(TT&VH) - “Espana ‘82 khép lại, đội Ý thành công, em có biết không: Paolo Rossi là Vua phá lưới, từ xa sút vào, thủ môn ngã nhào, bóng vào trúng lưới...” – Đã 30 năm trôi qua kể từ ngày đó nhưng mỗi khi bước vào trận Chung kết World Cup hay EURO, tôi lại nhớ về những ngày đầu nghe lời ca (không nhớ rõ giai điệu được cải biên từ bài hát nào?) “mon men” làm quen với khái niệm về bóng đá.
Cũng bởi thời đó Bản tin Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế thế giới/TTXVN nơi tôi làm việc nằm trên tầng 3, mà phía dưới là Tòa soạn Tuần tin Văn hóa & Thể thao quốc tế, trong cùng tòa nhà số 5 Lý Thường Kiệt – Hà Nội. Hàng ngày với đồng lương ít ỏi của một biên tập viên tiếng Pháp mới ra trường, tôi đều mua một tờ Tin nhanh Espana- sản phẩm tiền thân của báo Thể thao và Văn hóa lúc đó.
Thực ra, tìm hiểu về bóng đá thì ít mà vì thích ngắm các cầu thủ Tây Âu đẹp trai thì nhiều và quan điểm đó vẫn theo tôi đến tận bây giờ, ngay cả khi trả lời phỏng vấn chuyên mục thể thao của VTV3 năm 2004 khi đang lang thang bên quầy báo góc đường Lý Thường Kiệt với tờ Tin nhanh trên tay cho câu hỏi: - Chị thích nhất đội nào? - Tôi thích đội Ý vì có cầu thủ Roberto Baggio rất quyến rũ!
Còn nhớ, vì có trong tay tờ báo và phần nào cũng hiểu về “Cỗ xe tăng Đức” với những người hùng trên sân cỏ như Karl–Heinz Rummenigger hay Harald Schumacher nên ngay buổi sáng sau trận Chung kết World Cup 1982, tôi được dự buổi gặp mặt giữa chuyên gia tiếng Pháp (thuộc Bộ Ngoại giao Pháp) với khoảng hơn 50 anh chị em thuộc các Bộ, ngành khác nhau giới thiệu về thể lệ thi vào Trường Hành chính Quốc gia Pháp (ENA). Mở đầu cuộc gặp mặt lại chính là cuộc tranh luận về kết quả trận Chung kết giữa bà chuyên gia Pháp và chúng tôi. Được hỏi vì sao tôi thích Ý vô địch, không do dự tôi đáp lời: “Vì cỗ xe tăng Đức chơi không đẹp, hay đốn người, còn đội quân Thiên thanh chơi đẹp và có nhiều cầu thủ đẹp trai”. Cả lớp vỗ tay tán thưởng, trong khi chị bạn cùng cơ quan ngồi cạnh thì thầm: “Sao mày biết dùng từ 'đốn người'?”, tôi bảo xem Tin nhanh nói thế!
Nhưng có lẽ điều làm tôi nhớ nhất là vào mùa Hè năm 1984, khi Michel Platini và các đồng đội khoác áo màu Bleu đã mang lại vinh quang cho đất nước của Chú Gà trống Gaulois – sau khi đánh bại đội Tây Ban Nha giành chức vô địch châu Âu, không hiểu vì lý do gì, Tòa soạn của tôi bỗng nhận được một lá thư của một cô gái tên Thúy ở thành phố Nam Định gửi... chàng cầu thủ mang áo số 10 nổi tiếng của Đội tuyển Pháp. Đọc thư cả Tòa soạn bật cười vì mở đầu thư là câu “Hỡi Platini- chú Gà trống thân yêu của em!” và "đặc biệt" hơn nữa: Cô bé còn tự ghép tên mình với tên của Platini thành “Michel Thúy” chỉ vì mê mẩn ông Vua phá lưới với 9 bàn thắng tại giải đấu này. Thúy đề nghị đăng giúp bức thư đó trên tờ Tin Nhanh bóng đá kèm theo một nguyện vọng "nếu ai đó trong tòa soạn có dịp sang Pháp xin nhờ chuyển lá thư đó đến tay Michel Platini". Tôi chuyển bức thư cho anh Hoàng Hòe – lúc đó là Thư ký tòa soạn báo Thể thao & Văn hóa và câu chuyện về cô “Michel Thúy” thỉnh thoảng lại được nhắc tới như một câu chuyện vui.
Rồi cùng với năm tháng, với sự góp mặt của nhiều chuyên mục đa dạng và phong phú, rồi đổi tên, tăng trang, tăng kỳ phát hành và cả măng-xét nữa, những năm gần đây mỗi ngày mở trang báo ra xem, và vì cũng do tuổi tác nên tôi chỉ thích nghiền ngẫm các tin-bài về văn hóa- xã hội, đặc biệt những mục như “Trò chuyện cuối tuần”, “Chuyện vỉa hè” trên báo Thể thao và Văn hóa Cuối tuần hay chuyên mục “Thế giới 360 độ” trên báo ngày với cách viết vừa nghiêm túc, vừa dí dỏm của những cây bút có tên tuổi mà bạn đọc lứa tuổi tôi luôn hưởng ứng và chờ đón đọc.
Những kỷ niệm nho nhỏ trên đây đã cùng tôi đi suốt chiều dài 30 năm của Thể thao & Văn hóa, dù đã qua biết bao đời Tổng biên tập – những "thuyền trưởng" quả cảm đã góp phần to lớn vào việc duy trì uy tín của tờ Thể thao & Văn hóa trong làng báo chí cách mạng Việt Nam. Với tôi, Thể thao & Văn hóa luôn là tờ báo có chỗ đứng vững vàng và đầy tin yêu trong lòng bạn đọc.
Đêm Chung kết Euro 2012
Vân Thanh (Hà Nội)