Biệt động Sài Gòn - "Đoàn kết một lòng-Mưu trí vô song-Dũng cảm tuyệt vời-Trung kiên bất khuất"

16/04/2025 08:38 GMT+7 | Tin tức 24h

Có những phút làm nên lịch sử

Có cái chết hoá thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có con người từ chân lý sinh ra.

(Hãy nhớ lấy tôi - Tố Hữu)

Ra đời như một tất yếu của cuộc chiến tranh nhân dân, biệt động Sài Gòn là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta, hoạt động chiến đấu giữa sào huyệt, trung tâm đầu não của địch. Với sự mưu trí, dũng cảm và nhiều cách đánh độc đáo, sáng tạo, lực lượng biệt động đã lập nên những chiến công hiển hách, làm chấn động cả trong nước và thế giới.

Năm tháng qua đi nhưng với cả nước, với miền Nam thành đồng và với thành phố mang tên Bác, những chiến công vang dội của đội quân đặc biệt tinh nhuệ "Biệt động Sài Gòn" sẽ sống mãi với các thế hệ Việt Nam, mãi mãi tạc vào lịch sử như một tượng đài bất tử.

Lực lượng quân đội đặc biệt

Lực lượng biệt động Sài Gòn ra đời trên cơ sở các đội tự vệ chiến đấu, được thành lập ngay sau ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945. Đây là lực lượng đặc biệt, được vũ trang tại chỗ, chiến đấu trong lòng địch ở các đô thị bị tạm chiếm tại Sài Gòn. Họ có cả nam lẫn nữ, cả thiếu niên lẫn người cao tuổi ở mọi thành phần xã hội của đô thị: công nhân, nông dân, thợ thủ công, dân nghèo thành thị, học sinh, trí thức, tiểu thương, tiểu chủ, tư sản yêu nước…

Trong thời gian đầu, nhiều đơn vị vũ trang và bán vũ trang tự phát mang nhiều tên khác nhau, nhưng tính chất hoạt động mang nét đặc trưng chung của lực lượng biệt động là bí mật, táo bạo, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm.

Biệt động Sài Gòn - "Đoàn kết một lòng-Mưu trí vô song-Dũng cảm tuyệt vời-Trung kiên bất khuất" - Ảnh 1.

Nữ biệt động Sài Gòn hướng dẫn quân Giải phóng tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu/TTXVN

Lực lượng biệt động trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tuy điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng với tinh thần tự lực cánh sinh, với cách đánh hiểm, táo bạo, tiêu biểu là các Ban công tác thành và Quyết tử 950, đã gây cho thực dân Pháp và tay sai những tổn thất nặng nề về sinh lực và vật lực ngay tại trung tâm sào huyệt ở Sài Gòn, khiến chúng vô cùng khiếp sợ.

Với những chiến công đầu, trừng trị các tên đầu sỏ ác ôn như cò Ba zin, cò Sáu Bé, chủ bút Việt gian Hiếu Sĩ, Cao ủy Pháp ở Đông Dương trùm mật thám Pháp - đại tá Anhphen, tấn công rạp xinê Majestíc, Câu lạc bộ sĩ quan Pháp và đặc biệt trận đánh kho bom Phú Thọ Hòa, kho bom đạn lớn nhất của Pháp ở miền Nam, đã ghi những dấu son vào lịchsử đấu tranh oai hùng của quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.

Từ những đội du kích tự vệ vũ trang và bán vũ trang nội thành tiến lên thành lập Ban công tác thành và Tiểu đoàn Quyết tử 950 ở giai đoạn tổng phản công đánh bại thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương. Lực lượng Biệt động đã có những bước trưởng thành về tổ chức và hoạt động, nghệ thuật tác chiến ngày càng được nâng cao, đã làm nòng cốt trong cuộc chiến tranh nhân dân ở nội đô. Đây là tiền đề và những kinh nghiệm qúy báu để xây dựng và phát triển lực lượng biệt động trong những năm chống Mỹ, cứu nước tiếp theo.

Đội quân xuất quỷ, nhập thần

Trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ, nghệ thuật biệt động phát triển đến đỉnh cao, đã giáng những đòn sấm sét xuống đầu quân địch, lập nên những chiến công vang dội. Lịch sử sẽ mãi mãi nhắc tới những cái tên, như: Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê), Nguyễn Văn Tăng, Bành Văn Trân, Nguyễn Văn Kịp, Lâm Sơn Náo, Trần Phú Cương (Năm Mộc), Lê Văn Việt, Trần Thị Mai, Đoàn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Thu Trang...

Những đội viên "chim sắt" này đã đánh vào trụ sở Bộ Tư lệnh viện trợ Mỹ tại Việt Nam (MACV) hai lần trong vòng một tháng, tiêu diệt hàng chục tên cố vấn Mỹ.

Trong những năm 1963-1964, lực lượng biệt động đã tổ chức những trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, trong đó nổi bật là trận đánh cư xá Brink, trận tập kích khách sạn Caravelle, trận đánh chìm tàu Card (US Card) tải trọng 16.000 tấn tại cảng Sài Gòn, tiêu diệt hàng trăm tên địch.

Những trận đánh "xuất quỷ, nhập thần" này đã chứng tỏ tài nghệ chỉ huy chiến đấu và khả năng to lớn của cách đánh biệt động tại đô thị, góp phần làm phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ-ngụy.

Trong thời kỳ "chiến tranh cục bộ" và các thời kỳ tiếp theo, lực lượng biệt động thành luôn đảm nhiệm vai trò đánh đòn phủ đầu quân xâm lược Mỹ và chư hầu. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, được sự chỉ đạo sâu sát, nhạy bén của Khu ủy, lực lượng Biệt động luôn phối hợp nhịp nhàng với các phong trào đấu tranh cách mạng từ thấp lên cao của đồng bào nội đô. Những trận đánh của lực lượng Biệt động đã gây tác động lớn, nhiều mặt và khi gắn với phong trào đấu tranh chính trị thì hiệu quả càng được nâng cao hơn, đẩy địch vào thế bị động, bối rối, phải vừa đối phó về quân sự và chính trị cùng một lúc.

Những trận đánh của lực lượng Biệt động đều mang ý nghĩa "kép", vừa là đòn cảnh cáo, tiêu diệt, vừa cổ vũ nhân dân chống Mỹ, vừa phối hợp với hậu phương lớn miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, tạo nên tiếng vang lớn đối với chính trường và nhân dân Mỹ, khích lệ tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân thế giới chống chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ đang gây ra ở Việt Nam.

Đặc biệt trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động được chuẩn bị tốt về tinh thần, trang bị, bất ngờ đồng loạt tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của Mỹ- ngụy, gồm Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Đài phát thanh, Bộ tư lệnh Hải quân, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm chủ trận địa nhiều giờ, vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng quân và dân miền Nam giành thắng lợi to lớn, tạo bước ngoặt quan trọng, buộc Mỹ phải "xuống thang" chiến tranh.

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là đỉnh cao của Biệt động Sài Gòn-Gia Định về nghệ thuật quân sự độc đáo, tổ chức chỉ huy đánh địch ở đô thị với tinh thần dũng cảm tuyệt vời của các chiến sĩ cách mạng. Năm đội Biệt động với tổng số gần 100 đồng chí trực tiếp chiến đấu trong sào huyệt, đầu não của địch, với vũ khí bộ binh đã đánh trả xe tăng, thiết giáp, máy bay địch và lực lượng bộ binh tinh nhuệ Mỹ, ngụy gấp nhiều lần. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ Biệt động trực tiếp chiến đấu đã anh dũng hy sinh hoặc bị thương, rơi vào tay địch. Ý chí, xương máu, công lao của lực lượng Biệt động đã dựng lên những tượng đài bất tử của Xuân Mậu Thân 1968.

Biệt động Sài Gòn - "Đoàn kết một lòng-Mưu trí vô song-Dũng cảm tuyệt vời-Trung kiên bất khuất" - Ảnh 2.

Những phút cuối cùng oanh liệt của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường Khám Chí Hòa. Ảnh tư liệu/TTXVN

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với sự mưu trí, dũng cảm và bằng nhiều cách đánh độc đáo, sáng tạo, lực lượng biệt động Sài Gòn đã cùng quân và dân Thành phố, lập nên nhiều chiến công vang dội, giành chính quyền về tay nhân dân và kết thúc vai trò lịch sử của mình một cách vẻ vang.

Lực lượng Biệt động Sài Gòn đã được biên chế, tổ chức thành ba tiểu đoàn: 195, 197, 198 và 11 đại đội (gồm 60 tổ), triển khai thành hai hướng hoạt động chính là vùng Đông và Tây thành phố rồi phát triển vào nội đô Sài Gòn.

Cùng với lực lượng vũ trang toàn miền bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định liên tiếp tổ chức nhiều trận đánh bằng các phân đội nhỏ, các tổ biệt động. Chỉ tính từ tháng 12/1974 đến tháng 4/1975, các tổ, đội biệt động đã đánh 55 trận trong nội đô và 3 trận vùng ven, diệt hơn 100 tên địch, thu 4 súng, 1 máy thông tin và một số tài liệu quan trọng.

Giữa tháng 4/1975, lực lượng vũ trang thành phố Sài Gòn-Gia Định được giao nhiệm vụ: phối hợp với lực lượng của miền tăng cường đánh chiếm các mục tiêu then chốt, kiên quyết, táo bạo, thọc sâu đánh chiếm cơ quan đầu não ấp, xã, phân chi khu, yếu khu, giữ vững và mở rộng đầu cầu, hiệp đồng với lực lượng cấp trên đánh chiếm thành phố Sài Gòn bằng tấn công vũ trang kết hợp với nổi dậy của quần chúng giành chính quyền. Trong đó, các đơn vị biệt động và lực lượng vũ trang tại chỗ được giao nhiệm vụ: đánh chiếm và giữ các cầu trên trục đường vào thành phố, góp phần khống chế sân bay và các trận địa pháo của địch; làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu được phân công; phối hợp với các binh đoàn chủ lực đánh chiếm và giữ các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế của địch trong thành phố.

Các chiến sĩ biệt động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, điển hình như: nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên hướng dẫn Trung đoàn 24 đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất; nữ đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tùng lãnh đạo quần chúng bao vây chiếm trụ sở quận 9; đồng chí Ba Minh, cơ sở trong lòng địch của Đội 5 biệt động, làm việc ở văn phòng bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn đã ra đón và bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị ở đây cho Quân Giải phóng...

Cùng với các mũi tiến công của các đơn vị bộ đội, lực lượng Biệt động thành còn phối hợp cùng các đội công tác vũ trang, các đoàn thể trong các quận nội thành, làm nòng cốt và hướng dẫn nhân dân nổi dậy giành chính quyền tại chỗ. Tấn công bằng chính trị, binh vận vào tất cả các lực lượng của địch, khiến chúng phải bỏ súng đầu hàng hoặc quay về với gia đình.

Chỉ trong vòng hai ngày 29 và 30/4/1975, toàn thành phố có 107 điểm nổi dậy (31 điểm ở ngoại thành, 76 điểm ở nội thành).

Vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy, đánh dấu thời điểm kết thúc toàn thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây cũng là dấu mốc lớn trong nghệ thuật tác chiến của lực lượng Biệt động Sài Gòn, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật chiến đấu trong lòng địch.

Với thành tích chiến đấu xuất sắc, năm 1976, lực lượng Biệt động Sài Gòn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tặng 16 chữ vàng: "Đoàn kết một lòng-Mưu trí vô song-Dũng cảm tuyệt vời-Trung kiên bất khuất". Sau 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà, những chiến sĩ Biệt động thành năm xưa người còn, người mất, nhưng những hình ảnh hào hùng của họ về một thời xông pha trận mạc, chấp nhận hy sinh gian khổ để đất nước được độc lập, tự do sẽ còn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.

Diệp Ninh/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link