Quốc kỳ Cuba tung bay bên ngoài trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ

20/07/2015 20:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 20-7-2015, quốc kỳ 3 màu đỏ, trắng và xanh lam của Cuba đã tung bay bên ngoài trụ sở của Bộ Ngoại giao Mỹ cùng với quốc kỳ của những nước mà Washington có quan hệ ngoại giao. Việc Quốc kỳ của đảo quốc Caribe được kéo lên tại Bộ Ngoại giao Mỹ là sự kiện có ý nghĩa lịch sử chính thức đánh dấu việc mối quan hệ căng thẳng hàng chục thập kỷ giữa hai quốc gia đã kết thúc.

Theo kế hoạch, lần đầu tiên kể từ năm 1961, quốc kỳ Cuba cùng ngày cũng sẽ được kéo lên tại đại sứ quán mới được nâng cấp của La Habana tại thủ đô Washington trong một nghi lễ chính thức.

Trong một động thái mang tính lịch sử nữa, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có buổi tiếp Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez, Trưởng phái đoàn quan chức cấp cao Cuba tới Washington dự lễ mở Đại sứ quán Cuba tại Mỹ ở trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi diễn ra nghi lễ chính thức mở lại Đại sứ quán Cuba tại Washington.

Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của người đứng đầu ngành ngoại giao Cuba sau hơn nửa thế kỷ quan hệ hai nước bị đóng băng. Hai bên sẽ đối thoại về nhiều vấn đề như sức khỏe toàn cầu, việc tiếp cận dịch vụ viễn thông tại Cuba và một số vấn đề còn tồn đọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ. Dự kiến, ông Kerry và ông Rodriguez sẽ tổ chức một cuộc họp báo sau cuộc gặp song phương này.

Như vậy, sau gần 7 tháng thương lượng với 4 vòng đàm phán, tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba đã đạt được bước tiến mang dấu mốc lịch sử với việc hai nước nhất trí mở lại Đại sứ quán. Kể từ sau tuyên bố lịch sử bình thường hóa quan hệ ngoại giao được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro đưa ra ngày 17-12-2014, hai nước đã nhanh chóng triển khai hàng loạt bước đi nhằm đẩy nhanh quá trình này.

Mỹ và Cuba đã tiến hành 4 vòng đàm phán lần lượt tại thủ đô của hai nước với những tiến triển trong nhiều vấn đề quan trọng. Mỹ cũng đã dỡ bỏ rào cản lớn nhất trên con đường khôi phục quan hệ song phương khi đưa Cuba ra khỏi cái gọi là "Danh sách các nước bảo trợ khủng bố".


Cuba và Mỹ ngày 20.7 mở lại đại sứ quán của nhau tại Washington D.C và La Habana. Ảnh: Reuters

Những dấu mốc trong quan hệ Mỹ-Cuba

- Năm 1898-1902: Sau cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ, Mỹ chiếm đóng Cuba - thuộc địa cũ của Tây Ban Nha, và chỉ rút quân khỏi đây sau khi Cuba đồng ý với các điều khoản để hòn đảo được độc lập trên danh nghĩa.

- Năm 1906: Mỹ lại chiếm đóng Cuba và cho quân đội đồn trú ở đây trong 3 năm.

- Năm 1959: Nhà lãnh đạo Fidel Castro lãnh đạo cuộc cách mạng Cuba lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista do Mỹ dựng lên.Tháng 4-1959, Fidel Castro thăm Mỹ.

- Năm 1960: Cuba quốc hữu hóa các công ty dầu của Anh và Mỹ sau khi các công ty này từ chối lọc dầu cho Liên Xô.

- Ngày 29-6-1960: Mỹ ngừng cấp hạn ngạch nhập khẩu đường của Cuba.

- Ngày 19-10-1960: Chính quyền của Tổng thống Mỹ Eisenhower áp đặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba, ngoại trừ việc cấm vận lương thực và y tế.

- Ngày 3-1-1961: Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba.

- Năm 1961: Sau khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tổ chức cho các phần tử chống đối Cuba xâm nhập Vịnh Con Lợn trong 3 ngày từ 17 đến 19-4. Tuy nhiên Cuba đã đập tan âm mưu này.

- Ngày 7-2-1962: Chính quyền của Tổng thống Mỹ Kennedy áp đặt lệnh cấm vận thương mại hoàn toàn với Cuba sau khi xảy ra cuộc “khủng hoảng tên lửa” - một cuộc khủng hoảng đã đẩy Mỹ và Liên Xô tới bờ vực của chiến tranh trong tháng 10 năm đó. Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev sau đó đã nhất trí rút tên lửa khỏi Cuba khi Mỹ cam kết không xâm lược Cuba.

- Ngày 8-2-1963: Mỹ thực hiện việc cấm du lịch tới Cuba. Tháng 7-1963, tất cả các tài sản do người Cuba sở hữu ở Mỹ bị phong tỏa.

- Năm 1977: Quan hệ Mỹ-Cuba phần nào được cải thiện với sự thành lập của “các khu vực quyền lợi” đặt tại thủ đô của mỗi nước.

- Năm 1985: Washington thành lập chương trình phát thanh chống Chính phủ Cuba trên sóng phát thanh Marti, nhưng đã bị Cuba chặn đứng.

- Tháng 4-1992: Mỹ thắt chặt lệnh trừng phạt kinh tế với Cuba khi cấm trợ giá cho các công ty Mỹ ở những nước thứ 3 buôn bán với Cuba, và hạn chế các tàu đã đến Cuba cập cảng Mỹ.

- Tháng 10-1992: Mỹ tăng cường lệnh cấm vận chống Cuba khi cho ra “Đạo luật Torricelli”, trong đó phạt các công ty Mỹ có quan hệ làm ăn với Cuba. Đạo luật này cũng bác bỏ việc viện trợ kinh tế đối với các nước có hỗ trợ Cuba.

- Năm 1995: Quan hệ Mỹ-Cuba bớt căng thẳng khi hai nước ký trở lại Hiệp định nhập cư mà hai nước đã ký trước đó vào tháng 9-1994.

- Tháng 2-1996: Quan hệ Mỹ-Cuba trở nên căng thẳng, sau khi Cuba bắn hạ 2 máy bay Mỹ xâm nhập không phận Cuba.

- Tháng 3-1996: Nhà Trắng ban hành Dự luật Helms-Burton nhằm tăng cường việc cấm vận kinh tế đối với Cuba. Dự luật này đã hệ thống hóa tất cả các lệnh cấm vận chống Cuba đã được Mỹ áp dụng.

Theo dự luật này, hàng hóa Cuba bị cấm nhập vào thị trường Mỹ thông qua các nước khác. Dự luật này cũng phạt công ty của các nước thứ 3 mà có tài sản từng thuộc quyền sở hữu của các công dân hay các tập đoàn Mỹ và đã bị sung công sau cuộc cách mạng 1959.

- Năm 1999-2000: Vụ Elian Gonzalez - một cậu bé Cuba còn sống sót sau vụ chìm tầu cuối tháng 11-1999 - đã trở thành tâm điểm trong cuộc tranh cãi chính trị kéo dài 6 tháng về việc giành quyền nuôi dưỡng giữa họ hàng của Elian tại Mỹ và người cha tại Cuba. Cuối cùng, Tòa án Liên bang Mỹ đã buộc gia đình Gonzalez tại Mỹ phải trả cậu bé lại cho người cha của mình.

- Tháng 5-2002: Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter thăm Cuba và trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên (đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu) thăm Cuba kể từ khi Chủ tịch Fidel Castro nắm quyền.

- Tháng 5-2004: Tổng thống George W. Bush thông qua một kế hoạch mới nhằm thắt chặt lệnh cấm vận đối với Cuba. Theo kế hoạch này, Mỹ tăng 59 triệu USD nguồn quỹ cho các hoạt động chống phá Cuba. Ngoài ra, Mỹ giới hạn việc những người Mỹ gốc Cuba đến Cuba 3 năm một lần, cũng như hạn chế trong việc gửi kiều hối.

- Tháng 10-2004: Cuba ngừng sử dụng đồng USD trong giao dịch tại Cuba để đáp trả chính sách hạn chế kiều hối của Mỹ.

- Tháng 2-2008: Fidel Castro từ chức Chủ tịch Cuba, em trai của ông là Raul Castro chính thức được bầu là Chủ tịch Cuba với cam kết cải thiện cuộc sống của người dân Cuba.

- Tháng 5-2008: Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ tại bang Miami, ứng cử viên Tổng thống Barack Obama tuyên bố ông sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Raul Castro nếu ông đắc cử.

- Ngày 10-3-2009: Thượng viện Mỹ thông qua dự luật nới lỏng biện pháp bao vây cấm vận đối với Cuba, theo đó kiều dân Cuba sẽ được về thăm quê hương mỗi năm một lần thay vì 3 năm/lần như quy định áp dụng từ năm 2004.

Ngoài ra, kiều dân Cuba có thể tiêu 179 USD/ngày khi ở Cuba, tăng đáng kể so với mức 50 USD cũ. Dự luật cũng cho phép Cuba thanh toán tiền mua thực phẩm và thuốc của các công ty Mỹ khi hàng hóa tới Cuba chứ không phải trả trước như quy định được áp dụng dưới thời Tổng thống George W. Bush.

- Ngày 4-4-2009: Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez tiếp đoàn nghị sỹ Mỹ thăm Cuba trong nỗ lực chấm dứt gần nửa thập kỷ Mỹ cấm vận Cuba. Đây là phái đoàn Mỹ đầu tiên tới Cuba kể từ khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức. Đoàn do bà Barbara Lee, Chủ tịch nhóm Nghị sỹ Quốc hội dẫn đầu.

- Ngày 13-4-2009: Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định dỡ bỏ tất cả các lệnh cấm du lịch và chuyển tiền của những người Mỹ gốc Cuba về Cuba.

- Tháng 12-2009: Công dân Mỹ Alan Gross bị bắt ở Cuba với cáo buộc làm gián điệp cho Washington.

- Tháng 10-2011: Điệp viên Cuba Rene Gonzalez được thả tự do khỏi nhà giam Florida. Gonzalez là một thành viên trong nhóm bộ 5 Cuba, những người này bị kết án tù vào năm 2001 ở Mỹ với tội danh làm gián điệp.

- Tháng 12-2011: Mỹ một lần nữa kêu gọi thả công dân Alan Gross đang bị giam trong nhà tù Cuba, với cáo buộc làm gián điệp. Việc Cuba từ chối thả tự do cho Alan Gross đã làm đóng băng quan hệ song phương trong nhiều tháng.

- Ngày 17-12-2014: Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau nửa thế kỷ gián đoạn.

- Ngày 16-1-2015: Mỹ chính thức nới lỏng việc đi lại và giao dịch thương mại với Cuba. Theo đó, mọi người dân Mỹ đều có thể làm thủ tục sang Cuba mà không cần phải xin giấy phép chứng minh nằm trong 12 nhóm người được phép tới thăm Cuba như trước kia.

Quy định mới cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty dịch vụ viễn thông và các tổ chức tài chính của Mỹ trong việc làm ăn tại Cuba, đồng thời cho phép mở rộng xuất khẩu nông sản của Mỹ vào Cuba.

- Ngày 11-4-2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro hội đàm tại Panama bên lề Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) lần thứ 7. Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo hai nước trong suốt 56 năm qua này đã mở ra trang sử mới trong mối quan hệ phức tạp giữa hai nước.

- Ngày 14-4-2015: Mỹ chính thức đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố do Mỹ tự lập ra.

- Ngày 1-7-2015: Mỹ và Cuba nhất trí mở lại Đại sứ quán tại Washington và La Habana vào ngày 20-7

- Ngày 20-7-2015: Mỹ mở lại Đại sứ quán Cuba tại thủ đô Washington.

Hoàng Yến (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link