BLV Đình Khải: Đến nơi trái bóng World Cup lăn

08/06/2014 13:53 GMT+7 | World Cup ở Việt Nam

(Thethaovanhoa.vn) - Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) lần thứ 16 diễn ra năm 1998 tại Pháp. Thật may mắn là ngày đó tôi và anh Xuân Bách (hiện vẫn công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam) được cử đi Paris.

1. Khỏi phải nói tôi đã mừng vui đến mức nào. Đã bao năm rồi tôi đã thức trắng đêm cả tháng trời để theo dõi World Cup qua truyền hình và qua các phương tiện thông tin quốc tế để viết tin, bài hoặc bình luận. Những đêm thức trắng ấy, tôi từng ước mơ giá như có một lần được đến tận nơi, được vào tận sân để theo dõi trực tiếp một trận đấu.

Nay, mong ước ấy đã trở thành hiện thực. Tôi sẽ được đến tận nơi diễn ra sự kiện, được vào sân xem thi đấu, được hòa chung không khí cuồng nhiệt của người hâm mộ thì còn gì sung sướng hơn.

Hơn một tháng trời ở Paris, tôi và anh Xuân Bách đã phải vượt qua không ít khó khăn về chuyện ăn, ở và đi lại. Bởi lẽ, mang tiếng là "đi World Cup", nhưng khi ấy chúng tôi đến Paris chẳng khác nào những khán giả hâm mộ bóng đá bình thường khác. Vé máy bay được Hãng hàng không Việt Nam tài trợ. Ở thì mượn căn hộ của một Việt kiều quê Hải Phòng quen thân với gia đình anh Xuân Bách. Cũng không có sự trợ giúp nào của Ban tổ chức World Cup cả.

Thế nhưng, tất cả những khó khăn ấy cũng chẳng là gì, khi mà chúng tôi được đắm mình trong những ngày lễ hội bóng đá ở chính nơi nó diễn ra. Tôi đã đến sân Stade de France, mới xây dựng để phục vụ World Cup ‘98. Khi ở nhà, tôi đã nghe, đã xem những hình ảnh về sân vận động ở phía Bắc Thủ đô Paris này. Nhưng có đến tận nơi mới cảm nhận được hết sự hoành tráng.

2.Sân có sức chứa 80 nghìn khán giả và có thể tăng hay giảm tuỳ theo loại hình thi đấu thể thao. Lòng sân có thể chứa 25 nghìn người. Tôi đã ngồi bệt xuống mặt sân cỏ mịn màng được trồng tỉa hết sức công phu, mà cảm phục trình độ và công sức của đội ngũ những nhà khoa học và công nhân xây dựng của nước Pháp.

Hệ thống giao thông công cộng xung quanh sân cũng được làm mới. Trong đó có một đường hầm xuyên sông và hai tuyến xe điện ngầm nhanh nhằm tránh ách tắc giao thông khi khán giả tới sân. Sân Stade de France là nơi diễn ra trận khai mạc và trận chung kết của World Cup ‘98.

Như đã nói, chúng tôi đến Paris như những người hâm mộ bóng đá tự do. Chính vì thế, việc vào sân xem một trận đấu là rất hiếm hoi, mà chủ yếu vẫn là xem qua TV. Nhưng bù lại, có rất nhiều lợi thế so với những năm tháng ngồi tại Hà Nội mà dõi theo World Cup. Đó là không phải chong mắt thức suốt đêm. Và hơn thế, là được hòa mình trong không khí bóng đá cuồng nhiệt trên các đường phố Paris.

Sẽ chẳng thể nào quên được không khí cuồng nhiệt trên quảng trường Concorde suốt buổi chiều và đêm 9/6/1998, một ngày trước khi trái bóng France ‘98 chính thức lăn. Hàng vạn người đủ các màu da và quốc tịch, cùng với cờ hoa, băng-rôn khẩu hiệu, đắm chìm trong âm thanh và ánh sáng đủ màu sắc.

Hay như đêm đội tuyển Pháp đăng quang ngôi vô địch World Cup ‘98, sau khi thắng đương kim vô địch Brazil với tỷ số 3-0 trong trận chung kết. Thủ đô Paris không ngủ. Tiếng còi xe (điều vốn thường ngày cấm kỵ) và âm thanh đủ loại đều được người dân sử dụng để bày tỏ niềm vui sướng. Đường phố đông đặc và ầm ĩ những tiếng reo hò, tiếng hô vang tên của "những người anh hùng của nước Pháp", đặc biệt là Zinedine Zidane, cầu thủ đã ghi hai bàn trong trận chung kết.

Đêm ấy, chúng tôi phải luồn lách đi bộ qua nhiều con phố cho tới quá nửa đêm mới về được nhà. Mệt, nhưng niềm vui và sự phấn khích có lẽ cũng chẳng kém gì bất cứ người dân Pháp nào.

3. Những ngày ở Paris, thường thì buổi sáng chúng tôi ra một quán cà phê nhỏ ven sông. Tại đây, có thể lướt qua những tờ báo, đặc biệt là tờ L’Equipe chuyên về thể thao và bóng đá, để thu thập những tin tức mới nhất về World Cup. Cũng có khi chúng tôi lang thang trên nhiều ngóc ngách của Paris để hòa mình vào không khí bóng đá và kiếm tìm tư liệu báo chí.

Hoặc nữa, là dạo qua chợ đường phố hoặc siêu thị để mua sắm thực phẩm tự lo cho bữa ăn của mình. Buổi chiều thì dõi mắt theo những trận đấu đang diễn ra. Và sau đó là viết tin, bài và xử lý âm thanh rồi gửi về Hà Nội. Tôi thì viết cho chương trình Thời sự 6 giờ và 18 giờ hàng ngày, còn anh Xuân Bách thì viết cho các chương trình Văn hoá xã hội.

Với nhịp làm việc như thế, sau 30 ngày, với 64 trận đấu của France ‘98, tôi đã viết và gửi về Hà Nội hơn 70 tin, bài và phỏng vấn. Quả là một con số không hề nhỏ. Có thể nói, cùng với các đồng nghiệp ở Hà Nội, chúng tôi đã góp phần chuyển tới bạn nghe đài cả nước những thông tin nhanh nhất, nóng hổi nhất và khá đầy đủ về sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

Đó là niềm vui lớn, là niềm tự hào của những phóng viên thể thao nói riêng và của Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung.

Bình luận viên Đình Khải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link