13/06/2019 15:45 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Sau phản ánh từ dư luận về việc con cháu họ Vương muốn đóng cửa di tích nếu không đạt thỏa thuận với Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang, Bộ VHTTDL cho biết, quan điểm của Bộ là tất cả các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các thiết chế văn hóa nói chung phải luôn được mở cửa để phục vụ người dân.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết: "Luật Di sản văn hóa đã quy định các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Điều 15 của Luật Di sản văn hóa cũng quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu, quản lý trực tiếp di sản văn hóa phải tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hóa và bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa.
Với trách nhiệm của mình, trong nhiều năm qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền các địa phương đã dành nhiều kinh phí đầu tư từ các nguồn lực khác nhau để tu bổ, tôn tạo các di tích nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích với mục đích phục vụ nhân dân và du khách tham quan trong nước cũng như bạn bè quốc tế. Như vậy, trách nhiệm là chủ sở hữu hay bộ máy quản lý trực tiếp di tích bên cạnh việc được nhà nước, nhân dân đầu tư, ủng hộ tu bổ, tôn tạo thì phải có trách nhiệm bảo vệ, và phát huy giá trị di tích phục vụ cho quyền của người dân được tham quan, nghiên cứu di sản văn hóa".
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc theo Luật Di sản văn hóa, một cá nhân là chủ sở hữu của di tích có quyền đóng cửa một di tích đã được xếp hạng hay không? Cụ thể là trong trường hợp này, ông Vương Duy Bảo đã được cấp sổ đỏ Dinh họ Vương thì có quyền đóng cửa di tích, bà Hiền cho rằng: "Tất cả các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các thiết chế văn hóa nói chung phải luôn được mở cửa để phục vụ người dân, phục vụ khách tham quan, du lịch và nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và xã hội; phục vụ du khách trong nước và quốc tế chiêm ngưỡng, hưởng thụ không gian văn hóa, thiên nhiên của đất nước".
Về việc Bộ có đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát tình trạng di tích hay không, Cục trưởng khẳng định, ngày 29/8/2018, đoàn công tác của Bộ do Lãnh đạo Bộ chủ trì đã trực tiếp lên làm việc với tỉnh Hà Giang đề nghị UBND tỉnh Hà Giang quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện việc quản lý chống xuống cấp di tích, có kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng định kỳ thường xuyên các hạng mục công trình thuộc khu di tích. Về lâu dài, chính quyền địa phương cần có kế hoạch quản lý tổng thể khu vực phía trước Khu di tích nhà Vương và một số hộ dân đang sinh sống trong khu vực bảo vệ II của di tích.
Được biết, Quy chế quản lý di tích Nhà Vương đã được ban hành từ năm 2007, đến nay cần được rà soát, nghiên cứu, bổ sung theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý di tích trong giai đoạn mới.
Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất