(TT&VH Online) - Như đã đưa tin, chiều nay 3/11, tại Hà Nội, Báo Thể thao & Văn hóa đã phát động Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần III (2011 – 2012) với chủ đề Môi trường và biến đổi sinh thái.
Giải biếm họa báo chí VN - Cúp Rồng tre được khởi xướng nhân dịp 85 năm biếm họa báo chí cách mạng VN (1922- 2007). Trong những năm qua, giải thưởng đã trở thành một cuộc tôn vinh biếm họa lớn nhất toàn quốc, thu hút hàng trăm họa sĩ biếm chuyên và không chuyên tham gia, với hàng nghìn tác phẩm tham dự, được công chúng nhiệt liệt hoan nghênh.
* Cuộc thi diễn ra 2 năm 1 lần với nhiều nét mới!
Nhằm tiếp tục góp phần cổ vũ, thúc đẩy đời sống biếm họa nước nhà, BTC Giải thưởng đã quyết định đưa Giải Biếm họa báo chí Việt Nam trở thành một sinh hoạt biếm họa định kỳ, được tổ chức 2 năm/lần và chính thức chọn trao Cúp “Rồng Tre” cho giải Nhất.
Tổng Biên tập báo Thể thao & Văn hóa, bà Trương Lê Kim Hoa, phát biểu khai mạc Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần III (2011 – 2012) với chủ đề Môi trường và biến đổi sinh thái. Trong ảnh từ trái sang phải: Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen, Phó TGĐ TTXVN Ngô Hà Thái, Tổng Biên tập báo Thể thao & Văn hóa Trương Lê Kim Hoa và Họa sĩ Lý Trực Dũng - Ảnh Cao Mạnh Tuấn
Bà Trương Lê Kim Hoa, Tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa, Trưởng BTC cho biết: Hai năm, đến hẹn lại lên, cuộc thi chính thức được khởi động với chủ đề: Môi trường và biến đổi khí hậu. Lý do chúng tôi chọn chủ đề này là vì vấn đề môi trường và biến đổi sinh thái bao gồm những vấn nạn lớn mang tính toàn cầu như thủng tầng ozone, nước biển dâng… đến những hành vi cá nhân, tưởng chừng rất vặt vãnh như xả rác bừa bãi, lãng phí nước sạch, dùng túi nilon tràn lan… Tất cả những hành vi đó đều làm tổn thương đến ngôi nhà ngôi nhà chung” mà chung ta đang sống, đến "bà mẹ Trái Đất" đang nuôi dưỡng chúng ta.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen: Mong được ngắm những tác phẩm được giải... Tôi rất vinh dự đến dự buổi lễ phát động cuộc thi này. Tôi nghĩ rằng, biếm họa là phần không thể thiếu và đóng góp rất nhiều cho báo chí, vì biếm họa có rất nhiều cách tiếp cận nóng hổi, hài hước, phê phán... tạo sự thích thú cao với độc giả.
Tôi thấy, chủ đề của cuộc thi năm nay rất nóng hổi, không chỉ với VN mà cả nhân loại. Tôi tin rằng, qua cuộc thi này, người dân sẽ có nhận thức rõ ràng hơn về môi trường sống. Tôi nghĩ sẽ có nhiều nghệ sĩ nhiệt tình tham gia cuộc thi, tôi đang mong đợi được ngắm nhứng tác phẩm được giải trong năm nay. |
"Bên cạnh việc phát động cuộc thi, chúng tôi sẽ kêu gọi các họa sĩ hành động thiết thực đóng góp cho quỹ Vì nỗi đau da cam, nhằm xoa dịu nỗi đau này", bà Hoa cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên BTC, công bố thể lệ cuộc thi với nhiều nét mới. Năm nay là mỗi tác giả chỉ được tối đa 5 tác phẩm, hình thức có nhiều loại, chất liệu tự do. Tác phẩm đáp ứng tiêu chí sẽ được đăng trên trang web. Sẽ có giải bình chọn của cộng đồng. Tuy nhiên, cũng yêu cầu tác giả phải gửi kèm tác phẩm, có chữ ký "tươi" để sau này sẽ triển lãm. Kích thước tranh yêu cầu khổ A3, A2, để các họa sĩ vẽ to hơn, nâng tầm hàn lâm của tác phẩm, có thể treo tại bảo tàng, trong các sưu tập... Giải Nhất năm nay sẽ là 20 triệu đồng.
* Hội Mỹ thuật nên có giải dành riêng cho biếm họa
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Ngô Hà Thái, Phó tổng Giám đốc TTXVN, thành viên BGK chia sẻ: "Trong những năm tháng chiến tranh, biếm họa là loại hình đặc biệt, là những bài báo được "viết" bằng tranh. Biếm họa vừa thuộc Hội Mỹ thuật, vừa thuộc Hội Nhà báo. Tuy nhiên, những năm gần đây, Hội Nhà báo VN đã nhận rõ vai trò của tranh biếm họa và đã quyết định trao một giải đặc biệt cho tác giả có nhiều chất lượng cao. Năm nay, Hội Nhà báo VN cho biết, sẽ tiếp tục trao giải đặc biệt. Hy vọng Hội Mỹ thuật VN cũng nên trao riêng giải như thế!"
Họa sĩ Thành Chương tại cuộc họp báo - Ảnh Cao Mạnh Tuấn
|
Còn họa sĩ Thành Chương, người có duyên nhiều năm tham gia làm báo văn nghệ, phụ trách trang biếm họa của tờ bào này cũng tâm sự rằng: "Từng làm việc với họa sĩ Lý Trực Dũng và những anh em họa sĩ vẽ biếm họa 2 miền trong Nam ngoài Bắc. Tôi thấy rằng, tranh biếm họa báo chí cũng cần tạo hình làm sao cho tranh phải có giá trị. Ngoài ý tưởng hay của nghệ sĩ, việc tạo ra cho mình một phong cách là một đòi hỏi cao, buộc họa sĩ phải lao động nghiêm túc, công phu, để có tác phẩm mang giá trị nghệ thuật. Phần nghệ thuật cần quan tâm vì có nhiều họa sĩ tạo được cho mình phong cách hay, nhìn vào đó biết của tác giả đó. Hơn nữa, Hội Mỹ thuật cũng nên có giải riêng dành cho biếm họa..."
Họa sĩ Thành Chương cho biết, ông từng tham gia chấm giải biếm họa cả nước, anh em họa sĩ tham gia vẽ biếm họa các khu vực không nhiều, nhưng bắt đầu đã có tín hiệu vui. Có những tác phẩm đã giành được giải thưởng khu vực. "Tôi cũng rất vui vì đây là giải thưởng chính thức lớn nhất về tranh biếm họa trên báo chí, có quy mô toàn quốc. Tôi luôn sẵn sàng hợp tác để Cúp Rồng tre ngày càng phát triển" - họa sĩ Thành Chương chia sẻ
* Tranh không lời vẽ tốt sẽ lan khắp thế giới...
Tại cuộc họp báo, Họa sĩ Hoàng Dzự cho rằng: Đề tài Môi trường và Biến đổi khí hậu là đề tài gắn với tất cả mọi người. Do vậy, theo Hoàng Dzự, cần khai thác đưa biếm họa lên truyền hình, về các quận huyện, nhà trường để tạo ra những phong trào biếm họa lớn, ít lời, nhiều sức mạnh, kêu gọi những họa sĩ trẻ theo nghề biếm họa, nhất là những họa sĩ trẻ dưới 20 tuổi. Tranh không lời vẽ tốt sẽ lan khắp thế giới.
Còn họa sĩ Trần Lương thì chia sẻ: Biếm họa là phương tiện phản biện xã hội rất mạnh mẽ, nhiều khi chỉ trong một giây, mạnh hơn cả bài báo dài. Nhiều họa sĩ biếm hàng đầu ở các tờ báo lớn trên thế giới thường chơi với nhiều nghệ sĩ, quan chức. Trong khi, mấy thập niên vừa qua, biếm họa của chúng ta lại bị “xẹp”. Có thể là do nhuận bút chỉ mấy trăm ngàn, họa sĩ không thể sống được bằng nghề. Giờ đây, các trào lưu vẽ truyện tranh được hỗ trợ về kỹ thuật cao, giới trẻ sẽ ra những đầu tranh mới như: Sát thủ đầu mưng mủ!
Là người làm phát triển nghệ thuật cộng đồng 10 năm qua, họa sĩ Trần Lương cho rằng: "Biếm họa không dành cho giới quý tộc, vẽ biếm họa trên tường rất là hay, các họa sĩ cần đóng góp để khắp nơi có cơ hội xem tác phẩm..."
Họa sĩ Lý Trực Dũng: Giải thưởng này theo tôi là thiết thực!
Sự tham gia của Ngài Đại sứ Đan Mạch tại cuộc phát động hôm nay rất có ý nghĩa. Biếm họa rất phát triển ở nước này, vì mới đây có họa sĩ vẽ tranh về nhà tiên tri Mohammed và bị dọa giết. Nhưng điều đáng trân trọng là Thủ tướng Đức đã trao giải thưởng cho họa sĩ này.
Theo tôi, tự do báo chí là quyền của tất cả mọi người, của thế giới văn minh. Chúng ta vừa "nín thở" theo dõi trận lụt Thái Lan, "sốc" với 1/3 Bangkok chìm trong nước... Môi trường sinh thái là có ý nghĩa sát sườn với chúng ta. Giải thưởng này theo tôi là thiết thực! |