“Bill Gates Ấn Độ” từ thiện vượt mặt Bill Gates

04/12/2010 11:05 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Đầu năm nay tỉ phú công nghệ Azim Premji, nhân vật được xem là Bill Gates của Ấn Độ, tuyên bố ông có kế hoạch dành phần lớn gia sản để làm từ thiện. Tuần này, ông đã hiện thực hóa tuyên bố ấy.

Azim Premji thông báo hôm 1/12 rằng ông sẽ chuyển 2 tỉ USD vào Quỹ Azim Premji. Cụ thể, Premji sẽ chuyển 213 triệu cổ phiếu, chiếm 8,7% cổ phần trong tập đoàn Wipro của ông cho quỹ.

Từ thiện 2 tỉ USD, nhiều hơn Bill Gates

Với hành động trên, Azim Premji đã qua mặt Bill Gates, người dành 1,6 tỉ USD cho các dự án từ thiện ở Ấn Độ, để trở thành nhà hảo tâm lớn nhất nước. Trước khi làm từ thiện, đại gia công nghệ của Ấn Độ đang nắm trong tay 17,6 tỉ USD và đứng thứ 2 đất nước về trị giá tài sản.

“Tôi nghĩ hành động của ông ấy rất ấn tượng” - nhà hảo tâm Rohini Nilekani, vợ của tỉ phú công nghệ Nandan Nilekani đánh giá - “Nó diễn ra đúng thời điểm khi giới siêu giàu ở Ấn Độ cần phải thực hiện các cam kết cá nhân của họ, bằng tiền túi của họ, để đạt được sự công bằng xã hội rộng lớn hơn”.


Tỉ phú Azim Premji, người được coi là Bill Gates của Ấn Độ

Từ trước tới nay, các hoạt động từ thiện của Premji tập trung nhiều vào việc tăng cường giáo dục cho người nghèo. Khoản tiền mới nhất của ông cũng không nằm ngoài mục đích đó. Tổng cộng quỹ đã giúp đỡ hơn 25.000 ngôi trường và 2,5 triệu đứa trẻ. Quỹ cũng giúp thành lập Đại học Azim Premji trên một khu đất rất rộng bên ngoài Bangalore, nằm không xa trụ sở Wipro. Gần đây, trường đại học này đã được chính quyền bang Karnataka cho phép hoạt động và sẽ bắt đầu giảng dạy từ tháng 7 năm tới. Trường cũng sẽ khai trương ký túc xá trong năm 2012.

Trong một tuyên bố trước báo giới sau quyết định làm từ thiện, Premji có nói: “Giáo dục tốt là yếu tố quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, nhân đạo và bền vững.... Tất cả nỗ lực của chúng tôi, gồm ngôi trường đại học chúng tôi đang xây dựng nên, chỉ tập trung vào bộ phận dân cư đang chịu thiệt thòi và lâm cảnh bất lợi trong xã hội”.  

Học ngành điện, làm giàu nhờ công nghệ

Premji sinh tại Karachi, Pakistan vào năm 1945. Cha ông chuyển tới sống ở Ấn Độ và đã khai trương công ty Western India Products (về sau trở thành Wipro) chuyên sản xuất dầu và bơ thực vật.

Năm 1966, khi Premji 21 tuổi và đang theo học ngành kỹ sư điện ở Đại học Stanford, California thì cha ông đột nhiên qua đời. Premji buộc phải bỏ học để tiếp quản công việc gia đình. Phải hơn 30 năm sau, ông mới theo học tiếp và hoàn tất bằng cử nhân kỹ sư điện của mình.

Là người nhanh nhạy, thức thời, Premji đã lãnh đạo Wipro bước vào giai đoạn phát triển mới đa dạng hơn và nhiều tham vọng hơn. Công ty bắt đầu sản xuất bóng đèn cho tập đoàn General Electric của Mỹ và nhiều sản phẩm hàng tiêu dùng khác như xà phòng, đồ chăm sóc trẻ em, dầu gội đầu…

Những năm 1980, Wipro bước vào lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), dựa trên lợi thế từ việc tập đoàn máy tính IBM mới bị tống khứ khỏi Ấn Độ vào năm 1975. Năm 1981, chiếc máy tính đầu tiên của Wipro xuất hiện trên thị trường và công ty nhanh chóng trở thành nhà sản xuất máy vi tính bán chạy nhất Ấn Độ trong suốt 2 thập niên sau đó. Theo chân những thắng lợi ban đầu, Wipro tấn công vào lĩnh vực phần mềm máy tính. Đơn vị IT của công ty sau đó đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới đạt chứng chỉ SEI CMM và PCMM cấp 5, các chứng chỉ cao cấp nhất về chất lượng.

Wipro còn tham gia vào hàng loạt các lĩnh vực như dịch vụ, hệ thống y tế, sản phẩm công nghệ và hàng tiêu dùng với văn phòng đặt trên khắp thế giới. Riêng Wipro Technologies đã lọt vào tốp 100 công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Tỉ phủ tằn tiện và làn sóng từ thiện mới

Dù giàu có, Premji lại có cuộc sống khá dung dị, thậm chí là tằn tiện. Ông không mua xe sang mà chỉ chạy một chiếc Toyota Corolla “bình dân”. Ông chẳng sắm máy bay riêng và mỗi lần cần đi công tác đều mua vé máy bay hạng thường. Ông tránh xa các khách sạn hạng sang, chỉ ngủ ở nhà khách của công ty. Thậm chí trong đám cưới con trai ông còn yêu cầu để thức ăn mời khách vào các đĩa giấy cho đỡ lãng phí.

Nhưng Premji lại là người rất tích cực làm từ thiện. “Rất nhiều người trong chúng tôi sẽ theo chân ông ấy” - bà Nilekani nói một cách lạc quan - “Đây không chỉ còn là việc làm mang tính đạo đức mà đã trở nên vô cùng cấp thiết. Hoạt động nhân đạo ở Ấn Độ cần phải được thổi bùng lên.”

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link