16/06/2012 09:32 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro
(TT&VH) - Có lẽ “Đường bạch dương, sương trắng nắng tràn” là câu thơ duy nhất nói về bạch dương mà lại để tả về Ba Lan. Với đại đa số người Việt Nam, cây bạch dương được coi như là một hình ảnh của nước Nga, như là cây tre - biểu tượng của đất mẹ Việt.
Tôi chưa đến nước Nga, nhưng nước Nga thật đẹp từ những trang sách, những vần thơ của Puskin, của Lermontov, Olga Bergon…, từ bức tranh Người đàn bà xa lạ của Kramskoi hay Mùa thu vàng của Levital mà thời những năm sau 1980 khi rất nhiều thế hệ Việt Nam được đi học ở Liên Xô mang về. Rồi đến những hình ảnh nhặt từ các áng văn học kiểu như: những khóm tử đinh hương, những cụm phúc bồn tử, lẵng quả thông… Và một nước Nga gần gụi, thân thương qua những thước phim “Khi đàn sếu bay qua,” “Chiến tranh hòa bình” hay “Thép đã tôi thế đấy”.
Ảnh: Getty
Tôi là lứa lớn lên sau chiến tranh, nên “Thép đã tôi thế đấy” không phải là cuốn sách gối đầu giường như thế hệ trước. Tôi cũng không mê Pavel bởi với tôi thì anh cứng nhắc quá, khiên cưỡng quá, và thậm chí hơi giáo điều. Nhưng ở bộ phim cùng tên được dựng từ tiểu thuyết này, có một cảnh mà tôi rất nhớ, đó là hình ảnh Tonhia mặc chiếc áo lông đài các sang trọng và “sặc mùi băng phiến” - lời của Pavel lúc họ gặp nhau ở bìa rừng trong một màu tuyết trắng mênh mông và lạnh lẽo. Ở cuộc gặp đó, tôi cảm nhận được sự mất mát về tinh thần, một tình yêu thực sự đã chết giữa hai người từng yêu nhau say đắm đó. Và nước Nga, băng tuyết, nước Nga của tình yêu, của niềm tin, hy vọng, của những cuộc chia ly… cứ lấp lánh trong tôi để cho đến tận giờ phút này, vẫn “chưa đến nước Nga, chưa biết cây bạnh dương” song vẫn nuôi giữ một tình cảm thật đặc biệt với những gì thuộc về nước Nga.
Còn nhớ, mùa hè 4 năm trước, gấu Nga đã có một cuộc chinh phục thật là ngoạn mục. Chú gấu Nga rời khỏi tổ, rũ bỏ những lớp tuyết phủ dày lên người sau một giấc ngủ đông kéo dài và y như một “kungfu Panda” uyển chuyển, mạnh mẽ, thần tốc… tiến thẳng một mạch vào đến tận bán kết và chỉ dừng lại trước bò tót Tây Ban Nha - đội năm đó lên ngôi vô địch. Khi nhớ về trận đấu đó, tôi lại cứ dung tưởng về cuộc gặp trớ trêu và đầy định mệnh của Tonhia và Pavel.
Nếu không có cuộc gặp đó, hẳn lòng họ sẽ không thể nguôi ngoai về mối tình đầu đời của mình, hẳn họ sẽ sống mà “nhọc lòng” lắm. Nhưng như một khúc giao trước khi rẽ làm hai hướng hoàn toàn xa lạ, họ phải gặp nhau ở đó, để chấm dứt tất cả. Khi cuộc đời đã không cho chúng ta đi bên nhau, khi lý tưởng, tính cách, số phận là hai khác biệt thì cái khoảnh khắc làm rõ được điều đó, để khỏi hoài nghi, khỏi tiếc nuối, day dứt là vô cùng cần thiết. Nó cho ta biết, ta phải làm gì tiếp theo, phải quên hay lưu lại điều gì?
Tại mùa EURO năm 2008, trận đối đầu với Tây Ban Nha chính là khúc ngoặt của gấu Nga. Họ bỗng nhiên thay đổi đến ngỡ ngàng, từ một lối tấn công ào ạt như vũ bão, bỗng nhiên, họ chững lại, toan tính và chọn một chiến thuật rình rập, chắc chắn hơn, lấy thủ để chế công. Và, gấu Nga đã trượt ngã vì sự thay đổi đó.
Hạ này, gấu Nga chung bảng với nước chủ nhà Ba Lan. Hiện họ đang đầy lợi thế sau khi đã thắng Séc và chia điểm cùng đội tuyển có nhiều điểm chung về địa lý, khí hậu và những hàng bạch dương. Hàng bạch dương là yếu tố để gấu Nga đã thi đấu dưới tầm trong trận thứ 2. Nhưng ở trận đấu cuối, cho dù chỉ cần là một trận hòa, nhưng đừng quên bài học bán kết 2008. Gấu Nga cần giữ một thế trận mạnh mẽ, như là bản sắc của mình, để vững ngôi đầu bảng và làm hành trang đi tiếp chặng đường khó khăn đang đợi.
Và, sẽ thật tuyệt, cũng như không uổng công chờ của gấu Nga, nếu chủ nhà Ba Lan vượt qua được Czech trong trận đấu cùng giờ để Nga và Ba Lan sánh vai nhau đi trên con đường bạch dương nắng tràn rực rỡ…
Đoàn Ngọc Thu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất