23/06/2014 12:17 GMT+7 | Bảng F
Romero cứu thua
Có thể nói “Albiceleste” đã hít thở bằng không khí được tạo nên từ những pha cứu thua của thủ môn Romero để cho con tim không loạn nhịp, trước khi đập rộn ràng từ bàn thắng muộn màng của Messi. Thật vậy, trong hoàn cảnh buộc phải tràn lên để tìm kiếm bàn thắng, các cầu thủ Argentina chẳng những không phá vỡ được tuyến phòng thủ của Iran mà còn chậm trễ quay trở về khi mất bóng, nhất là các cầu thủ ở hàng phòng ngự, khiến cho “Albiceleste” phải nín thở trước những pha phản công nhanh, rất đơn giản của Iran.
Đó là những tình huống diễn ra trong hiệp 2 mà nếu như thủ môn Romero không xuất sắc cản phá hai cú đánh đầu của Reza Ghoochanneijhad, Ashkan Dejagah và một cú sút của Ghoochanneijhad thì không biết điều gì sẽ xảy ra cho Argentina. Romero có thể không được đánh giá cao ở đội tuyển Argentina nhưng trên sân Mineirao, anh lại là một trong vài cầu thủ hiếm hoi chơi tốt và là người duy nhất làm đúng và chính xác mọi chuyện, kể cả những cú phát bóng dài lên cho đồng đội. Khi “Albiceleste” cần, Romero đã phản ứng rất tốt để giữ sạch mành lưới nhà.
Messi ghi bàn
Thế nhưng, dù có nỗ lực cách mấy thì Romero cũng chỉ có thể giữ cho Argentina không thua bởi làm sao anh có thể ghi bàn từ khoảng cách 100m so với khung thành của Iran. Tuy nhiên, cầu thủ mang chiến thắng về cho Argentina lại không phải là người thường xuyên xuất hiện gần cầu môn của Iran nhất.
Dù Argentina xuất phát với sơ đồ 4-3-3 quen thuộc nhưng khi vận hành thì trông không khác gì mô hình 4-kim cương-2, với Messi là đỉnh của viên kim cương, chơi trong vai trò số 10, phía sau cặp tiền đạo. Trong suốt trận đấu, Messi đã chơi không tốt trước sự phong tỏa rất hiệu quả của hàng tiền vệ Iran. Tại sao gọi là hàng tiền vệ? Bởi không có một cầu thủ cụ thể nào của Iran được HLV Carlos Queiroz phân công “bắt chết” Messi.
Thay vào đó, khi Messi di chuyển đến đâu thì tiền vệ của Iran ở khu vực đó sẽ bám theo anh. Điều đó có hai điểm lợi: Thứ nhất, nó khiến cho Messi phải liên tục đối phó với những “cái đuôi” khác nhau nên khó có thể phát huy được hiệu quả. Và thứ hai, giúp Iran vẫn duy trì được kết cấu của hàng tiền vệ.
Kết quả là Messi đã phải vật lộn để tìm kiếm không gian trước hệ thống phòng ngự được tổ chức tốt với số đông của Iran. Thế nên, cũng là điều dễ hiểu khi Messi cứ phải thường xuyên chuyền ngang hoặc chuyền về chứ không thể tìm thấy các đồng đội trên tuyến đầu. Bằng chứng là anh chỉ có hai đường chuyền cho Gonzalo Higuain, một cho Sergio Aguero so với 9 đường chuyền cho Javier Mascherano, 7 cho Pablo Zabaleta, Fernando Gago…
Tuy nhiên, kể từ khi Rodrigo Palacio và Ezequiel Lavezzi được tung cùng lúc vào sân ở phút 77 để thay cho Higuain và Aguero thì sự cơ động của hai tiền đạo này đã giúp Messi dễ thở hơn, dù hệ thống chiến thuật và kế hoạch tác chiến không hề thay đổi. Và một lần nữa, Messi đã chứng minh vì sao anh được xem là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất thế giới, người có khả năng tạo ra sự khác biệt chỉ với một không gian rất nhỏ trong một chớp mắt. Cú ra chân từ bên ngoài khu vực 16m50 sau đường chuyền của Lavezzi đã mang lại cho Messi bàn thắng thứ hai tại World Cup 2014 cùng trận thắng thứ hai cho Argentina.
Con tim của “Albiceleste” đập rộn ràng sau bàn thắng này nhưng ai cũng biết đó chỉ là cảm giác được giải thoát trong hoàn cảnh bế tắc. Nếu không Romero và Messi, Argentina sẽ không tìm được sự giải thoát đó.
Nam Khang
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất