12/07/2014 14:36 GMT+7 | Bán kết
Tập thể của những ngôi sao
Về mặt lịch sử, trận chung kết với Argentina vào rạng sáng 14/7 tại Rio de Janeiro hoàn toàn bất lợi đối với người Đức, bởi một điều mà ai cũng biết: Chưa có bất kỳ đội bóng châu Âu nào giành được chiếc Cúp vàng trong cả 7 kỳ giải trước đây diễn ra tại châu Mỹ. Bản thân “Mannschaft” cũng từng thất bại trong nỗ lực xóa bỏ “lời nguyền” đó khi họ để thua trước chính Argentina ở trận chung kết Mexico 1986.
Thế nhưng, một khi World Cup 2014 đã chứng kiến không ít điều chưa từng xảy ra trong quá khứ với sự tham gia khá tích cực của đội tuyển Đức thì tại sao lại không thể tin rằng một điều chưa từng có nữa sẽ lại xảy ra? Đã có không ít chuyên gia, cựu danh thủ tin rằng điều đó sẽ xảy ra bởi đối với họ, Đức chính là đội bóng tốt nhất tại giải này.
Trước hết, “Mannschaft” là một tập thể đúng nghĩa khi lối chơi của họ không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào như trường hợp của Argentina với Lionel Messi, của Brazil với Neymar hay của Hà Lan với Arjen Robben. Nhờ vậy, bóng không cần qua chân một cầu thủ nào mà hầu như bất kỳ một ai đều có thể phát động tấn công, kể cả các hậu vệ. Do vậy, muốn vô hiệu hóa hàng công của “Mannschaft” là phải phong tỏa cả một mặt trận, mà điều đó sẽ khiến hàng phòng ngự của đối thủ bị kéo căng như sợi dây đàn.
Mặt khác, do 6 cầu thủ trong đội hình xuất phát ở trận bán kết với Brazil từng sát cánh bên nhau trong trận chung kết chiến thắng trước Anh (4-0) ở Giải U-21 châu Âu vào năm 2009 nên họ càng có sự gắn bó mật thiết với nhau. Thế nên, sẽ không quá đáng khi cho rằng “Mannschaft” là tập thể của những ngôi sao chứ không phải là của một siêu sao và những người khác.
Thứ hai, sự ổn định về mặt nhân sự sau giai đoạn đầu chuệch choạc cũng đã giúp đội tuyển Đức ổn định trong lối chơi, một lối chơi khá linh hoạt, chuyền bóng nhanh, chuyển động nhanh nhờ sự cơ động của tuyến tiền vệ. Tam giác ở trung tâm đội hình với đỉnh là Toni Kroos, đáy là Bastian Schweinsteiger và Sami Khedira có thể nhanh chóng đảo ngược với Khedira dâng lên chơi bên cạnh Kroos. Từ đó, cùng với Miroslav Klose, họ hình thành một mũi tấn công đánh trực diện vào phòng tuyến của đối thủ, bên cạnh những pha lên bóng bên cánh phải của cặp Thomas Mueller - Philipp Lahm và bên cánh trái của cặp Mesut Oezil - Benedikt Hoewedes. Đó là chưa kể các cầu thủ tấn công của Đức luôn biết cách khai thác tối đa những khiếm khuyết nơi hàng phòng ngự của đối thủ.
Thay thế và hỗ trợ
Thứ ba, HLV Joachim Loew luôn có trong tay những quân bài dự trữ chiến lược, hay có thể gọi họ là những siêu dự bị như Andre Schuerrle hay Mario Goetze. Đó chính là kế hoạch B cho hàng công của “Mannschaft”, điều mà cả Argentina lẫn Brazil đều không có được. Bởi Goetze có vẻ thoải mái hơn Oezil ở vai trò một cầu thủ tấn công chơi rộng bên cánh trái trong lúc tốc độ của Schuerrle, thường là thay thế cho Klose, sẽ cung cấp cho đội tuyển Đức những giải pháp tấn công phía sau phòng tuyến của đối phương. Với giải pháp này, Mueller tỏ ra rất nguy hiểm trong vai trò “số 9” ảo khi chuyển vào trung lộ.
Và cuối cùng, dù trong đội hình của “Mannschaft” vẫn có hai vị trí bị xem là không tương xứng, nhưng nhờ mọi hoạt động của đội bóng đều được xây dựng trên tinh thần tập thể nên cho đến nay mọi chuyện vẫn ổn. Trung vệ Jerome Boateng chơi chưa thật an toàn so với người đá gặp Mats Hummels, nhưng nhờ có “hậu vệ quét” Manuel Neuer mà những khoảng trống phía sau anh không trở thành tử huyệt. Hoặc khi hậu vệ trái Hoewedes không có đủ tốc độ để nhanh chóng quay trở về sau mỗi lần dâng lên hỗ trợ tấn công thì đã có Schweinsteiger trám đầy khoảng trống ở phía sau anh.
Thế nên, khi đối mặt với đội tuyển Đức, các đối thủ cần phải có đối sách để chống lại cả một tập thể trên một trận chiến, chứ không thể khoanh vùng trên một cá nhân hay một khu vực cụ thể nào đó. Quả là đáng sợ!
Nam Khang
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất