(TT&VH) - Tôi đã nghe ông bình luận bóng đá trên truyền hình và đọc bài của ông (cũng là bình) trên một số tờ báo viết. Miệng nói hay tay viết, ở ông đều cho thấy một tư chất chữ nghĩa không xoàng, hơn thế nữa, màu vẻ cuộc đời ít nhiều cũng được ông biết cách cho nó lăn theo cùng trái bóng.
Tôi cũng biết, gần như cả nhà ông, ông và hai con trai đều là cầu thủ bóng đá nổi tiếng một thời. Ông là Đặng Gia Mẫn. Không là nhà văn, chưa là nhà báo, nhưng ông đúng đã là nhà giáo dạy toán cho nhiều trường PTTH. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, vừa đi làm thầy giáo vừa là cầu thủ bóng đá có danh tiếng, kể vậy cũng là “hàng” độc. Gần đây, chiêu võ viết của ông xem ra lại rất nghề, thế mới vui, thế mới lạ. Người ta bảo ông rất mê văn học phương Tây và văn học Nga – Xô Viết. Biết vậy, tôi càng tin rằng trong ông như có hương vị của một thương hiệu cà phê 3 trong 1 (cầu thủ, thầy giáo và văn chương).
Bình luận bóng đá của ông trên tờ Thể thao & Văn hóa đã thực sự làm cho tờ báo này có thêm hương và vị mà nếu thiếu nó, tôi tin nhiều người sẽ kém vui. Có lẽ tôi phải làm ngay một lát cắt ngang, hay nói khác đi là khoanh ông lại chỉ vào một ít bài báo ông đã viết về bóng đá, mới toanh, trong kỳ Euro 2012 trên tờ Thể thao & Văn hóa.
Không chỉ bằng ngôn ngữ chuyên môn bóng đá, ông viết về bóng đá còn bằng những cảm nhận tinh tế của ngôn ngữ hình ảnh cuộc đời. Rồi hình ảnh, chi tiết và số liệu cũng được ông liều lượng hóa hài hòa, tạo cho mỗi một bài bình ngăn ngắn thôi một chút nhựa, một cái duyên lôi cuốn. Ở đây, tôi thấy có cái gì từa tựa như việc làm của người chưng cất rượu, không làm mất đi thành phần thực của ngũ cốc, nhưng vẫn có đủ vừa hương vị của men ngon.
Ông gọi đội tuyển Hà Lan là “kẻ thất bại vĩ đại” vì hai lần liền ngỡ nhất mà chỉ về nhì thế giới. Ông bảo họ là “những nghệ sĩ đỏng đảnh” thì đúng là ông đã day đúng huyệt. Ông đưa chi tiết “một chú bé ở vùng trũng của bóng đá mà còn bắt bài, đọc vị được kiểu rê dắt của Robben thì không lý gì mà hàng phòng ngự rất “chì” của Đan Mạch lại không ngăn cản được”. Nói đúng, lại nói khéo nói hay thì hiệu quả thẩm mỹ khác gì một pha ghi bàn tuyệt đẹp. Chốt lại, ông nói một câu thật thấu tình “Đỏng đảnh không hẳn là xấu. Đôi khi nó còn đáng yêu nếu như sự đỏng đảnh không làm hỏng việc lớn”.
Cũng chốt lại bằng kiểu cách duyên duyên như vậy khi ông treo lên cái dấu chấm than cho bao người tiếc nuối đội tuyển Nga khi đội này đã không biết hay không dám dấn lên trước Ba Lan, bằng một câu thơ của chính nhà thơ Nga Olga Bergon “Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi”. Rồi đến khi đội tuyển Nga phải dừng cuộc chơi, ông đã bình cho cái sự thua vừa đúng vừa có chút khôi hài, lịch sự là “Gấu Nga đang phú quý giật lùi (từ thắng đến hòa rồi thua)” và “Khách về giật lùi thì làm sao ta có thể nhìn thấy “phía đẹp nhất là sau lưng” như Aimatốp đã nhắc lại câu ngạn ngữ này của người Đaghextan. Tôi chắc cũng không ít người phải gật gù thấy đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng khi ông bảo đội tuyển Anh năm nay là “Chúa sơn lâm cũng lở mồm long móng”.
Mỗi kỳ World cup hay Euro, gần như cả thiên hạ nói về bóng đá. Và ai đã xem, đã mê thì đều thành “nhà” bình luận cả. Nhưng ngay trong những nhà báo chuyên về bóng đá, số người nói cho hay viết cho hấp dẫn, quả thật không nhiều. Người thì ngôn từ quá vóng hót dễ thành lộng ngữ. Người thì lại quá ham sâu vào đấu pháp, với sơ đồ chiến thuật, dễ thành khô và rối.
Có không ít người lại hay có những giả định vô lý, buồn cười như “nếu không muốn thua” hoặc “nếu không có thủ môn” thì… Còn đây, tôi muốn trích thêm vài ba câu bình ngăn ngắn của ông Mẫn để thấy nếu không 3 thì ít nhất cũng có 2 trong 1 “… người Đức thì không hề trượt chân (theo nghĩa đen như người Italia) nhưng lại không thể bước qua lời nguyền (*) - Thua người Italia ở tất cả các giải đấu lớn… Thế trận, cơ hội là cân bằng nhưng người Italia hơn hẳn người Đức ở những thứ “mơ hồ” đó là sự khôn ngoan”. Vì vậy đầu đề một bài viết “Trí khôn của ta đâu” vừa có hơi hướng chữ nghĩa của một truyện cổ tích Việt Nam, vừa là dụng ý của ông muốn bắt mạch cỗ xe tăng Đức.
Thái Thanh (Hà Nội)
(*): Chữ dùng trùng với tên một truyện vừa của nhà văn Tạ Duy Anh