Cái “uy” trong làng báo, cái “danh” trong lòng bạn đọc

10:20 26/07/2012


 

(TT&VH) - Nơi tôi lớn lên cách Hà Nội 150 km! Khoảng cách ấy đã khiến cho tôi biết đến tờ bản tin đầu tiên chuyên về Thể thao của nước Việt Nam chậm đến 4 năm trời. Tận khi lên 7 tuổi, khi đã biết bóng đá là thế nào? Biết yêu Maradona ở Mexico 1986 ra sao? Tôi mới mò được một nắm giấy cũ mèm trong góc bàn làm việc của bố đọc qua và… trời ơi là… sướng!

Bố công tác ở tận Hà Nội, trong các giấy tờ ông mang về có Bản tin Espana 82 do Thông tấn xã Việt Nam phát hành. Khi đọc bản tin thể thao đầu tiên ấy, những bài báo về kỳ World cup 4 năm trước đó đã khiến tôi ngây ngất và nôn nao đến mấy hôm: Quá nhiều thông tin về bóng đá mà tôi và mấy cậu bạn trong khu tập thể tiếp nhận được, hơn hẳn nhưng khuôn hình đơn điệu mà chiếc ti vi đen trắng “cửa lùa” cung cấp cho.

Nghĩ lại vẫn thấy buồn cười, mấy tờ giấy đen nhẻm đó là bảo bối cho tôi (vốn là thằng chuyên chơi ở vị trí… thủ môn dự bị) có quyền nói phét “không phanh nổi” mỗi lần cả bọn nghỉ giải lao giữa hiệp khi ra bờ đê đá bóng. Mà kể bao lần (tất nhiên mỗi lần phải thêm thắt chút đỉnh), cả bọn vẫn cứ há hốc mồm nghe mới kinh chứ.



Tác giả Nam Hải tác nghiệp trên sân vận động Bung Karno (Indonesia) tại SEA Games 2011.

Lớn lên, học báo, đi làm báo lại làm đúng cái phần thể thao, mới thấy tờ bản tin thể thao 30 năm trước đã có sự đột phá rất lớn. Bài trang 1 vượt ra ngoài giới hạn của chuẩn mực báo chí  mà sau này tôi được học: Nó có tít bài gồm 18 từ thay vì giới hạn 9 từ. Và cái tít thì đúng là một siêu phẩm vào cái thời kỳ “Ăn bánh sắn, chấm xì dầu…” lúc đó: “Đội nào sẽ vào chung kết: Ý kiến của máy tính điện tử và các huấn luyện viên”.  Giời ạ! Khi Pháp nã đại bác vào bán đảo Sơn Trà, cả triều đình Huế bàng hoàng nhớn nhác hỏi “Hắn quẳng cái chi vô mà kinh thiên động địa rứa hỉ?” cũng chẳng khác chi dân ta năm 1982 nghe đến một chiếc máy tính điện tử mà lại có ý kiến nhận định về bóng đá (!?). Khiếp quá mà phải đọc, đọc rồi thấy khiếp quá.

Những cái tít bài của Thể thao & Văn hóa “tự cổ chí kim” chưa bao giờ… ngắn và thiếu sự “đưa đẩy”. Văn hóa Việt Nam khu biệt lắm, chẳng ai dẫn con trai nhà mình đến con gái nhà người ta mà ngắn gọn rằng “Con tôi nó lấy con bà” như Tây. Để có được cái câu mấu chốt ấy, người ta phải trình bày chán chê, đưa cả tám đời tổ tông của hai họ vào câu chuyện đón đưa rồi mới đến câu kết: “Mong muốn hai cháu nó làm bạn với nhau”… Mạnh dạn nắm bắt tâm lý đọc và dám “chiều” độc giả, những người đặt nền móng cho tờ Thể thao & Văn hóa đã có một hướng đi chuẩn chỉnh cho các bước phát triển tiếp theo của tờ báo.

Nhưng phải công nhận một điều, bản tin Espana 82 khi ấy gặp được cái “vận” cực tốt. Sự ra đời của bản tin thể thao đầu tiên vào năm 1982 là cái thời điểm mà dân ta “cần một cái gì để đọc” cho vui giữa một loạt những thứ sản phẩm văn hóa “cổ động phong trào” đã hết thời, vì thế nó được đón nhận nồng nhiệt.

Nhờ cái “vận” ấy, nên bao năm, Thể thao & Văn hóa đã thu hút cho mình cái “tài”, trên các trang báo luôn xuất hiện các cây bút: Sừng sỏ - Năng lực và đầy năng khiếu. Thế hệ chúng tôi, khi ra trường, anh nào mà có bài viết trên Thể thao & Văn hóa hoặc làm cộng tác viên, cao hơn nữa được nhận vào làm thì đúng là dạng ngôi sao như Messi, Ronaldo bây giờ.

Tôi giờ làm mảng thể thao cho báo Nông thôn Ngày nay, nhiệm vụ là để cho bà con nông dân khắp nơi mọi chốn biết về tình hình thể thao nước nhà, quốc tế, viết sao để bà con biết rằng: Thể thao nước ta còn làng nhàng lắm, rằng thể thao phong trào rèn luyện sức khỏe là hay lắm, bà con nên tăng cường tập luyện…

Bao lần trực biên tập cho các sự kiện thể thao lớn khi nghe mấy ông cộng tác viên “có sừng, có mỏ”: Thanh Thảo, Đặng Gia Mẫn, Phạm Xuân Nguyên… bảo rằng “Chú cứ chờ anh một tí, anh đang bận viết bài cho Thể thao & Văn hóa, lát xong việc thì anh viết cho chú” cũng thấy bực mình và thoáng chút ghen tị. Nhưng nghĩ “Người tuổi 70 phải nghe người 71” thì lại thấy thèm được như báo bạn: Thể thao & Văn hóa.

Hàng loạt báo thể thao ra đời rầm rộ và cũng gần bằng con số ấy lặng lẽ đi vào sự nguội lạnh trong lòng bạn đọc, riêng Thể thao & Văn hóa vẫn giữ được cái “uy” trong làng báo và cái “danh” trong lòng bạn đọc. Có được cái “vận” và cái “tài” suốt 30 năm như thế, không tiếp tục phát triển là có lỗi với bạn đọc nhiều lắm.

Nam Hải (Báo Nông thôn Ngày nay)


Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link