(TT&VH Cuối tuần) - Một ngày sau khi giải Cống hiến 2010 được công bố, chúng tôi nhận được bài viết rất thú vị của một bạn đọc ở Hà Nội. Trang Bạn đọc xin được trích đăng bài viết này.>> Chuyên đề: Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến 2010
Sự thực không thể chối cãi là Uyên Linh đã bị Tùng Dương đánh bại ở hạng mục được chờ đợi nhất của Cống hiến - giải Ca sĩ của năm. Cũng như trong bóng đá, chiến thắng chỉ dành cho một người - là quán quân, còn lại là những kẻ bại trận.
Những người ủng hộ Uyên Linh (lên tới con số hàng vạn người trong cuộc bầu chọn cho giải thưởng này trên Tintuconline, chiếm trên 75% tổng số phiếu) chắc chắn sẽ chưng hửng vì “thần tượng” của họ thất bại. Nhưng cũng còn một lượng công chúng khác, cũng lớn không kém, được một phen reo hò. Bởi họ là những người “vs Uyên Linh”. Với họ, thất bại này là cơ hội để họ giành ưu thế trong cuộc chiến nhằm “đạp đổ” một thần tượng mà họ cho rằng đã được dựng lên bởi “công nghệ lăng-xê”.
Nhớ lại, trước khi được đề cử, Uyên Linh đã là “Thần tượng âm nhạc” Việt Nam trong một show truyền hình đình đám, nhưng dưới con mắt của khá nhiều người, trong đó có cả giới chuyên môn, cô mới chỉ là một hiện tượng vụt sáng trong một cuộc thi mà người chiến thắng nhờ vào phiếu bầu của đám đông. Bước ra từ cuộc thi hào nhoáng đó, vô hình trung Uyên Linh bị gắn cho cái mác “ca sĩ thời thượng”, “sản phẩm của truyền thông mạng”. Tôi nhớ một comment dưới bài Xôn xao dự đoán Cống hiến trên TT&VH Online, một bạn đọc nào đó đã nói rằng, nếu trao giải cho Uyên Linh, BTC nên nhận giải “A dua”. Trên Trang chủ của Yahoo, bài viết này có khoảng 300 comment và rất nhiều những comment đó là “vs Uyên Linh” với những lời lẽ đôi khi đến hằn học. Trên một báo mạng, Đàm Vĩnh Hưng không ngần ngại thốt lên mấy chữ “ôi trời ơi” để bày tỏ thái độ… khinh khỉnh khi cái tên Uyên Linh được đề cử trong giải Cống hiến. Vì quá yêu và quá kỳ vọng vào Cống hiến, cho nên Mr Đàm tự chỉ ra 2 thái cực: Đàm ở “đỉnh” trên của Cống hiến cho nên BTC không đề cử anh là… dại, còn Uyên Linh thì ở “đáy dưới” (theo “thang” cống hiến của Mr Đàm) và chưa đủ tầm “cống hiến”.
Ở đây bỏ qua chuyện Mr Đàm, tôi chỉ thấy hiện lên cái quy luật tất yếu của cuộc đời, của yêu và ghét. Nếu một bên đã tung hô Uyên Linh đến mức fan cuồng thì gần như tất yếu sẽ hình thành một “đối cực” khác để “cân bằng”. Hai đối cực ấy cứ như âm và dương, như nước và lửa, phản ánh sự mất cân bằng của dư luận và trong thái độ, tình cảm của từng cá nhân đối với một sự vật hiện tượng khách quan (ở đây là ca sĩ Uyên Linh). Hậu quả cả hai bên đều đi đến chỗ thiên lệch, còn người khổ nhất không ai khác chính là Uyên Linh, cô bị soi đến từng chân tơ kẽ tóc. Một thái độ bình tĩnh lúc này là cần thiết vì sự công bằng cho Uyên Linh, nhưng đồng thời cũng vì sự công tâm của chính bạn. Tôi rất tâm đắc với comment của bạn có nickname “Binh” (ublur@ yahoo.com): Đừng vì sợ bị coi là đám đông mà phản ứng lại một cách đám đông.
Trong bối cảnh đó, không ai nghĩ là Uyên Linh giành được 27 phiếu từ các nhà báo, một con số đáng nể, khi chỉ kém người về nhất Tùng Dương 5 phiếu. Những nhà báo là người có ảnh hưởng rất lớn, thậm chí định hướng dư luận, nhưng chính họ phần nào cũng bị áp lực ngược lại của dư luận. Vì thế, theo tôi những nhà báo bầu cho Uyên Linh là những người khá can đảm. Đừng vì sợ bị coi là đám đông mà phản ứng lại một cách đám đông.
Với 27 phiếu, rõ ràng Uyên Linh không đơn độc trong một năm cống hiến của cô. Song đó chỉ là trong năm 2010 từ góc nhìn của giới báo chí thôi nhé. Nếu có ý định chinh phục giải thưởng này, Uyên Linh sẽ phải “cống hiến” lại từ đầu, thời gian bắt đầu tính từ 1/1/2011!
Lương Tiểu Phương