Bố mẹ về chung nhà 30 năm chưa từng đăng ký kết hôn vẫn hạnh phúc, tôi mới 3 năm đã suýt qua 2 lần đò

15/05/2023 20:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

2h sáng tôi gọi điện “Bố đến đón con nhé”. Nửa tiếng sau cả bố lẫn mẹ đều đứng đợi ngoài đường, ôm tôi với bé Bông về nhà ngoại.

Nếu có một điều ước duy nhất trong đời, tôi chỉ ước mình được sống êm đềm như mẹ. Bà là hình mẫu phụ nữ tôi vô cùng ngưỡng mộ. Dù mẹ tôi không nổi tiếng, không phải mỹ nhân cũng chẳng phải đại gia, nhưng bà có đủ những gì khiến người khác ao ước. Một người chồng lý tưởng, một tổ ấm đủ con cháu, một ngôi nhà có đầy cây với hoa, mỗi ngày trôi qua đều nhẹ nhàng.

Mẹ tôi thực sự có cuộc sống rất hạnh phúc. Hiếm khi tôi thấy bà muộn phiền, kể cả khi anh trai tôi quậy phá trên trường đến mức bị doạ đuổi học, khi tôi ngã xe nằm viện gãy ngón tay, rồi cả khi tôi thông báo sẽ ly hôn với người chồng đầu. Vợ của bố tôi luôn tiếp nhận mọi thứ với thái độ bình tĩnh. Thậm chí lúc cả nhà náo loạn lên thì bà luôn là người nở nụ cười khiến các con thấy an tâm.

Mẹ tôi từng là bác sĩ làm chung bệnh viện với bố, nhưng sau một lần chấn thương thì bà nghỉ hẳn. Bà đi tập yoga trị liệu rồi học làm giáo viên mở lớp dạy yoga luôn. Cuộc sống của mẹ từ ấy cứ thơ mộng lạ kỳ. Mỗi ngày đều đi chợ mua hoa, nấu ăn, trò chuyện với chồng con, tưới cây, trồng rau, dạy yoga, xem phim, rồi thi thoảng ra ngoài ăn uống shopping nhẹ nhàng. Tiền trong nhà mẹ cầm hết. Mọi thứ bố đều tin tưởng mẹ một cách vô điều kiện. Ai cũng bảo mẹ tôi sướng như bà hoàng, có hẳn “vương quốc riêng” với 3 “cư dân” lúc nào cũng cưng chiều mẹ nhất.

Tốt nghiệp ĐH xong tôi mở một tiệm thuốc, sau đó đi tu nghiệp nước ngoài 2 năm. Trong một buổi tiệc gặp gỡ đồng hương tôi được bạn bè giới thiệu làm quen với một chàng trai trẻ. Anh ta giúp đỡ tôi rất nhiều, lại vui tính và cởi mở nên yêu nhau lúc nào không biết. Lần đầu yêu đương nên tôi lựa chọn khá dại dột, cứ nghĩ sẽ say đắm sống chết đến cuối đời. Thế là bọn tôi “ăn cơm trước kẻng”, bụng to đùng 6 tháng mới về nước đòi bố mẹ tổ chức đám cưới.

Ngày rước dâu tôi mới biết mặt mũi nhà chồng. Hoá ra anh ấy chẳng phải “con nhà thế gia” như lúc trước hay khoe. Ông nội anh ấy cũng chẳng có cái bệnh viện nào cả, 3 đời nhà chồng tôi chỉ toàn bán bánh cốm thôi! Nhưng tôi nhắm mắt cho qua hết vì lúc ấy ngây thơ chẳng hề nghĩ đến tiền.

Tới khi con chào đời thì tôi chính thức vỡ mộng. Cuộc hôn nhân vội vàng khiến tôi vấp ngã đau đớn. Chồng dần lộ bản chất lười biếng ăn chơi, bố mẹ chồng thì đam mê sống ảo. Hoá ra cái tật “nổ” ấy di truyền hẳn 3 đời. Ngày nào tôi cũng phải nghe gia đình họ “chém gió” linh tinh đủ thứ, đi đâu cũng khoe là danh gia vọng tộc. Vọng cái kiểu gì mà nề nếp không có, nhà cửa lộn xộn lúc nào cũng bắt con dâu phải làm lụng như osin. Tôi vừa chăm con vừa phải hầu hạ già trẻ lớn bé trong gia đình ấy, tiền bạc phải ngửa tay xin nhà ngoại chu cấp thêm. Không ai giúp đỡ và chẳng ai quan tâm, chồng tôi còn thất nghiệp suốt 1 năm trời, bắt tôi phải phục dịch như con nợ. Tối ngày cãi nhau, tôi khóc khàn cả giọng còn bị mẹ chồng xỉa xói.

Tôi không dám than thở với bố mẹ ruột vì chính tôi tự đâm đầu vào cái hố sâu ấy. Chính tôi ép bố mẹ phải đồng ý cho mình kết hôn, chấp nhận đứa con rể và cháu ngoại một cách miễn cưỡng. Rồi đời sống hôn nhân không như phim ngôn tình mà tôi thích. Đành tự làm tự chịu thôi.

Cắn răng đến năm thứ 2 thì cuộc hôn nhân của tôi chính thức hết hạn. 2h sáng tôi gọi điện xin “Bố đến đón con nhé”. Nửa tiếng sau cả bố lẫn mẹ đều đứng đợi ngoài đường, ôm tôi với bé Bông về nhà ngoại. Vẫn sự dịu dàng không nửa câu mắng mỏ. Trái tim tôi thấy có lỗi và ân hận vô cùng.

Nửa năm sau khi tan vỡ, tôi lại sa vào tình yêu lần 2. Đó là vị khách quen thường xuyên ghé tiệm thuốc. Anh ta hơn tôi 7 tuổi, làm bố đơn thân và cũng có 1 đứa con riêng. Được quan tâm chăm sóc một thời gian tôi lại muốn mặc áo cưới lần nữa, mẹ chỉ hỏi mỗi câu rằng “Con có biết cách làm rổ rá cạp lại không?”.

Bố mẹ chung giường 30 năm chưa từng đăng ký kết hôn vẫn hạnh phúc, tôi mới 3 năm đã suýt qua 2 lần đò - Ảnh 1.

Con chim ngã 1 lần ắt sẽ sợ cành cong, tôi nói với bạn trai rằng cần thời gian để suy nghĩ kỹ. Nhưng từ lúc tôi im lặng thì bỗng dưng anh ấy đổi nết. Tưởng gần 40 rồi thì anh ấy sẽ điềm tĩnh, vậy mà chẳng hiểu sao cứ liên tục cáu gắt với tôi, ép tôi phải cưới ngay lập tức. Anh ấy còn bắt tôi cho vay tận 300 triệu. Lý do đưa ra là trước sau gì tôi cũng sẽ làm vợ, nên anh ấy muốn mượn trước để gửi tiền về quê cho bố mẹ sửa nhà.

May mắn sao tôi có người bạn đại học ở gần nhà anh ấy. Tôi bí mật nhắn tin nhờ dò hỏi tin tức gia đình bạn trai. Thất vọng làm sao tôi lại gặp một gã đểu cáng nữa! Bố mẹ anh ta có xây sửa gì đâu, làm gì còn cắc nào để mua gạch. Anh ta nổi tiếng ở quê với thói vay tiền không trả, tiêu xài hoang phí trên thành phố, bao nuôi một lúc mấy em “sugarbaby”, bắt bố mẹ trả nợ thay không biết mấy tỉ rồi. Tôi chỉ là người phụ nữ nhẹ dạ cả tin, nếu cưới nhầm thì cũng chỉ là công cụ giúp anh ta phóng túng.

Tôi ngậm ngùi chặn hết mọi liên lạc nhưng gã bố đơn thân tồi tệ ấy cứ bám riết lấy không buông. Ngọt nhạt có đe dọa có, hắn ta còn theo dõi mẹ con tôi rất đáng sợ. Cuối cùng tôi phải cầu cứu bố, nhờ bố báo công an thì anh ta mới chịu buông tha.

Ai cũng lắc đầu bảo số tôi đường tình duyên lận đận. Tôi mệt mỏi quá liền về nhà ôm mẹ. Sau 30 năm tôi mới chợt hỏi mẹ: “Tại sao sống với nhau ngần ấy năm mà bố mẹ chưa từng rạn nứt?”. Mẹ liền vuốt tóc cho tôi như ngày bé, tiết lộ một bí mật khiến tôi choáng váng. Hóa ra bố mẹ chưa từng đăng ký kết hôn, tổ chức đám cưới xong họ cứ ở với nhau cho đến tận bây giờ!

Bí quyết giữ gìn hạnh phúc của mẹ rất đơn giản. Tất cả nằm gọn trong 2 từ “tôn trọng”. Mẹ bảo với tôi rằng dù bề ngoài mọi người đều nghĩ mẹ quyền lực, song chuyện gì mẹ cũng hỏi ý kiến bố đầu tiên. Mẹ biết thể diện với đàn ông là điều quan trọng nên không bao giờ mẹ vượt mặt bố trong bất kỳ việc gì. Dù chuyện lớn hay nhỏ bà vẫn chọn hỏi bố tôi trước, để bố có cảm giác mình là trụ cột gia đình và lời nói của bố luôn luôn có trọng lượng. Ra ngoài mặc đồ gì mẹ cũng nghe theo ý bố, luôn đứng ở sau bố chứ không hề lấn át to tiếng hơn chồng.

2 từ “tôn trọng” tuy thật ngắn nhưng không phải ai cũng đủ bản lĩnh để học được. Mẹ vẫn động viên tôi tiếp tục mở lòng đi tìm hạnh phúc của riêng mình, song có lẽ rất lâu nữa tôi mới thoát khỏi ám ảnh đổ vỡ.

Tiểu Ngạn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link