nỗi nhớ

23:58 20/09/2010

(Bài dự thi) - 56 năm trước, Hà Nội đón những người con Miền Nam tập kết, trong đó có mẹ và ba tôi, bằng cái ấm áp, ngọt mật của nắng thu cùng những địa danh gắn với huyền thoại Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” suốt 9 năm kháng chiến. Trong hồi ức của mẹ về Hà Nội suốt 20 năm, có thật nhiều kỷ niệm với từng con phố, ngõ nhỏ, vỉa hè, gốc cây, với bốn mùa xuân- hạ- thu- đông, ngày và đêm…, mà mẹ nói không thể nào quên được, và trong câu chuyện của mẹ, hoài niệm về cầu Long Biên gần như không thể thiếu.

Ngay khi xuống tàu ở bến “không số” - Hải Phòng, về tới Hà Nội, mẹ và những người bạn miền Nam trong hành trình khám phá Hà Nội, cầu Long Biên (hồi đó mẹ gọi là cầu Paul Doumer) là địa chỉ đầu tiên. Và kể từ đó, không hiểu sao, mẹ nói, gần như tối thứ bảy nào, mẹ cũng lên cầu, ngắm sông Hồng và gửi nỗi nhớ quê nhà ở phương Nam xa xôi vào dòng nước, vào mỗi nhịp cầu…Cầu Long Biên như một người bạn tâm giao. Và đặc biệt, mẹ gặp lại ba cũng ngay trên cây cầu này. Hai người đã “lạc” nhau khi đi trên hai chuyến tàu khác nhau tập kết ra Bắc, chỉ cách nhau 30 phút, mà tìm nhau mãi suốt 3 năm… Ngày ấy, ba là bộ đội, trong một đêm hành quân dã ngoại qua cầu Long Biên, trùng hợp là vào tối thứ bảy, mẹ đang ngắm sông trên cầu, nghe loáng thoáng giọng miền Nam trong hàng quân, mẹ dõi nhìn theo trong lờ mờ ánh đèn… Bất ngờ mẹ nhìn thấy một dáng thân quen, buột miệng gọi: "Anh Ba!”…Một bóng người ào tới: “Em Mười”… Cầu Long Biên thành chứng nhân tình yêu của ba mẹ. Và trong mẹ, cây cầu Long Biên là cầu Tình yêu.


Đôi lứa hạnh phúc trên cầu Long Biên (Ảnh minh họa: Ngoisao.net)

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ tiến hành cuộc chiến ra miền Bắc, mang bom bỏ xuống Hà Nội. Tất cả Hà Nội vào cuộc chiến, người già, trẻ em, các cơ quan công sở… cùng sơ tán về các tỉnh lân cận. Mẹ kể, ngày cùng cơ quan chuyển về Chương Mỹ - Hà Tây sơ tán, khi ngang qua cầu, nhìn từng đoàn người gần như xuôi một chiều ra khỏi Hà Nội, thấy cồn cào gan ruột một nỗi đau không thể gọi tên. Rồi một đêm Hà Nội, mẹ tiễn ba cùng đồng đội trở vào Nam chiến đấu, cũng ngay trên cầu Long Biên, mẹ giấu dòng nước mắt tiễn biệt, để rớt xuống dòng sông không cho ba thấy. Chiến tranh lan rộng, Mỹ trực tiếp dội bom xuống cầu Long Biên, mỗi ngày nghe ngóng tin tức, hồi hộp cho số phận cây cầu làm đêm đêm mẹ mất ngủ… Ngày 30/4/1975, mẹ kể, khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, trưa đó, nắng chang chang, mẹ đạp xe như bay lên cầu… Mẹ khóc vì sung sướng, vì biết ba còn sống, ba sắp trở ra hẹn với mẹ gặp nhau ngày chiến thắng trên cây cầu Tình yêu của hai người.

Tôi sinh ra ở Hà Nội, uống nước sông Hồng chỉ ít năm, rồi theo ba mẹ về quê ở phương Nam. Hà Nội trong tôi là những niệm, hồi ức của mẹ, của ba cùng những kỷ niệm tình yêu của ba mẹ trên cây cầu Long Biên. Cho mãi tới khi tôi tốt nghiệp đại học, có một chuyến đi công tác đầu tiên ra Hà Nội, kể từ năm 1975, sau hơn 20 năm. Và nơi tôi muốn đi đầu tiên là cầu Long Biên, dù lúc này Hà Nội đã có cầu Chương Dương, cầu Thăng Long hào nhoáng rộng rãi và hiện đại. Lịch sử như lặp lại, tôi gặp anh, người Hà Nội như là tình cờ mà cũng như là sự sắp đặt của Thần Tình yêu. Cây cầu Tình yêu của ba mẹ thành cây cầu Tình yêu của tôi, một người phương Nam với tình yêu người Hà Nội là anh, một nghệ sĩ tạo hình. Tình yêu của tôi và anh dù xa về khoảng cách địa lý, nhưng hình như cây cầu đã hóa thân thành không gian nối liền hai miền Nam Bắc, để tình yêu của tôi và anh không có sự cách ngăn.

Hình ảnh cầu Long Biên trong tôi gắn với nhiều kỷ niệm, cho tôi nhiều cảm xúc. Tôi nhớ một ngày cuối đông Hà Nội, cùng anh trên chiếc du thuyền xuôi dòng sông Hồng, đi từ Bến Chương Dương qua các làng nghề  Bát Tràng, các đền thờ Tình Yêu của dân gian - Đền Chử Đồng Tử, các ngôi làng bên sông nên thơ, lãng mạn với bến nước, con đò, cây đa… từ xa nhìn hình dáng cây cầu Long Biên, mềm mại thanh thoát, uốn mình vắt qua hai bờ sông như một con rồng hiền lành đang nằm thư giãn, tâm hồn cũng chợt thấy thanh thản kỳ lạ như được gột rửa những bon chen ồn ào bụi bặm phố... Nhưng có lần giữa trưa hè, đứng trên cầu trong nắng nóng, nhìn anh đang hoàn thành phần cuối tác phẩm tạo hình về cuộc sống trên cầu, lại có cảm giác mỗi nhịp cầu đang oằn mình chia sẻ những lam lũ vất vả của bao người lấy mặt cầu làm nơi để mưu sinh, tồn tại. Cũng có khi vào dịp Tết Nguyên Đán, anh đưa qua cầu sang bên kia sông vào một ngôi chùa cổ trong làng, cây cầu như đang tắm mình trong nắng xuân sớm, hắt lên vẻ đẹp kiêu hãnh như một nét khắc dấu vào nền trời và in bóng lưu giữ dưới mặt gương nước sông Hồng… Lại nhớ vào mùa thu, có lần anh đưa lên cầu ngắm hoàng hôn, đang nhìn dòng sông mờ ảo trong sương chiều lãng đãng vờn trên mấy ngọn ngô non, chợt cầu rung lên như cơn địa chấn nhẹ, một đoàn tàu như chui ra trong màu tím hồng của mặt trời từ từ dần khuất sau những ngôi nhà cao tầng dưới phố xa, lao ầm ầm trên mặt cầu, một vẻ đẹp của chuyển động hình như đã gắn với cây cầu cả trăm năm nay, vừa như cổ xưa vừa như rất hiện thực cứ đan xen trong cảm nghĩ..

Mỗi khi chia tay anh, Tình yêu Hà Nội của tôi, về phương Nam, hay nhiều những chuyến đi công tác qua các tỉnh thành Việt Nam, bất kỳ đi qua cây cầu nào, luôn bâng khuâng nhớ về cây cầu Long Biên, như một nỗi nhớ của người tình.


Hoài Hương

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link