105 năm thảm họa Titanic: 'Một đêm đáng nhớ' bậc nhất thế kỷ 20

14/04/2017 11:51 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 10/04/1912, tàu Titanic - vật thể di động vĩ đại nhất thời ấy - đã gặp nạn ngay trong đêm đầu tiên của chuyến hải hành, và trở thành thảm hoạ hàng hải kinh hoàng nhất thế kỷ 20. Trong vô số những bộ phim về Titanic, A Night To Remember (Một đêm đáng nhớ) sản xuất năm 1958 là phim đáng nhớ nhất, và là nguồn cảm hứng lớn nhất cho Titanic của James Cameron ra đời sau đó 40 năm.  

 

Tác giả người Mỹ Walter Lord cho biết khi ông viết cuốn sách A Night To Remember (1955) kể về vụ chìm tàu Titanic năm 1912, công chúng lúc ấy không quan tâm về đề tài này.

 

Sống động từ những nhân chứng sống

Tương tự như trong 4 thập kỷ trước đó cũng không có gì được viết về sự kiện bi thảm ấy. Sự thờ ơ đó có thay đổi chút ít vào năm 1953, khi hãng phim Twentieth Century-Fox thành công rực rỡ với bộ phim cảm động có tên là Titanic (Charles Brackett đã đoạt giải Oscar kịch bản với bộ phim này). Đây có thể được xem là bộ phim thảm họa đầu tiên của Hollywood, nhưng các nhân vật trong phim chỉ hoàn toàn là hư cấu.

Cuốn sách của Walter Lord thì lại rất công phu khi đảo ngược các ưu tiên của Hollywood. Ông tập trung vào thực tế của sự kiện chìm tàu hơn là các truyền thuyết về nó. Sử dụng những tài liệu lịch sử và những mô tả mắt thấy tai nghe từ 64 người sống sót mà ông bỏ rất nhiều thời gian để gặp gỡ.


Poster của bộ phim

Cuốn sách A Night To Remember tường thuật chính xác đến từng phút về những gì đã xảy ra trong thực tế, từ sự trần tục và ngu xuẩn đến cùng với nỗi đau xé ruột. Tính hiện thực của cuốn sách đã đi đến tận cùng, như thể ông đã có mặt ở đó để chứng kiến. Những giai thoại trở nên sinh động, khi thuật rõ lại giây phút con tàu vĩ đại bị chìm như thể nào, và cách đối xử giữa các hành khách hạng nhất, hạng hai và hạng ba một cách có tôn ti trật tự.

Sự thôi thúc làm rõ mọi thứ về thảm họa kinh khủng này, cũng là động lực thúc đẩy nhà sản xuất người Anh William MacQuitty, quyết định chuyển thể tác phẩm của Walter Lord thành phim. Khi còn là một cậu bé 6 tuổi, MacQuitty đã từng được xem tận mắt cảnh tàu Titanic hạ thủy từ một xưởng tàu ở Belfast ngày 31/5/1911. Ấn tượng đó vẫn còn in mãi trong tâm khảm ông.

Khó khăn trong việc tái tạo con tàu Titanic

Nhà sản xuất William MacQuitty đã sử dụng các bản thiết kế của con tàu thật để tái hiện chính xác bối cảnh con tàu, và Harry Grattidge, cựu thuyền trưởng của hãng tàu Cunard Line được mời làm cố vấn chuyên môn cho bộ phim.

 

Cảm hứng để  “huyền thoại” “Titanic” ra đời

Sau khi xem A Night To Remember, James Cameron mới quyết định làm siêu phẩm Titanic sau này. Thậm chí Cameron còn bị bộ phim này lôi cuốn tới mức ông “chôm” ý tưởng, cốt truyện, lời thoại và nhân vật, gồm cả một vai thứ tương tự như nhân vật Jack Dawson do Leonardo DiCaprio đóng.

Nội cảnh con tàu được xây dựng tại phim trường Pinewood (Anh), với sự tham gia của tất cả lực lượng lao động gồm 1.200 người. Mô hình lớn được sử dụng trong những cảnh chìm tàu dài gần 11 mét. Hồ nước nhân tạo chỉ sâu gần 5 mét, vì thế mô hình đó được xây dựng theo từng phần. Khi phần nào chìm xuống mặt nước, khuất khỏi tầm nhìn, họ tháo phần đó ra để nó không va trúng đáy hồ.

Nhưng ở trường quay Pinewood, không có bể nước nào đủ lớn để bấm máy cảnh những người sống sót đang cố leo lên thuyền cứu sinh, vì thế những cảnh đó được thực hiện trong một bể bơi ngoài trời tại Ruislip Lido vào lúc 2h sáng vào một ngày băng giá của tháng 11.

Khó khăn nhất là quay ngoại cảnh của Titanic. Ban đầu hãng tàu Shaw Savill đồng ý cho phép bộ phim được quay trên con tàu của họ là MV Dominion Monarch, nhưng không lâu trước khi bộ phim được khởi quay, Shaw Savill rút phép. Lý do chủ tịch của hãng tàu là Basil Sanderson - con trai của Harold Sanderson, từng là chủ tịch của hãng tàu White Star Line (hãng sở hữu Titanic thật) từ năm 1913 tới 1927 - Basil không muốn bi kịch này được khơi gợi lại.

Các hãng tàu còn lại cũng thế, tất cả đều lần lượt từ chối cộng tác với đoàn phim. Điều này dẫn tới quyết định của Sir Frederick Rebbeck, chủ tịch của hãng tàu Harland and Wolff, không những từ chối cộng tác mà còn đưa ra tuyên bố phàn nàn về việc một hãng phim đang tìm cách kiếm tiền từ bi kịch đó: “Đã có quá nhiều người của hãng tàu này mất mạng trong đêm đó và nhiều người khác cũng thế. Tại sao chúng ta lại phải giúp tạo ra một tác phẩm giải trí từ bi kịch đó!”.

May sao giờ chót nhà sản xuất William MacQuitty được hãng Ship Breaking Industries cho phép bấm máy trên một con tàu hơi nước cũ là tàu Austurius, con tàu này đang chờ bị đập nát. Nó được các sinh viên mỹ thuật sơn lại theo màu sắc của hãng White Star Line, và được sử dụng trong hầu hết các ngoại cảnh. Một con tàu khác cũng được sử dụng bổ sung trong quá trình bấm máy là Largs Bay.

 

Trong phim, Titanic không bị gãy đôi

Giống như hầu hết các bộ phim nói về tàu Titanic được bấm máy trước khi xác tàu Titanic được phát hiện vào năm 1985, A Night to Remember đã không chính xác khi mô tả cảnh con tàu chìm mà không bị gãy đôi. Thực ra, một số nhân chứng kể rằng con tàu đã bị gãy đôi, và điều này được chứng thực khi xác tàu Titanic được phát hiện. Hầu hết các bộ phim sau đó đều mô tả cảnh chìm tàu dựa theo phát hiện này.  

 

Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link