28/06/2014 19:34 GMT+7 | World Cup 2018
Nếu xét về mặt chiến thuật, nguyên nhân chung dẫn đến thất bại của cả 4 đội bóng kể trên là do bị bắt bài mà lại không có phương án dự phòng.
Tây Ban Nha chậm, Anh nhanh
Tất nhiên, Tiki-taka không hề có lỗi trong thất bại của Tây Ban Nha, mà vấn đề chỉ là cách chơi này chưa được các cầu thủ của họ vận hành đúng với nhịp điệu cần có. Thế nên, lẽ ra họ phải tạo được sức ép liên tục và ngày càng lớn lên phần sân của đối phương thì thay vào đó là sự rườm rà trong những pha phối hợp, nặng nề trong cách di chuyển và đặc biệt là thiếu tốc độ trong phòng thủ.
Dựa vào điều đó, cả Hà Lan lẫn Chile đều nhanh chóng đưa ra được những phương án hóa giải hiệu quả, vừa khiến hàng công của Tây Ban Nha trở nên vô hại, vừa đe dọa hàng phòng ngự của họ bằng những pha phản công nhanh có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào. Chính điều đó, cộng với việc hàng phòng ngự của Tây Ban Nha thường chơi dâng cao và dễ phạm sai lầm, đã biến “Cuồng phong đỏ” thành cơn gió trong lành làm mát lòng các CĐV Hà Lan và Chile. Bảy bàn thua mà không lại quả được một lần nào từ những tình huống mở, chẳng còn gì tệ hơn thế!
Dĩ nhiên, Tây Ban Nha đã cố gắng thêm vào cách chơi trực tiếp ở trận gặp Chile, nhưng một khi đã thiếu tốc độ chỉ chẳng thể làm tổn thương ai.
Ngược lại, vấn đề của đội tuyển Anh là thừa tốc độ. Bất kỳ ai cũng thấy rất rõ là hàng phòng ngự của Italy đã bối rối như thế nào trước tốc độ xé gió của Daniel Sturridge, Danny Welbeck và Raheem Sterling trong hiệp 1. Thế nhưng, khi trấn tĩnh lại và tìm ra được cách đối phó thì mọi chuyện lại nằm trong tầm kiểm soát. Nắm rõ điều đó, Uruguay đã bố trí các tiền vệ kèm cặp Sterling và Welbeck ngay từ đầu khiến cho hai cầu thủ này không thể phát huy ưu thế về tốc độ. Một khi đã quen chạy quá nhanh mà bị kìm chân lại thì các cầu thủ tấn công của Anh chẳng biết phải làm gì để tạo sức ép lên khung thành đối phương.
Mặt khác, khi chơi quá nhanh, bốn cầu thủ tấn công của Anh vô tình tạo ra một khoảng trống khá lớn với 6 cầu thủ còn lại do các tiền vệ phòng ngự và hai hậu vệ cánh không kịp dâng cao. Còn khi buộc phải chơi chậm thì lại dễ tắc nghẽn trong những hướng lên bóng. Bên cạnh đó là một hàng phòng ngự vừa thiếu nhân sự vừa thiếu chất lượng đã trở thành miếng mồi ngon cho Mario Balotelli và Luis Suarez.
Italy thiếu, Bồ Đào Nha cúm
Trong khi đó, HLV Cesar Prandelli không phạm sai lầm về chiến thuật, kể cả khi ông sử dụng sơ đồ 3-5-2 trong trận gặp Uruguay. Tuy nhiên, do thiếu thốn về nhân sự (không có tiền đạo chơi ăn ý với Balotelli, Daniele De Rossi chấn thương và Claudio Marchisio lãnh thẻ đỏ) và do Andrea Pirlo phần nào bị bắt bài ở trận gặp Costa Rica và Uruguay mà Italy mới phải về nước sớm. Cũng có thể là do ông Prandelli quá tin vào hàng phòng ngự mà quên trau chuốt cho hàng công nên Balotelli chỉ có thể chơi tốt ở trận thắng Anh.
Điểm nhấn đáng kể trong lối chơi của Italy là những đường chuyền của Pirlo. Anh đã tung hoành ở trận gặp Anh, gặp khó khăn trong trận đấu với Costa Rica và mờ nhạt ở trận thua Uruguay. Một phần là do Balotelli đã “xổ toẹt” những nỗ lực của Pirlo và phần khác là do các đối thủ đã biết cách phong tỏa tầm hoạt động của anh.
Phần nào giống như việc đội tuyển Đức bắt chết Cristiano Ronaldo, qua đó chỉ ra cách đá bại Bồ Đào Nha. Tất nhiên, cả Mỹ lẫn Ghana đều không làm được điều đó, nhưng họ đã gây rất nhiều khó khăn cho đội bóng quá phụ thuộc vào một người. Đơn giản vì khi Ronaldo không có được phong độ tốt thì Bồ Đào Nha dễ bị cúm. Mặt khác, do không hội đủ yếu tố con người mà HLV Paulo Bento lại bắt chước lối chơi của Real Madrid thì làm sao thành công được. Do vậy, sự yếu kém của hậu vệ trái Andre Almeida và trung vệ Ricardo Costa đã bị đội tuyển Mỹ khai thác triệt để trong lúc sự cơ động chưa tới của Nani chẳng làm hại được ai.
Nam Khang
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất