01/12/2016 13:05 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ ít nhà văn Mỹ nào lại gắn bó và dành tình cảm nhiều cho Cuba như Ernest Hemingway. Mảnh đất này gắn với không ít chi tiết thú vị về cuộc đời đại văn hào, trong suốt khoảng thời gian 20 năm ông sống tại đây.
Cơ duyên với Cuba của một nhà văn Mỹ
Vào mùa Xuân năm 1932, Hemingway rời Mỹ tới Cuba sau khi quyết định ly thân với người vợ thứ 2, Pauline Pfeiffer. Trong suốt 7 năm, từ 1932-1939, đại văn hào đã sống và làm việc tại căn phòng 511 của khách sạn Ambos Mundos, nơi hiện đã trở thành một trong những điểm du lịch không thể bỏ qua khi tới thủ đô La Habana.
Sau khi đoàn tụ với người tình Martha Gellhorn, hai người chuyển tới sống tại một đồn điền mà ông đặt tên là Finca Vigia trong suốt khoảng 2 thập kỷ sau đó. Đây được xem là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng sau những chuyến hành trình dài, rong ruổi khắp châu Âu và châu Phi của cố nhà văn từng đoạt giải Nobel Văn học. Tại Finca Vigia, Hemingway có thể câu cá hoặc thưởng thức những ly rượu daiquiris trứ danh. Và đây cũng là nơi ông sáng tạo ra kiệt tác Ông già và biển cả.
Ernest Hemingway (trái) và Fidel Castro trò chuyện ở La Habana vào ngày 15/5/1960
Hemingway rời Cuba vào năm 1960, một năm sau khi lãnh tụ Fidel Castro lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista. Và cũng là một năm trước khi ông tự kết liễu đời mình ở Idaho, Mỹ.
Valerie Danby-Smith, thư ký cuối cùng của Ernest Hemingway, người sau này đã trở thành con dâu của ông, từng kể lại một câu chuyện bà từng chứng kiến về tình cảm của cố nhà văn với đất nước Cuba.
"Tôi còn nhớ rất rõ vào cái đêm đó, trong năm 1960. Đại sứ Mỹ tại Cuba Philip Bonsall, người thường xuyên làm khách tại ngôi nhà này (Finca Vigia), nói rằng Washington đang lên kế hoạch cắt đứt quan hệ với chính quyền non trẻ của Fidel Castro, và các quan chức Mỹ nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu Hemingway chứng tỏ lòng yêu nước của mình bằng cách rời khỏi mảnh đất này. Ông đã từ chối gợi ý này một cách quyết liệt".
Chính bà Valerie sau này cũng nói thêm: "Nhưng mọi chuyện đưa đẩy, nhà Hemingway vẫn rời Cuba vào mùa hè năm đó, để có thể tập trung vào những dự án viết lách ở Tây Ban Nha và Mỹ. Việc ông tự sát ở Idaho vào 2/7/1961, đã làm dấy lên nghi vấn về sự liên quan tới việc thay đổi chỗ ở như vậy?
Cuộc gặp gỡ duy nhất với Fidel Castro
Những câu hỏi xoay quanh mối quan hệ giữa Ernest Hemingway và lãnh tụ Fidel Castro đã được xem xét cẩn thận trong bài viết năm 1990 của Jacobo Timerman, mang tên A Summer in the Revolution: 1987 (Một mùa hè giữa cuộc cách mạng: 1987).
Timerman cũng lưu ý trong tác phẩm của mình rằng "ngoại trừ Fidel Castro và Che Guevara, không có ai được ca tụng ở Cuba nhiều hơn Ernest Hemingway".
Timerman cho biết Ernest Hemingway và Fidel Castro chỉ gặp nhau một lần duy nhất, vào tháng 5/1960, trong một cuộc thi câu cá được tổ chức nhằm vinh danh nhà văn Hemingway. Tên của sự kiện này cũng được lấy theo tên ông.
"Có rất nhiều hình ảnh về cuộc gặp đó, nhưng không có gì đáng chú ý trong những câu nói họ trao đổi với nhau trước đông người, thực sự chỉ có những câu giao tiếp rất chừng mực mà thôi" - Timerman cho biết.
Tạp chí Life từng công bố một trong những hình ảnh về sự kiện này, kèm theo một đoạn ghi lại cuộc trao đổi ngắn giữa Fidel Castro, người đã giành chiến thắng trong cuộc thi nói trên, và Hemingway, người trao tặng ông danh hiệu. Trong buổi câu cá này, ông Fidel Castro đã câu được con cá cờ xanh nặng khoảng 25 kg.
"Tôi thực sự là một lính mới trong môn câu cá" - Nhà cách mạng khiêm tốn thừa nhận, trước khi Hemingway đáp lại: "Thế thì anh quả là một lính mới may mắn".
Dù cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật chỉ diễn ra ngắn ngủi, Fidel Castro chắc hẳn có ấn tượng đặc biệt với tài năng văn chương của Ernnest Hemingway. Ông từng tiết lộ rằng Chuông nguyện hồn ai là một trong những cuốn sách ưa thích của mình: "Castro nói với tôi rằng ông ấy đã đọc Chuông nguyện hồn ai nhiều lần và thậm chí còn nhớ rõ một số đoạn trong cuốn tiểu thuyêt" - Sean Hemingway, cháu trai của đại văn hào chia sẻ trong phần giới thiệu cuốn sách Hemingway on War.
Kể từ lần gặp gỡ lịch sử, cuộc thi câu cá Hemingway vẫn được duy trì hầu như thường niên cho tới tận ngày nay, bất chấp căng thẳng giữa Mỹ và Cuba. Dù vậy, sự kiện kéo dài 4 ngày này cũng phải trải qua không ít thăng trầm.Vào những năm cuối thập niên 1970, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter theo đuổi chính sách có phần hoà dịu với Cuba, dẫn tới những đội tàu lớn chở theo nhiều ngư dân từ Mỹ đến quốc gia này. Nhưng tới năm 1980. Mùa thi lại bị hủy bỏ vì lý do chính trị.
Duy An (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất