Chúng tôi đã bảo vệ cầu Long Biên như thế

11:29 20/09/2010

(Bài dự thi) - Long Biên - một trong 4 cây cầu dài nhất, đẹp nhất hành tinh lúc khánh thành, đến nay đã tròn 108 năm, nối nhịp hai bờ sông Cái. Cây cầu gắn liền với đời sống của người dân Hà Nội, là chứng nhân lịch sử với bao biến cố thăng trầm.

Cây cầu trong trái tim người chiến sĩ

43 năm rồi tôi mới lại có dịp cùng Lê Minh Bội, người đại đội trưởng năm xưa, đi trên cây cầu đã gắn với một phần đời chiến đấu của cán bộ chiến sĩ đơn vị chúng tôi. Dẫu đã ở tuổi 80, nhưng trí nhớ của vị đại đội trưởng vẫn còn rất mẫn tiệp. Ông kể, là người khởi xướng ý tưởng xây một cây cầu lớn bằng thép vượt qua sông Hồng, nối liến huyết mạch giao thông từ Hà Nội đi Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai và các tỉnh phía Bắc, Paul Doumer đã phải nhận không ít lời gièm pha trong giới quan chức người Pháp và cả người bản xứ. Họ cho rằng đây là một việc làm điên rồ. Con sông hung dữ vào loại thứ 22 trên thế giới, lại rộng như eo biển và sâu trên 20m, mùa mưa nước còn dâng thêm 8-9m, có lần làm trôi cả toà công sứ Hưng Yên, lòng sông biến đổi bên lở, bên bồi liên tục, làm sao có thế bắc cầu trên con sông dòng có chảy bất kham như vậy. Paul Doumer vẫn quyết tâm thực hiện.



Công ty Dayé &Plilié là nhà thầu và nhà thiết kế chính thức. Khởi công xây dựng ngày 12-9-1898 với 40 kỹ sư người Pháp làm quản lý, đốc công, thợ, công nhân Việt Nam lắp ráp có khoảng 2000, có lúc lên tới 3000 người. Công việc rất năng nhọc. Toàn bộ những mố, nền móng phải thi công bằng phương pháp khí nén. Công nhân Việt Nam được đưa vào lồng sắt nén khí, thả xuống lòng sông để đào móng, làm việc liên tục bốn giờ liến mới thay ca. Có bao nhiêu xương máu người Việt Nam đổ xuống câu cầy này? Chưa có thống kê cụ thể, nhưng dẫu sao cây cầu cũng đã được hoàn thành với sự cố gắng liên tục của con người.

Cầu dài 1682m, cầu dẫn 896m, có 20 trụ cầu cao 44m, trong đó 30m nằm dưới nước. Cầu cao 17m so với mặt trụ, và 61m so với mặt móng. Hai nhịp ngoài cùng dài 78,7m; 9 nhịp 75m; xen kẽ với 8 nhịp 106,2m. Vật liệu sử dụng là 30.000m3 đá, 5.300 tấn sắt, chi phí 6.200.000France (có tài liệu nói 10,5 triệu France).

Hội thảo quốc tế về công trình năm 2000 tại Paris (Pháp), cầu Long Biên được tôn vinh là một dấu mốc tiến bộ về kết cấu kim loại của thế giới. Một điều độc đáo của công trình này là nó được lắp ráp chủ yếu bằng phương pháp thủ công, với hai loại: thép góc, thép bản và đinh tán, đơn giản và thoáng.

Khánh thành cầu 8 giờ ngày 28-2-1902. Báo chí mô tả: Cây cầu như con rồng xanh bắc ngang qua dòng nước, như dải cầu vồng đỡ lấy bầu trời, ngắm nhìn mà hoa cả mắt, không sao kể xiết được… Còn Toàn quyền Paul Doumer thì viết: Cây cầu là một kiệt tác của các kiến trúc sư, đốc công, chỉ huy trưởng người Pháp và những người thợ Việt. Chính các công nhân này đã xây dựng nên toàn bộ cầu.

Cầu Long Biên cũng là “nhân chứng” lịch sử của Hà Nội qua hai cuộc kháng chiến trong thế kỷ 20. Quân đội viễn chinh Pháp ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đã phải leo lên cầu này để qua Hải Phòng lên tầu về nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cầu đã chịu đựng 14 lần bị không quân Mỹ phóng bom lazer, phá 1.500m cầu, làm sập 9 nhịp, 4 trụ bị hỏng, nhưng rồi những tay lái “thần sấm, con ma” cũng phải đi qua cây cầu này “cuốn gói” nước.

“Địch phá ta cứ đi”

Giọng nói của ông Lê Minh Bội chậm rãi nhưng khúc triết: Là người lính Cụ Hồ, trong nhiều năm chỉ huy chiến đấu, càng thấm thía những lời tiên tri của Bác: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi mới chịu thua!”. Khi mới tiếp quản Thủ đô Bác đã nói: “Hà Nội chưa có pháo cao xạ như nhà chưa có nóc”. Ngày 19-5-1965 Sư đoàn Phòng không Hà Nội được thành lập, thì ngày 25-6-1965 các đơn vị đã đồng loạt nổ súng mãnh liệt vào tốp 2 chiếc RF4-C xâm phạm bầu trời Hà Nội, một chiếc bốc cháy.

Tháng 3 năm 1967 không quân Mỹ thực hiện chương trình“Sấm rền 55” đánh vào Hà Nội,  mục tiêu trọng điểm là cầu Long Biên,


Cầu Long Biên là mục tiêu phá hoại của quân đội Mỹ trong chiến tranh

Một thế trận phòng không nhân dân được bày sẵn. Ngay trên những đỉnh cao nhất của cầu được đặt các khẩu súng 12,7mm, dưới những chiếc mũ sắt nhấp nhô của dân quân Hà Nội quyết đối mặt với kẻ thù là một khẩu hiệu vắt ngay cầu “Địch phá ta cứ đi”. Khẩu hiệu lúc đầu là “Địch phá ta sửa ta đi”, sau ngày 11-8-1967 địch đánh sập nhịp 14 của cầu, câu khẩu hiệu được sửa lại cụm từ “Ta sửa ta đi”, bằng cụm từ “Ta cứ đi”. Với ý chí ấy, liệu có sức mạnh nào ngăn nổi chúng ta.

Trận địa pháo phòng không 100mm của chúng tôi đặt tại thôn Gia Thượng, xã Ngọc Thuỵ (Gia Lâm), nay là Phường Ngọc Thụy (Quận Long Biên) thực hiện chiến thuật đưa pháo “ôm” sát chân cầu.

Lực lượng cùng chiến đấu là trung đội dân quân thôn Gia Thượng do cô Lê Thi Hạnh làm trung đội trưởng với gần hai chục cô gái tuổi 18, đôi mươi. Các mẹ chiến sĩ như mẹ Tính, mẹ Sĩ, mẹ Bang, mẹ Thế... hàng ngày chăm sóc bộ đội từ bát nước chè đến cành lá nguỵ trang… Bên những căn lán nhỏ xinh, chúng tôi đã làm những vườn hoa nhỏ để ghi nhớ và thêm yêu những mục tiêu bảo vệ.


Bộ đội ta bằng mọi giá đã bảo vệ cây cầu huyết mạch

Đại đội trưởng Lê Minh Bội đã chỉ huy đơn vị chiến đấu 250 trận, đơn vị bắn rơi 13 máy bay, chiến thắng ấy đã được ghi vào sử sách. Cuốn “Lịch sử Sư đoàn Phòng Không Hà Nội” viết: “10 giờ ngày chủ nhật 12-6-1966 đại đội trưởng Lê Minh Bội chỉ huy đại đội bắn rơi 1 máy bay không người lái 147J, rơi tại chùa Thông, Hòa Mục (Hà Nội) đơn vị đầu tiên bắn rơi máy bay không người lái tại Hà Nội”. “Ngày 5-5-1967 đại đội trưởng Lê Minh Bội chỉ huy bắn 4 loạt rơi 1F105D”. “Ngày 6-11-1967 đại đội trưởng Lê Minh Bội chỉ huy bắn 4 loạt rơi 1F105-D bằng phần tử tổng hợp”.

Nhưng có lẽ trận chiến đấu mà mọi người đều ghi nhớ từng chi tiết là trận ngày 11-8-1967. Hôm ấy, trời về chiều nắng như đổ lửa, không khí oi bức. Các khí tài đang dẫn mục tiêu bay vào. Đại đội trưởng Lê Minh Bội ra lệnh bắn tốp máy bay đang lao thẳng về phía cầu Long Biên. 8 khẩu pháo đồng loạt nổ giòn giã, pháo thủ cùng dân quân hối hả tiếp đạn. Trinh sát Lê Văn Chư thông báo một tốp F105-D hạ thấp độ cao, bay dọc theo sông Hồng, vượt lên bổ nhào xuống khu vực trận địa. Súng 14,5mm bảo vệ trận địa nổ tới tấp. Những qủa bom bi mẹ tách khỏi máy bay lơ lửng treo trên bầu trời. Bom bi trùm lên trận địa. Bom nổ ở khẩu đội 3, và khẩu đội 6. Bom hất đại đội phó Nguyễn Hữu Chát ra khỏi thành công sự. Pháo thủ Nguyền Văn Khánh bị thương nặng nhưng vẫn đang dồn sức quay pháo đã hỏng hệ thống điện, hướng nòng pháo về bắn cùng đại đội. Khánh bị thương lần thứ hai vẫn không rời vị trí, Chị Lê Thị Hạnh phải giằng Khánh ra khỏi vị trí, khom lưng cõng Khánh ra khỏi hầm pháo. Hạnh bị thương lần thứ hai nhưng vẫn xốc Kháng lên lưng mình, miêng luôn động viên: Em cứ yên tâm về tuyến sau. ở khẩu đội 3, Nguyễn Thị Hồng Bích hy sinh cùng với hai chiến sĩ, hai nữ dân quân khác bị thương. Trận chiến đấu ngày 11-8-1967 đơn vị đã cùng quân dân Thủ đô bắn rơi 2 máy bay, đánh tan các tốp máy bay địch vào Hà Nội gây tội ác. Hôm ấy, là ngày đầu tiên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ra lệnh thông xe qua cầu Long Biên sau một thơi gian sửa chữa. Nhịp cầu số 14 đã bị trúng bom. Địch đánh vào trận địa chúng tôi, 6 hy sinh và 32 bị thương. Trời tối, cả đại đội không ai ăn cơm, một sự hẫng hụt bâng khuâng trước mất mát của đơn vị. Đại đội trưởng Lê Minh Bội phải ra lệnh yêu cầu cán bộ chiến sĩ ăn hết xuất cơm để tiếp tục chiến đấu. ông động viên nhân dân, người lo mai táng liệt sĩ, cấp cứu thương binh, người san lấp hố bom, tiếp đạn, xốc lại đội hình sẳn sàng chiến đấu. Công việc tạm ổn, ông bưng bát cơm mà phải quay mặt đi, giấu dòng nước mắt dàn dụa. Đại đội chúng tôi, trưởng thành nhanh chóng trong chiến đấu, thế hệ sau nối tiếp thế hệ đi trước, vào chiến dịch “Điện Biên phủ trên không”.

Câu cầu của tương lai

Vẫn biết sự tàn phá của thiên nhiên và địch họa trên trăm năm, cây cầu đã như người cha già nua, không còn đủ sức oằn lưng cõng những đoàn tàu và bao sức nặng sinh sôi trong thời công nghiệp hóa. Nhưng ký ức thì không thể xóa trắng. Một ngày nào đó người Hà Nội thức dậỵ không còn thấy cây cầu chắc trong lòng trống rỗng, hẫng hụt. Đã có những tranh luận về cây cầy, phá hay là giữ; giữ với tư cách là một di tích hay phục hồi để đi lại? Có lẽ câu trả lời đơn giản nhất: Chỉ cần con người có trí tuệ, tâm huyết và một chút lãng mạn, được nuôi dưỡng bằng những ý tưởng táo bạo thì cây cầu sẽ mãn nguyện khát khao của nhiều người, nhiều thế hệ. Cây cầu có thể được tôn tạo thành tuyến du lịch, cũng có thể là nơi tổ chức các lễ hội văn hóa. Nếu những ý tưởng đó thành hiện thực sẽ là niềm vui, đặc biệt cho những người đã dành một quãng đời gắn bó, bảo vệ cây cầu. Tôi ước mơ được bắc một cây cầu nghệ thuật nối liền quá khứ hiện tại và tương lai, cho người sống và cho cả những linh hồn đồng đội tôi, đã chiến đấu, hy sinh bên cây cầu này. Long Biên sẽ rực rỡ, lung linh muôn ánh đèn soi bóng xuống dòng sông, một con rồng đang bay lên, mang chứng tích lịch sử đau thương, hào hùng, oanh liệt, vươn ra thế giới vì sự phồn vinh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Trần Công Huyền

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link