(TT&VH Cuối tuần) - Dân lái xe thường gọi chiếc “xế hộp” là vợ hai. Còn với tôi, một người viết báo, vợ hai chính là tờ báo mà mình từng yêu, từng gắn bó, nhiều khi dành thời gian bên “nàng” còn nhiều hơn cho gia đình của mình. Đấy là báo TT&VH của đầu những năm 2000.
1. Tôi quen “nàng” khá tình cờ. Vào những năm 1995, 1996, tôi đang làm tại Thời báo tài chính Việt Nam. Tòa soạn của tôi nằm tại 138 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, còn Văn phòng đại diện TT&VH ở số 120 phố này. Tạm gọi là hàng xóm.
Thời gian đó, TT&VH, 36 trang, ra 2 số (thứ Ba, thứ Sáu)/tuần và là một trong những báo mà tôi thích đọc. Một lần tôi dịch vài tin văn hóa nước ngoài rồi gửi vào thùng thư của TT&VH, vài hôm sau thấy tin của mình đăng trong mục Người và việc qua hình ảnh thì rất mừng và sướng lắm. Những ai từng viết báo chắc sẽ hiểu và cảm nhận sự sướng của một tay viết ở tờ báo mang tính kinh tế vốn dĩ khô khan, ít ai đọc, nay lại xuất hiện tại một tờ báo có lượng độc giả lớn.
Cứ thế, năm thỉnh mười thoảng tôi viết một, hai cái tin cho “nàng”. Mà lúc ấy viết tay, sang hơn một chút thì đánh máy chứ chưa có computer, rồi Internet như bây giờ...
Bước ngoặt trong “mối tình” của tôi với “nàng” là năm 1999. Khi đó nhân loại đang chuẩn bị bước sang thế kỷ 21, mốc thời gian mà ai cũng kỳ vọng về một viễn cảnh tươi sáng. Nhân dịp này tôi đề nghị Ban biên tập khi ấy mở chuyên mục “phỏng vấn lùi”. Ý tưởng đơn giản thôi, đếm ngược thời gian (… tuần nữa là đến năm 2000), mỗi tuần phỏng vấn một chuyên gia, quan chức đầu ngành của một lĩnh vực, để người đó dự báo về những đổi thay của lĩnh vực đó. Đề xuất đã được chấp thuận ngay và trong năm 1999, hàng tuần, trên TT&VH, đều có bài phỏng vấn các chuyên gia đầu ngành. Trong số này có GS-TS Lê Quả, GS Nguyễn Lộc, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, Giám đốc Trung tâm UNESCO phát triển văn hóa mặc Vũ Chí Công, Th.S Lê Bá Quang, GS-TS Nguyễn Thanh Tuyền… Chuyên mục khá thành công và sau đó một vài báo, đài dựa vào ý tưởng này để mở các chuyên mục tương tự. Song, quan trọng hơn với tôi đó là “nàng” đã tin và dùng mình. Đây là điều rất cần thiết cho bất cứ mối lương duyên nào trong công việc. Và nó góp phần mang tới cho “nàng” những món ăn độc đáo trong thực đơn (văn hóa) phong phú, đa dạng của mình. Với phương châm ấy, trên TT&VH còn có các chuyên mục cực kỳ gây ấn tượng khác, như Lê Hoàng (Lê Thị Liên Hoan) với Phản chiếu, Phan Thị Vàng Anh (Thảo Hảo) với Xem-Nghe-Đọc… Rồi sự xuất hiện khá thường xuyên của các cây bút như Đức Kôn, Phạm Xuân Nguyên, Vương Trí Nhàn, Tô Hoàng, Nguyễn Quân, Thái Bá Vân… trong nhiều chuyên mục khác đã làm nên sức hút lớn của một tờ báo vốn được nhiều người yêu mến.
2. Vào năm 2002, do nhu cầu nên TT&VH tăng từ 36 trang lên 48 trang. Khi đó tòa soạn ngỏ ý mời tôi về làm và tôi đã không do dự khi nhận lời. Đến đây thì “nàng” chính thức trở thành vợ hai của tôi.
Khi về chung sống với “nàng”, tôi phát hiện ra một điều khá đặc biệt: khác với nhiều tờ báo, tại TT&VH phóng viên được phân chuyên mảng chỉ để khỏi bỏ sót thông tin, còn lĩnh vực nào cũng có thể viết được, miễn là hay, có vấn đề. Điều này ít nhiều tạo nên tính cạnh tranh giữa những phóng viên trong báo. Trong mảng văn hóa nghệ thuật lúc đó báo có dàn phóng viên cứng về nghề như Phạm Thị Thu Thủy, Võ Tiến, Đỗ Doãn Phương, Vũ Lâm… Còn bên thể thao có các cây bút nổi tiếng như Hồng Ngọc, Lê Trần Long, Trương Anh Ngọc, Vũ Trung Sơn, Đức Trường… Rồi các cộng tác viên tên tuổi như Nguyễn Lưu, Nguyễn Nguyên, Nam Khang… Mọi người làm việc hăng say và có trách nhiệm. Mỗi một số báo lúc đó tôi có cảm giác giống như một trận đánh, bao giờ cũng phải có tin, bài nóng sốt, gây vấn đề của thể thao hay văn hóa.
Do báo phát hành với số lượng lớn, nên sự lan tỏa cũng như những phản hồi thường rất nhanh. Với những tin bài mang tính khen ngợi, biểu dương thì không sao, nhưng nếu “đụng chạm” một tí quả là nhớ đời. Tôi nhớ vào năm 2002, sau khi bài chê về công tác tổ chức của Lễ trao giải Cánh diều Vàng đăng trên TT&VH, Ban thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam làm công văn phản ứng khá quyết liệt, trong đó cho rằng những gì tôi viết là non kém và không đúng sự thật. Tôi buộc phải đưa ra các luận chứng chứng minh các thông tin trong bài viết là chính xác. Ban biên tập TT&VH đã ủng hộ quan điểm của tôi. Điều này không chỉ tiếp sức cho tôi mà còn cả những đồng nghiệp nữa. Hay vào tháng 5/2005, Hãng phim Việt, có sáng kiến làm phép để “biến” bộ phim nhiều tập (kỹ thuật số) 390 Yêu thành một bộ phim điện ảnh 1 tập để chiếu rạp. Họ không hiểu sự khác biệt giữa truyền hình và điện ảnh, lắp ghép một bộ phim rất non tay nghề. Tôi đã viết bài ngắn (khoảng 500 chữ, ký bút danh khác) tựa đề 00yêu với ý hàm trách như vừa nêu. Ai dè khi báo ra, bên Hãng phim Việt cứ lân la dò hỏi ai là tác giả bài viết… Rồi nghe đâu văn phòng của họ bị “ông chủ” cho đóng cửa 2 tuần vì không biết “quan hệ” với báo chí.
Những chuyện đụng chạm ấy khá nhiều và vui sau mỗi lần như thế, dường như mọi chuyện tốt hơn lên. Song vui hơn, là quãng thời gian gắn bó với “nàng”, tôi được tiếp xúc, phỏng vấn, dựng chân dung nhiều nhân vật đáng kính như giáo sư Trần Văn Khê, nhà từ điển học Nguyễn Đắc Sơn, dịch giả Diễm Châu, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Phi Tiến Sơn…, rồi kiến trúc sư John Lang, nhà Việt Nam học Darya Mishukova, nhạc trưởng Oliver Gangean… Bài đăng báo, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc, còn tôi học hỏi được ở các nhân vật những kiến thức không dễ gì có được. Ngày ấy viết nhiều, giờ đọc lại các bài viết ấy, không phải mèo khen mèo dài đuôi, nhưng phải tự thầm khen mình: Sao lúc ấy mình viết hay như thế! Có lẽ, khi đó TT&VH cũng như những trang báo thể thao, văn hóa “chính thống” đang đạt tới điểm cực thịnh, một không khí sáng tạo luôn bao trùm, rồi những nhân vật nổi tiếng, các vấn đề gai góc… bất cứ ai cầm bút, chắc hẳn cũng tạo ra những bài viết có sức hút.
3. Năm 2005, do áp lực cạnh tranh từ các nhật báo, TT&VH tăng thêm một kỳ (số thứ Bảy), rồi năm 2007 ra nhật báo. Thời thế thay đổi, mọi thứ không thể như xưa. Ngay con ngõ nhà tôi cũng thay đổi đến chóng mặt, ngõ nhỏ lại, nhà nhấp nhô thêm, ồn ào hơn, người nhiều hơn nên không khí dường như cũng ngột ngạt hơn. Gia đình tôi cũng đã “thay đổi tư duy”, đổi từ nhà ngõ đông đúc nhưng ấm áp lên chung cư mới yên tĩnh nhưng cũng… lạnh lùng hơn. Thời thế báo chí cũng thay đổi nhiều. Những thông tin dạng giải trí, những “sốc”, những “hot” dường như trở nên hấp dẫn hơn với những bạn đọc dễ tính và dường như cũng dễ viết hơn với những cây bút dễ dãi. Đây chính là thời khắc khó khăn nhất, thử thách bản lĩnh và đẳng cấp văn hóa của những tờ báo đã có một đẳng cấp, một phong cách riêng như TT&VH…
Bản thân tôi cũng đã không còn làm việc ở TT&VH. Chia tay “vợ hai”, nhưng với tôi, “nàng” vẫn là một “người tình bí ẩn”, khiến lúc nào và ở đâu, mình vẫn dõi theo “nàng” dù chỉ âm thầm, lặng lẽ. Cũng buồn bực, giận dỗi mỗi khi thấy “dung nhan” của “nàng” có vấn đề, và đôi khi sung sướng, tự hào khi đọc được ở “nàng” những bài viết phong độ và kiểu cách của ngày trước…
Hoàng Hoài Sơn