18/07/2011 14:02 GMT+7
(TT&VH) - 1. Vậy là kỳ thi CĐ cũng đã kết thúc. Các sĩ tử có thêm mươi ngày nữa để chờ công bố kết quả... Thi cử thì đương nhiên, có người trúng, có người trượt, có người đau thắt ruột vì thiếu có nửa điểm... Nhưng nhìn lại đề thi năm nay, tôi nghĩ có một môn thi mà không một thí sinh nào được phép để điểm 0 (trừ phi vô tình hay cố ý để vi phạm quy chế thi). Đó là Môn địa, Khối C.
Thí sinh làm bài thi - Nguồn: Internet
Quả thật, hiếm có năm thi Đại học khối C lại có đề thi hay như đề Địa năm nay. Những người ra đề đã bám sát chương trình, bám sát các chuẩn kiến thức học sinh, và không quên gắn yếu tố thời sự vào trong đề, tạo hứng khởi cho thí sinh làm bài. Trong đề thi đã có 2 câu nói về biển Đông và hải đảo là vấn đề đang được mọi người Việt Nam quan tâm. Cụ thể trong câu 1 (2 điểm), có một ý hỏi như sau: “Trình bày những ảnh hưởng của Biển Đông tới khí hậu nước ta”. Câu 2 (3 điểm) cũng có một vế hỏi là: “Chứng minh rằng duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều thuận lợi về tự nhiên để phát triển kinh tế. Hãy kể tên 2 quần đảo xa bờ thuộc vùng này và 3 đảo đông dân có diện tích vào loại lớn nhất nước ta”.
Trong câu 1, không quá khó để mọi thí sinh đều trả lời được rằng, Biển Đông mang lại cho khí hậu nước ta lượng mưa và độ ẩm lớn, nhưng đồng thời cũng gây mưa bão. Còn câu 2, phàm đã là người Việt Nam nhất định phải kể tên được 2 quần đảo xa bờ thuộc vùng này, đó là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa - hai cái tên thiêng liêng trong trái tim của mỗi người. Còn 3 đảo “đông dân có diện tích vào loại lớn nhất” thì có thể kể ngay tới Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam với diện tích tới 574 km2, là thiên đường du lịch đang cất cánh. Còn 2 đảo cũng thuộc loại lớn nhất dĩ nhiên cũng cần phải bám sát chương trình hoặc... google mới có thể nắm chi tiết về diện tích cũng như dân số (đáp án là Cái Bầu và Cát Bà).
2. Thật ra, để tìm hiểu đầy đủ về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội cũng như các vấn đề thời sự về biển đảo Việt Nam chắc chắn không thể chỉ qua một đề thi. Song, mục tiêu bất kỳ nền giáo dục nào cũng là xây dựng con người, chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho các mục tiêu phát triển của xã hội, và mỗi kỳ thi là một dịp để kiểm chứng (và qua đó hoàn thiện) cho quá trình xây dựng đó.
Đất nước từ hàng ngàn năm nay đã hướng ra biển, và giờ đây lại hướng ra biển hơn bao giờ hết, do đó nguồn nhân lực tương lai càng không thể bỏ qua “chiến lược” này.
Nhìn lại cách thi cử của cha ông ta, dù thời phong kiến xưa, bị xem là nặng nề, thiếu thực tế, nhưng cũng không hề thờ ơ trước các vấn đề lớn của thời cuộc. Chẳng hạn thời Tự Đức đã đưa vấn đề đánh hay hòa với Pháp vào trong thi cử, để qua đó triều đình tập hợp được trí tuệ cũng như nắm được “tình cảm” của giới trí thức sắp được bổ làm quan gánh vác vận mệnh nước nhà lúc bấy giờ.
3. Liên hệ với ý thức “vọng hải đài” của cha ông, điều mà ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh trong cuộc tọa đàm tại Trường ĐH Phan Chu Trinh, có lẽ, không chỉ qua các kỳ thi, mà phải qua rất nhiều hình thức, ở mọi nơi mọi lúc có thể, nhắc nhở cho tất cả mọi người luôn nhớ, luôn có trách nhiệm với chủ quyền thiêng liêng của đất nước đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nhắc nhớ hàng ngày như bản tin dự báo thời tiết chưa đủ, phải nhắc nhớ hàng giờ, và hơn nữa, kích thích mọi người cùng tìm hiểu cũng như cùng đóng góp cho biển đảo Việt Nam.
Còn những sĩ tử nào được điểm 0 môn Địa năm nay thì không chỉ xem lại việc học hành thi cử của mình, mà hãy xem lại ý thức công dân của mình trước vận mệnh của Tổ quốc. Quả thật đề thi Địa năm nay là một đề thi không được phép bị điểm 0.
Ngô Khởi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất