(TT&VH) - Nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Giáp là người góp phần khai sinh ra TT&VH ngày nay, phụ trách “Tin nhanh ESPANA” (1982) – tiền thân của TT&VH - cho đến năm 1989. Nhớ lại ngày xuất hiện Tin nhanh ESPANA, ông nói: “Để TT&VH ra đời cần có 2 điều kiện “cần” và “đủ” – nói theo ngôn ngữ toán học - thứ nhất là đột phá về quan niệm thông tin, thứ hai là tiềm lực của TTXVN”.
Nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Giáp
|
1. TTXVN nhận được rất nhiều thông tin về thể thao quốc tế, đặc biệt là bóng đá nhưng chỉ đưa tin sơ sài. Như World Cup năm 1962 mà Brazil vô địch với các danh thủ như Pele, Viva, Báo Nhân Dân còn đưa tin kỹ hơn TTXVN. Sau năm 1982, khi đất nước bắt đầu có những đổi mới thì các cơ quan thông tin bắt đầu “bung” ra đưa tin về mọi mặt của xã hội. Đảng chủ trương mở rộng nội dung và hình thức thông tin nhưng TTXVN cũng như các báo lúng túng không biết mở rộng như thế nào vì chưa nắm bắt được đầy đủ sự phát triển của công nghệ báo chí và thông tin thế giới. TTX cũng có nhiều tìm tòi để “đổi mới”, trong đó có việc xuất bản tờ Tin nhanh Espana năm 1982 hàng ngày.
Tin nhanh Espana năm 1982 ngay lập tức trở thành hiện tượng khi đó. Người mua đông, 2 giờ chiều người hâm mộ đã xếp hàng rồng rắn tại số 5 Lý Thường Kiệt, điểm phát hành của TTX đối diện ĐH Tổng hợp. Nhân viên phát hành bán không kịp. Tin nhanh Espana được bán theo “giá thị trường”. Ngoài Hà Nội và TP.HCM, nhiều tỉnh thành trong nước, Tin nhanh Espana cũng được bán ngay trong ngày.
Tờ tin nhanh được công chúng hoan nghênh nhưng cũng có dư luận phản đối cho rằng TTXVN quá lạm dụng các thông tin thể thao, đưa tin bóng đá quá nhiều làm cho công chúng sao nhãng những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Nhưng lãnh đạo TTX lúc bấy giờ kiên quyết bảo vệ ý tưởng của mình. Ông Đào Tùng, Tổng Giám đốc TTX lúc bấy giờ đã tự tay viết bài cho bản tin.
Yếu tố quan trọng để Tin nhanh Espana ra đời và tồn tại là tiềm lực hùng hậu về mọi mặt của TTXVN. Muốn đưa tin về bóng đá thế giới phải dựa vào nguồn tin của các hãng thông tấn nước ngoài, khi ấy, chỉ có TTX mới có đủ điều kiện kỹ thuật để nhận. Những người làm Tin nhanh Espana là các BTV giỏi của Ban thế giới, chưa có đội ngũ chuyên nghiệp. Khi đó, người bình thường ít được tiếp xúc với thông tin thể thao quốc tế. Tivi hiếm và không phát kênh nước ngoài. Đa số người Việt Nam không biết ngoại ngữ để nghe đài BBC hay đài VOA. Chỉ có các hãng thông tấn Reuter, AFP đưa tường thuật đầy đủ các trận thi đấu. Thêm vào đó, TTX có đội ngũ phóng viên ở Pháp, Đức, Nga điện về, bài vở phong phú, đặc biệt là nhiều bài bình luận sắc sảo. Sau giai đoạn làm tin nhanh, TTX cho ra đời tờ Thể thao & Văn hóa. Lúc đầu nó mang tên Văn hóa và Thể thao Quốc tế và dưới danh nghĩa là một bản tin của TTXVN. Ngoài nguồn tin của các hãng thông tấn lớn, TT&VH đã tận dụng khai thác bài vở và ảnh của các tạp chí, chuyên san và báo hàng ngày có uy tín trên thế giới, do đó có một lượng tin phong phú và mới mẻ. Nhờ vậy, TT&VH có lợi thế áp đảo.
2. Ngày nay, độc giả Việt Nam dường như đã bị “bội thực” về thông tin. Mấy chú bé tuổi teen cũng rành rọt về lý lịch của Beckham hay Messi. Những “tay mơ” cũng biết ít nhiều về mấy cô đào “bốc lửa” như Marilyn Monroe hay Chương Tử Di. Không ít bạn trẻ tay ngang nhập vai Jackson hay Lady Gaga như thật. Ảnh “nuy” không còn bị “cấm cửa” đối với các tạp chí nghệ thuật. Và hầu hết chúng ta đều không còn xúc cảm khi xem những bức ảnh “thiếu vải” của các cô người mẫu thích “lộ hàng”. Cao xa hơn nữa, những tác phẩm “sắp đặt”, những bài thơ theo trường phái “hậu hiện đại”, những vở kịch dùng ngôn ngữ “hình thể” đã có đất sống. Nhưng 30 năm trước đây, tất cả những cái đó đều là “hàng độc”, nếu không phải là “quả cấm”. Với tinh thần trách nhiệm cao và thái độ thận trọng, TT&VH đã thông tin một cách đều đặn, khách quan và kịp thời.
Vì vậy, có độc giả đã đánh giá TT&VH là “một cánh cửa hé mở nhìn ra thế giới”. Nếu bác xích lô gác chân lên càng xe nằm đọc TT&VH trong lúc đợi khách thì vị giáo sư già cũng thích thú với chuyên mục Tin Văn hóa.
Từ một tờ báo, in trên giấy xấu, lem luốc, TT&VH đã trở thành một tờ nhật báo với phụ san hàng tuần sang trọng tin màu trên giấy couche. Từ một tờ báo giấy, TT&VH còn đảm trách các bản tin truyền hình và chủ trì hai giải thưởng nghệ thuật có uy tín: Giải Âm nhạc Cống hiến và Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam.
Nhưng nếu ai đó ngủ mê trên cái gối của quá khứ - dù vinh quang đến đâu nữa – cũng sẽ bị “ngơ ngác” khi tỉnh giấc muộn màng. Không ít tờ báo lớn trên thế giới, có trăm năm lịch sử giờ đang phải tính tới chuyện đình bản, thu hẹp ấn phẩm hoặc sáp nhập.
Kỷ niệm 30 năm cũng chính là lúc TT&VH nhìn lại quãng đường đã đi, rút kinh nghiệm, hoàn thiện mình hơn nữa, phát triển mạnh mẽ phục vụ tốt hơn cho độc giả và bắt kịp với sự phát triển của đất nước và thời đại.
Mạnh Cường (ghi)