(TT&VH) - Phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) theo “ba chung” thực thi gần 10 năm qua đã khiến các trường ĐH, CĐ phân “top” rõ rệt. Nếu ở các trường top trên, cuộc cạnh tranh vào trường rất quyết liệt thì ở top dưới, có những trường gần chục năm vẫn loanh quanh việc lo nguồn tuyển.
Một nghịch lý tồn tại rất lâu: trường đi tìm thí sinh, thay vào việc thí sinh đi tìm nơi học. Và để có thể tuyển đủ chỉ tiêu để trường hoạt động, nhiều trường đã bất chấp chất lượng đầu vào. Nguồn tuyển nguyện vọng hai trong các mùa tuyển sinh giống như thị phần hẹp để các trường tranh giành. Tuyển sinh kiểu “xếp hàng”: ai đến trước được ưu tiên! Thời gian tuyển nguyện vọng hai vào các trường đại học được ấn định trong 20 ngày, nhưng có một số trường đã áp dụng một tiền lệ từ nhiều năm: Ai đến trước nhận trước, ai đến sau sẽ gặp khó khăn hơn. Một thí sinh nộp hồ sơ vào trường đại học T. cho biết: Đầu tháng 9 em mới đến nộp hồ sơ, vì còn phải cân nhắc sau khi có đầy đủ thông tin của các trường. Nhưng em bất ngờ vì một cán bộ của phòng đào tạo cho biết em nộp hồ sơ muộn quá, họ đã khóa sổ. Trong khi đó, thời hạn cuối cùng để nộp hồ sơ còn gần nửa tháng. Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng hai
để tránh hiện tượng “học giả bằng thật”
Thí sinh này cho biết sau khi tham khảo ý kiến các thí sinh khác thì mới biết, trường có chế độ ưu tiên những thí sinh đến sớm, nhất là nộp hồ sơ ngay trong ngày đầu tiên (25/8). Tiêu chí ưu tiên của trường này không phải chất lượng đầu vào, cụ thể là kết quả thi của thí sinh mà là việc nộp hồ sơ sớm hay muộn.
Một trường đại học tư thục khác tại Hà Nội tuyên bố sẽ giảm học phí 30% trong học kỳ đầu tiên cho những thí sinh nộp hồ sơ nguyện vọng 2 trong tuần đầu tiên, kể từ ngày 25/8. Giải thích về chủ trương này, đại diện phòng đào tạo của trường cho biết: “Trường muốn chắc chắn về số thí sinh nhập học và kết thúc sớm việc tuyển sinh”. Tuy không có văn bản chính thức nhưng một số trường đại học thuộc “chiếu dưới” nhưng ít nhiều vẫn có sức hút đã tìm cách “trói chân” thí sinh bằng phương thức tuyển sinh kiểu “xếp hàng”. Việc cho phép thí sinh có nhiều nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng trên cơ sở kết quả thi chung nhằm tạo cơ hội và công bằng cho mọi thí sinh và cũng để không bỏ phí những thí sinh có học lực tốt, nhưng không đỗ vào các trường có điểm chuẩn quá cao. Tuy nhiên với cách tuyển sinh theo kiểu “xếp hàng”, thí sinh có nguyện vọng 2 đã không được cạnh tranh công bằng và cạnh tranh bằng năng lực. Thủ pháp “giữ chân” thí sinhSố trường có nhu cầu tuyển thì đông, thí sinh đạt điểm sàn theo quy định của Bộ GD&ĐT thì có hạn. Việc mất cân đối giữa cung và cầu và mục tiêu phải tuyển hết 100% chỉ tiêu được giao của các trường đã khiến ban tuyển sinh của nhiều trường chịu áp lực. Trên thực tế, nhiều trường, trong đó có cả các trường đại học công lập cũng nhắm mắt từ chối quyền được lựa chọn bằng cách: Nhận tất cả những thí sinh nào đến nộp hồ sơ nguyện vọng hai. Tại trường đại học B. ở khu vực phía Nam các thí sinh đến nộp hồ sơ đều được phát giấy trúng tuyển có dấu đỏ của nhà trường ngay. Trong khi đó những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì chưa có giấy báo trúng tuyển. Tất cả vì việc nhà trường phải giữ chân thí sinh nguyện vọng 2 cho đủ chỉ tiêu. Vì với đối tượng này, họ có thể rút hồ sơ, có thể sử dụng giấy báo kết quả thi số 2 (thí sinh có 2 giấy báo kết quả thi) để đăng ký vào trường khác. Và ra sức “chào mời”Đáng buồn hơn là nhiều trường, chủ yếu là các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp nhưng cũng có cả trường đại học quá khan hiếm thí sinh đã phải dùng chiêu gửi giấy báo nhập học đến những thí sinh không có nguyện vọng vào trường, căn cứ vào dữ liệu kết quả thi của thí sinh được công bố trên mạng. Vì điều này mà rất nhiều thí sinh đã bất bình do bị làm phiền. Một số thí sinh cho biết đã nhận được đến hàng chục giấy báo trúng tuyển khác nhau, đều của những trường mà thí sinh không đăng ký nộp hồ sơ. Có những trường thí sinh còn chưa nghe thấy tên bao giờ. Sở dĩ có chuyện này là do rất nhiều trường, trong đó có nhiều trường đại học từng thành lập 5- 10 năm qua khó khăn về nguồn tuyển. Sắp qua thời hạn nộp hồ sơ nguyện vọng 2 nhưng hiện có trường chỉ nhận được vài bộ hồ sơ do thí sinh chủ động đăng ký, có trường không có thí sinh nào nộp hồ sơ. Hàng năm hội đồng điểm sàn của Bộ GD&ĐT khi quyết định mức điểm sàn cho các trường đại học, cao đẳng đã cân nhắc đến quyền lợi thí sinh, đến nguồn tuyển cho các trường. Nhưng giữa số liệu và bài toán được tính trên giấy với thực tế khác xa. Vì đã có nhiều thí sinh chấp nhận thi trượt chứ không chịu nhập học vào những trường chất lượng không đảm bảo. Theo một số chuyên gia GD, việc “thí sinh từ chối trường” lại là điều đáng mừng. Vì như vậy thí sinh đã không chấp nhận việc “học giả bằng thật”. Nhưng đáng tiếc là không phải tất cả mọi thí sinh đều biết từ chối. Và hàng năm các trường từ đại học đến trung cấp vẫn trải thảm đỏ đón hàng ngàn thí sinh rỗng kiến thức cơ bản vào trường, chỉ vì mục đích lấp đầy chỉ tiêu. Cùng với việc tuyển sinh không chọn lựa chất lượng, phương thức đào tạo cực ít tính đào thải gây nên nguy cơ cho “ra lò” những sản phẩm có trình độ đại học, cao đẳng nhưng kém chất lượng. đón đọc Bài 2: Nên thay đổi phương thức tuyển sinh Việt Hà