06/03/2018 16:03 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, sự việc cô giáo B.T.T.N, giáo viên lớp 4/3, Trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh đã gây bức xúc trong dư luận.
Vụ việc bắt nguồn từ việc cô giáo N phạt các em học sinh vi phạm nội quy bằng cách cho quỳ gối trước lớp khiến các em sợ không muốn đi học. Phụ huynh đã tới trường tạo áp lực buộc cô giáo phải quỳ gối xin lỗi.
Ngay sau khi có thông tin, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục liên hệ trực tiếp với cơ sở, xác minh rõ thông tin, báo cáo nhanh để Bộ có phương án xử lý kịp thời. Tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng là đúng người, đúng việc; một mặt đảm bảo giáo viên thực hiện đúng các quy định; một mặt có phương án bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà giáo nếu có hình thức đối xử với các thầy cô không đúng theo quy định pháp luật, làm tổn hại đến danh dự, thanh danh nhà giáo.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Về nguyên tắc, nếu giáo viên sai so với quy định hiện hành thì phải nhận trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp. Bất kể hình thức nào làm nhục, xúc phạm danh dự, ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp của người giáo viên cũng là vi phạm nhân quyền cần phải lên án, thậm chí có hình thức xử lý nếu vi phạm pháp luật.
Sau khi có thông tin chính thức từ Sở Giáo dục và Đào tạo Long An, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục sẽ có văn bản nhắc nhở đội ngũ giáo viên nghiêm túc thực hiện đúng các quy định nghề nghiệp; đồng thời đề nghị cơ quan chức năng có phương án xử lý những trường hợp xúc phạm nhà giáo.
Trước vụ việc này, dư luận cho rằng, hình thức phạt học sinh của cô giáo N là không phù hợp. Là một nhà giáo, cô giáo bắt học sinh phải quỳ là một hành vi phản giáo dục. Điều này vô tình sẽ khiến học sinh tự ti với các bạn và có thể là một “vết sẹo” trong tâm hồn các em. Môi trường giáo dục là môi trường văn minh, quá trình giáo dục con người đòi hỏi sự mềm dẻo trong ứng xử và linh hoạt trong giao tiếp, giải quyết tình huống. Khi học sinh có hành vi không đúng mực hoặc vi phạm nội quy lớp học, giáo viên cần cân nhắc các hình thức xử phạt nhưng không làm ảnh hưởng đến việc học tập, tâm lý học sinh.
Quá trình hình thành và phát triển nhân cách của học sinh chịu ảnh hưởng rất lớn từ giáo viên. Trong giáo dục đạo đức, không phương pháp nào có tác động mạnh mẽ bằng chính nhân cách của người thầy. Một người thầy tốt sẽ là tấm gương sáng cho học sinh noi theo để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Người thầy không chỉ giáo dục học sinh về tri thức mà còn định hình cho các em về nhân cách, lẽ sống, biết yêu thương, có trách nhiệm cho bản thân, gia đình và xã hội.
Dư luận xã hội bên cạnh việc lên án hành vi phản giáo dục của giáo viên trong trường hợp này, cũng hết sức bức xúc với cách hành xử của phụ huynh. Mặc dù cô N đã sai trong sử dụng hình phạt với học trò, nhưng phụ huynh cũng không thể sử dụng một biện pháp phản giáo dục khác để sửa chữa một hành động sai. Những người làm cha, làm mẹ bức xúc với cách hành xử của cô giáo với học sinh cũng lại có những hành động phản giáo dục đối với cô giáo của con mình. Sự việc này dấy lên trong dư luận về vị thế của nghề giáo, sự can thiệp ngày càng sâu của phụ huynh vào phương pháp sư phạm trong nhà trường.
Từ bao đời nay, dân tộc Việt Nam đã có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, được hun đúc từ “đạo làm người”. Không phải tự nhiên mà câu ca dao “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” được lan truyền từ đời này sang đời khác. Cũng không phải tự nhiên, cha ông ta thường nhắc nhở con cháu rằng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy).
Trong bất cứ thời đại nào, nghề giáo vẫn luôn là nghề cao quý và luôn được xã hội kính trọng. Xã hội dù có phát triển đến đâu thì vị trí, vai trò của người thầy trong mỗi con người vẫn được khẳng định với sự kính yêu và tôn trọng. Thầy, cô giáo là những người đã truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm sống, đạo lý cho con người từ khi chập chững bước vào đời cho đến khi trưởng thành. Vì vậy, bên cạnh việc dạy con cái biết tôn trọng và yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình, thì việc dạy cho trẻ tôn trọng các thầy, cô giáo là một phần không thể thiếu trong quá trình giáo dục con trẻ.
Việc tỏ thái độ thiếu tôn trọng thầy cô từ các bậc cha mẹ sẽ để lại dấu ấn không tốt trong tâm lý con trẻ. Khi xúc phạm thầy cô, cha mẹ đã làm mất niềm tin của con cái vào người thầy, ảnh hưởng đến mối quan hệ thầy – trò và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Phụ huynh hãy trò chuyện, trao đổi với con về những khúc mắc trong quá trình đi học, làm cầu nối cho con và thầy cô để con không buồn giận nếu lỡ mắc một hình phạt nào đó ở lớp học.
Sự hình thành và phát triển tính cách một con người phụ thuộc nhiều vào môi trường giáo dục từ gia đình đến nhà trường. Tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng, để những đứa trẻ lớn lên thật sự là những người hướng thiện thì trước hết, người lớn hãy viết lên đó những điều tốt đẹp bằng chính lời nói và hành động của mình.
TTXVN/Việt Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất