(TT&VH) - Lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, triển lãm biếm họa (nằm trong khuôn khổ giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ III - Cúp Rồng Tre, với chủ đề Môi trường và biến đổi sinh thái) sẽ được tổ chức ngoài đường phố.
Trên vỉa hè tại 61 Lý Thái Tổ, nơi từng diễn ra hòa nhạc Luala Concert, triển lãm tranh sơn dầu của nhóm họa sĩ trẻ Hà Nội, triển lãm tác phẩm sắp đặt của họa sĩ Phan Phương Đông, biếm họa sẽ tạo ra sự tương tác với người dân thế nào? Có tạo ra khác biệt so với các loại hình nghệ thuật trên? Liệu ý tưởng đưa các tác phẩm biếm họa rời phòng triển lãm kín bốn phía tường bao ra ngoài đường phố được các nhà nghiên cứu, giám tuyển, họa sĩ nhận định thế nào? TT&VH ghi nhận ý kiến của nghệ sĩ/giám tuyển Trần Lương, họa sĩ LAP và nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông.
Nghệ sĩ Trần Lương: Bày tranh trên phố rất phù hợp
“Đối với các dạng nghệ thuật cổ điển, việc triển lãm hay diễn trên đường phố, nơi công cộng còn cần phải có những điều kiện cụ thể thì việc thưởng thức mới được trọn vẹn. Nhưng với các loại hình nghệ thuật mang tính xã hội, tương tác hay phản biện, thì việc bày trên đường phố như triển lãm biếm họa lần này là rất phù hợp. Đối tượng người xem không được quy hoạch trước là điểm mới mẻ và chắc sẽ đa dạng hơn.
Tâm lý của người xem trên phố thoải mái và cởi mở hơn trong phòng triển lãm. Vì vậy việc bàn cãi tranh luận sẽ được khuyến khích. Tôi gợi ý cho BTC (nếu kịp) là để hộp giấy bút ở mỗi tấm panel treo tranh cho mọi người viết bình luận và nếu có thể vẽ nhanh một tranh biếm của họ. Giải lần trước khi triển lãm ở TP.HCM có các họa sĩ biếm đến phòng triển lãm vẽ chân dung, nếu lần này cũng làm thế được thì quá hay vì hơn cả việc vẽ chân dung, người xem có thể tranh luận trực tiếp với tác giả sẽ mở ra nhiều điều và kinh nghiệm hay cho cả hai phía”.
Họa sĩ LAP: Triển lãm sẽ gây chú ý
“Ý tưởng đưa các bức tranh biếm họa về môi trường và biến đổi sinh thái trưng bày ở vỉa hè trên đường Lý Thái Tổ là rất hay. Nếu như triển lãm chỉ ở trong một phòng trưng bày nào đó như trước đây thì chỉ có những ai quan tâm đến thể loại biếm họa mới đến xem, thì nay, với việc đưa biếm họa ra ngoài đường, mọi người dân, kể cả những ai chưa từng quan tâm đến biếm họa, dừng lại và khám phá ra một loại hình mới.
Biếm họa là một cách truyền đạt thông tin hiệu quả, trực tiếp, rõ ràng và tác động ngay lập tức đến người xem. Vì vậy, khi thực hiện triển lãm biếm họa ngoài đường, nếu đảm bảo được các điều kiện an toàn cho các bức tranh không bị xâm hại bởi ý thức chưa cao của người dân hay sự thay đổi thời tiết thì đây là một triển lãm có tác động cao, gây chú ý. Ngoài ra, vì chủ đề năm nay về môi trường và biến đổi sinh thái, nên việc đưa các tác phẩm ra đường phố để tạo ra sự tương tác, gần gũi hơn với người dân là việc nên làm. Tôi rất ủng hộ ý tưởng này. Và tiếc vì lý do cá nhân mà tôi không tham gia dự thi năm nay. Nếu có, ắt hẳn các tác phẩm của tôi sẽ được nhiều người biết đến hơn (cười).
Nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông: Một cách tiếp cận gần gũi nhất với công chúng
“Thể loại tranh biếm họa luôn là một phương tiện nghệ thuật hiệu quả trong việc đấu tranh, phê phán, phản biện xã hội. Tính trực tiếp, đơn giản và dễ tiếp cận là một lợi thế của thể loại này so với nhiều công cụ tuyên truyền, giáo dục khác. Quan trọng hơn, luôn song hành với giá trị đấu tranh, giáo dục... là sự sảng khoái, hài hước lúc nhẹ nhàng, khi sâu sắc mà mỗi tác phẩm biếm họa mang lại cho người xem.
Ý tưởng triển lãm các bức tranh biếm họa vào chung khảo trên đường phố là một việc lẽ ra có thể làm từ lâu và rất nên như thế. Tâm lý e dè của một bộ phận lớn công chúng đối với các cuộc triển lãm bày trong nhà (hội trường, gallery, bảo tàng...) là thực tế thấy rõ. Thành công của các sự kiện nghệ thuật diễn ra trên đường phố - ít nhất là việc thu hút được số lượng lớn người quan tâm là minh chứng (Festival Huế, Festival nghệ thuật đường phố ở Hà Nội, series trình diễn nghệ thuật của Đào Anh Khánh, Luala concert...).
Sự tương tác giữa tác phẩm và người xem phản ánh trước hết qua sự bình chọn trên mạng Internet, sau đó là số lượt người quan sát trực tiếp tại địa điểm trưng bày. Cả việc bình chọn trên mạng và việc trưng bày tác phẩm trên đường phố đều tạo ra cơ hội tương tác tốt cho người xem, nhưng sẽ hiệu quả hơn khi song song với hoạt động trưng bày sẽ có những tọa đàm, trao đổi, giao lưu trực tiếp giữa nhà tổ chức, tác giả, truyền thông và công chúng.
Triển lãm cần phải được tiếp cận một cách đơn giản nhất, gần gũi nhất (về khoảng cách) đối với công chúng vì chủ đề mà nó đề cập - Môi trường và biến đổi sinh thái liên quan trực tiếp tới hành vi, ý thức hàng ngày của mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp”.
An Vũ (lược ghi)