Cúp Rồng tre đã 'hữu xạ tự nhiên hương' tới các chuyên gia quốc tế

07:50 04/04/2018

Chú thích ảnh

  (Thethaovanhoa.vn) - Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần V-2018 của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã chính thức khởi động sau 3 năm gián đoạn. Giải năm nay tiếp tục được Thông tấn xã Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam bảo trợ.

Tại buổi lễ phát động diễn ra hôm qua (3/4), giới truyền thông và rất đông các họa sĩ biếm có mặt đều tin rằng sự trở lại của Cúp Rồng tre sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của đông đảo các "nhà báo vẽ" chuyên và không chuyên ở khắp mọi nơi, góp phần lấy lại vị thế cho biếm họa...

Quốc tế đã quan tâm đến biếm họa Việt

Một thông tin khá bất ngờ liên quan đến biếm họa Việt nói chung và biếm họa Cúp Rồng tre của Thể thao và Văn hóa (TTXVN) nói riêng đã được họa sỹ Lý Trực Dũng tiết lộ với báo chí. Theo đó, giải Rồng tre không chỉ gây được tiếng vang với giới họa sĩ và công chúng trong nước mà còn "hữu xạ tự nhiên hương" đến quốc tế.

Cụ thể, cách đây khoảng hơn 2 tháng, nhà nghiên cứu chuyên về truyện tranh người Canada - John A. Lent - đã đến Việt Nam và tìm gặp một số họa sĩ biếm họa, trong đó có ông để tìm hiểu về biếm họa Việt. "John A Lent cũng hỏi về Giải biếm họa - Cúp Rồng tre và xin tôi một cuốn catalogue để dịch lại..." - họa sĩ Lý Trực Dũng nói.

Ông còn cho biết thêm, một trường đại học ở Mỹ đã cho dịch toàn bộ cuốn sách lịch sử biếm họa Việt Nam, trong đó chia ra nhiều thời kỳ khác nhau, bắt đầu từ những hình ảnh biếm họa đầu tiên trên tờ Le Paria (Pháp) cách đây 96 năm của Nguyễn Ái Quốc cho đến những năm đầu thế kỷ 21.

Chú thích ảnh
Từ phải qua: Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, Thứ trưởng Vương Duy Biên, Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh và TBT Lê Xuân Thành cắt băng khai mạc Triển lãm 96 năm Biếm họa báo chí Việt Nam

Chưa hết, trường đại học này còn lên kế hoạch mời khoảng hai họa sĩ biếm họa Việt sang giảng dạy cho sinh viên của họ trong 2 tuần. "Điều đó cho thấy, lịch sử biếm họa nước nhà không còn nằm trong nước nữa mà đã vượt ra khỏi biên giới, đã và chắc chắn còn được nhiều bạn bè quốc tế quan tâm" - ông Dũng nói.

Còn ở trong nước, cũng theo vị "kiến trúc sư trưởng" của 4 kỳ giải biếm họa, trong những năm qua, không ít báo, các đơn vị đã rục rịch chuẩn bị tổ chức những giải về biếm họa quy mô toàn quốc nhưng đến nay mới chỉ Thể thao và Văn hóa làm được. Điều đó cho thấy, Thể thao và Văn hóa là tờ báo rất có sức ảnh hưởng. Và cùng với sự quan tâm của bạn bè quốc tế, qua đây cũng có thể thấy rằng biếm họa thực ra đang được các báo, các đơn vị thậm chí chẳng "dính dáng" gì đến báo chí - nghệ thuật quan tâm trở lại, mang đến những tín hiệu vui về sự hồi sinh mạnh mẽ của biếm họa nước nhà trong thời gian tới...

Tiếp tục sứ mệnh...

Nhiều đại biểu có mặt tại buổi họp báo đã tỏ ra lạc quan về biếm họa nước nhà trong thời gian tới bởi 2 lý do: Biết được sức hấp dẫn, lan tỏa của biếm họa Việt đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia (dù rất nhỏ) như họa sĩ Lý Trực Dũng đã kể ở trên và sự "tái xuất" của Cúp Rồng tre lần V sau 3 năm gián đoạn.

Dẫu vậy, vẫn còn họa sĩ tỏ ra khá trăn trở với tương lai của biếm họa, khi mà sân chơi như Rồng tre không nhiều, báo chí nước nhà không còn "mặn mà" với biếm họa.

Họa sĩ một thời từng cùng đồng nghiệp thắp đèn dầu thâu đêm vẽ tranh chống giặc Mỹ những năm 70 thế kỷ trước - Võ An Lai - cho rằng: "Nói độc giả thờ ơ với biếm họa là sai, mà ngược lại họ vẫn rất trông chờ loại hình báo chí sắc bén này có mặt trên tất cả các mặt báo, thậm chí là truyền hình. Tôi cho rằng góc biếm họa là để phê phán, là hình thức giáo dục, chiến đấu tốt chứ không phải chỉ để gây cười theo kiểu giải trí. Nếu chỉ có một vài báo, tạp chí trong số hàng trăm báo, tạp chí "không có cửa" cho biếm họa hoặc chỉ in một mẩu như bao diêm thì không hiệu quả, biếm họa sẽ lại... ngủ Đông dài ngày mà thôi".

Những người "cầm cân, nảy mực" mùa giải lần V như họa sĩ Lý Trực Dũng, Thành Chương, nhà báo Hồ Quang Lợi cũng như nhiều đại biểu khác đều đồng tình với quan điểm: Giá trị lớn nhất của biếm họa chính là "thiên chức góp phần hoàn thiện xã hội" và trong quá trình hoàn thiện xã hội luôn cần sự phản biện theo kiểu "tự phê bình và phê bình". Một trong những công cụ phản biện để hoàn thiện xã hội tốt nhất chính là biếm họa, nếu như thể loại này được khuyến khích và đánh giá đúng.

Việc Cúp Rồng tre trở lại chính là để tiếp tục thực hiện thiên chức ấy: Hoàn thiện xã hội và "thúc đẩy biếm họa báo chí Việt Nam trong thời gian tới, giúp nhận biết xã hội cũng như cuộc sống, nhanh chóng và dễ cảm thụ hơn" như lời ông Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc TTXVN đã nhấn mạnh tại buổi lễ phát động giải.

Biếm họa sẽ “xuống phố đi bộ” ở Hà Nội và TP.HCM

Các tác phẩm lọt vào chung khảo và đoạt giải sẽ được triển lãm vào cuối năm 2018, đầu năm 2019. Triển lãm các tác phẩm dự thi xuất sắc dự kiến diễn ra tại Không gian công cộng tại Phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) và Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM). Cùng với các cuộc triển lãm, tọa đàm về văn hóa ứng xử cũng sẽ được tổ chức...

Phạm Huy

Chú thích ảnh

TOÀN CẢNH Lễ Phát động Giải biếm họa Báo chí Việt Nam – Cúp Rồng Tre lần V

TOÀN CẢNH Lễ Phát động Giải biếm họa Báo chí Việt Nam – Cúp Rồng Tre lần V

Sáng nay (3/4) tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) chính thức phát động Giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần V-2018, và khai mạc Triển lãm 96 năm biếm họa báo chí Việt Nam.

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link